Xuất khẩu thủy sản 2017: Gánh nặng đặt lưng con tôm

(PLO) - Ngoài cá tra, tôm nước lợ tiếp tục được coi là mặt hàng mũi nhọn để mang lại tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong năm 2017. 
Xuất khẩu thủy sản 2017:  Gánh nặng đặt lưng con tôm

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, năm 2016 thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, với giá trị 7 tỉ đô la, tăng 6,5% so với năm 2015.

Dư địa còn lớn

Năm 2017, ngành này đặt ra mục tiêu thậm chí còn cao hơn so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 7,1 tỷ USD, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6,85 triệu tấn.

Để thực hiện mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, năm 2017, ngành thuỷ sản cần tập trung khai thác thế mạnh về nuôi tôm nước lợ và cá tra để các mặt hàng này tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp. 

Theo Thứ trưởng Tám, lợi thế về tôm nước lợ “dư địa” còn nhiều. Bởi trong số hơn 700 nghìn ha tôm hiện nay, mới có 95 nghìn ha nuôi công nghiệp, còn hơn 600 nghìn ha là quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm sinh thái năng suất còn thấp. Vì thế, ngành thủy sản cần tập trung các giải pháp để tăng năng suất bình quân trên mỗi đơn vị diện tích thủy sản năng suất còn thấp. 

“Các đơn vị cần chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Phải kiểm soát tốt dịch bệnh và dư lượng thuốc kháng sinh cũng như những yếu tố đầu vào của thủy sản, đặc biệt là chất lượng con giống. Bên cạnh đó áp dụng các quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn. Năm 2017 cũng phải chủ động các giải pháp trong ứng phó những bất lợi của thời tiết như: hạn hán, mặn xâm nhập và thị trường xuất khẩu”- Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.

Thứ trưởng Tám lưu ý, trong năm 2017 ngoài việc tạo ra đột phá ở thị trường trong nước, Bộ sẽ tổ chức hội chợ lớn chuyên về cá tra tại Hà Nội để giới thiệu và xúc tiến mở rộng thị trường. 

Khai thác tốt thị trường mới nổi

Trong khi đó, Theo Bộ Công Thương, ngoài các thị trường lớn truyền thống lâu nay như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc  thì Canada đang nổi lên thành thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hơn một thập kỷ qua, Canada luôn có tên trong số 10 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này mặc dù không tăng trưởng mạnh và liên tục nhưng Canada được coi là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng tôm Việt Nam do vị trí nằm sát với nước Mỹ và người dân ở đây có mức sống cao.

Một thống kê cho thấy, trong 5 năm (2010-2015), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Canada dao động từ 70,8 -201,6 triệu USD. Xuất khẩu đạt thấp nhất vào năm 2012 với gần 70 triệu USD và cao nhất vào năm 2014 với 201,6 triệu USD.  Từ năm 2014 trở đi, tôm chân trắng vượt tôm sú về tỷ trọng xuất khẩu. Tính tới tháng 10/2016, tỷ trọng tôm chân trắng và tôm sú sang thị trường này lần lượt là 57% và 41%.  

Được biết, trong số 4 nhà cung cấp tôm chính cho Canada, Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 2 sau Thái Lan, chiếm 24% tổng nhập khẩu tôm vào Canada. Tại thị trường này, Việt Nam phải cạnh tranh mạnh về giá với các nước đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. 

Theo VASEP, những năm gần đây, Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm (như tôm sú, tôm chân trắng) của các nước Đông Nam Á. Người tiêu dùng Canada ngày càng ưa chuộng sản phẩm thủy sản chế biến, nhất là tôm chế biến và tôm đông lạnh, do tính tiện dụng cao. Trong thực đơn nhiều nhà hàng, các món chế biến từ tôm ngày càng phổ biến.Tuy nhiên, mặt hàng tôm còn vỏ ướp đá hoặc đông lạnh được chuộng hơn cả. Tôm đông lạnh nhập khẩu được người Canada ưa thích cả về hình thức lẫn kích cỡ. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng tốt. 

Để chinh phục được thị trường Canada, VASEP cho rằng, doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc hàng giá trị gia tăng và đối với các sản phẩm tươi sống, nhà xuất khẩu nên cung cấp cho khách hàng Canada thông tin về cách chuẩn bị hoặc cách chế biến sản phẩm đó. Bên cạnh đó, doanh  nghiệp nên quan tâm nhiều hơn đến mẫu mã hàng hóa, phát triển mặt hàng mới, chú trọng chất lượng dịch vụ, bao gói, nhãn mác, giá cả phù hợp. 

Đọc thêm