Kỳ án giết người tại Bình Thuận: Nghi can được thả tự do, người chịu hàm oan tới lúc chết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 42 năm, Cơ quan điều tra đủ căn cứ kết luận hành vi giết người, cướp tài sản của Trương Đình Chi nhưng đành phải đóng án, cho gia đình bảo lãnh theo qui định pháp luật. Đáng tiếc, trong vụ án có một người đàn ông đã bị bắt oan và phải mang thân phận bị can cho tới lúc đã qua đời.
Thông báo truy tìm Trương Đình Chi năm 1999.
Thông báo truy tìm Trương Đình Chi năm 1999.

Được tự do bởi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngày 14/1, đại tá Phạm Thật (Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết, quá trình điều tra lại vụ án, cơ quan công an đã tìm được thủ phạm giết bà Phan Thị Khanh (lúc đó 26 tuổi) là Trương Đình Chi - tức Trần Đình Khôi. “Chi đã ít nhất ba lần thay đổi tên, tuổi. Tuy nhiên quá trình xác minh, giám định và lấy lời khai đều xác định những tên này đều cùng một người”, ông Thật nói.

Về việc xử lý hung thủ thực sự của vụ án, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận - thượng tá Vũ Xuân Tiếu, cho biết pháp luật hiện hành không thể xử lý Chi do đã hết thời hiệu xử lý.

Trước đó, vào ngày 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh (lúc đó 26 tuổi) từ nhà vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về nhà. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện bà nằm chết ở đồi dốc gần rẫy bắp thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải, cách quốc lộ 1A chỉ 7 m.

Khi nghe tri hô phát hiện thi thể nạn nhân, ông Võ Tê (sinh năm 1932, quê Đại Lộc, Quảng Nam, trú thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) nhà ở gần đó là người duy nhất rành thuốc Nam trong xóm lập tức chạy đến hiện trường.

Tại đây, mẹ của bà Khanh đang ôm xác con gái đầy máu, khóc lóc thảm thiết. Ông Tê đến bắt mạch, vỗ vào bụng nạn nhân rồi đoán rằng bà đã chết. Lúc này, mẹ của nạn nhân chồm tay, nắm ống quần của ông Tê nhờ cứu con gái. Máu từ tay bà dính vào ống quần của ông Tê.

Từ vết máu này, một ngày sau, ngày 1/8/1980, Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án giết người, cướp của và bắt tạm giam ông Tê.

Tuy vậy, khi ông Tê bị bắt giam, nhiều người dân ở xã Tân Minh đã hướng nghi vấn tới ông Trương Đình Khôi (tức Trương Đình Chi, sinh năm 1956, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân), bởi ông này có nhiều dấu hiệu bất thường.

Người bị bắt oan, ông Võ Tê (Ảnh: Tuổi trẻ)Người bị bắt oan, ông Võ Tê (Ảnh: Tuổi trẻ)

Chi chính là anh cọc chèo của ông Phan Thanh (em ruột nạn nhân Phan Thị Khanh). Vào tháng 7/1980, Thanh đã cho vợ chồng Chi ở nhờ vì lúc ấy Chi chuyển từ tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) đến huyện Hàm Tân, nhưng không có nhà hay tài sản gì.

Chỉ 2 ngày sau khi xảy ra vụ án, vợ chồng Chi đánh tiếng với hàng xóm là đưa con đi Cam Ranh, nhưng sau đó họ không đi, mà về lại xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang cũ (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng). Đây là nơi vợ chồng Chi lập nghiệp trước khi đến Tân Minh, Hàm Tân.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận, ông Phan Đình Bảo (người từng ở Hậu Giang với gia đình Chi) đã thấy vợ chồng Chi rì rầm nói chuyện rất đáng ngờ, ngồi tính tiền và nữ trang. Chưa hết, vợ chồng Chi có tiếng là nghèo, nhưng bỗng dưng giàu lên trông thấy. Mua được cả chiếc xuồng trị giá 1.400 đồng để làm ăn. Trong khi lúc ấy lương hiệu phó một trường liên cấp I, II chỉ khoảng 45 đồng/tháng.

Khi đó, điều tra viên đến Hậu Giang làm việc với ông Chi, thu giữ chứng minh thư và hẹn hôm sau trở lại làm việc tiếp, nhưng đối tượng này đã dẫn gia đình bỏ trốn.

Chi sau đó thay tên đổi họ thành Lê Minh Sơn (ngày sinh 10/11/1954), nhập khẩu vào nhà cha vợ ở tỉnh Bình Định. Thậm chí, vợ của Chi cũng thay tên (không đổi họ).

Công an khi được báo tin đã cử điều tra viên đến làm việc với Sơn (Chi) ở Bình Định, nhưng Sơn tiếp tục biến mất bí ẩn.

Chịu hàm oan tới lúc qua đời

Sau 5 tháng giam giữ, không chứng minh được ông Võ Tê giết người, Công an tỉnh Thuận Hải đã thả ông về và đi tìm người bị tình nghi theo tố cáo của người dân cho rằng người thực sự giết bà Khanh là ông Trương Đình Khôi (còn có tên gọi khác là Trương Chi).

Sau khi được trả tự do, ông Tê về nhà sống trong lặng lẽ, như một chiếc bóng cho đến ngày mất. Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong vườn vì mặc cảm. Từ một thầy thuốc Nam mát tay chuyên giúp đỡ bà con, do mang thân phận là kẻ bị nghi giết người, cướp của, tên của ông cũng khiến người ta e ngại khi nhắc đến, chứ nói gì đến chuyện nhờ chữa bệnh.

13 năm sau ngày bị khởi tố, bắt giam oan, năm 1994, ông Tê qua đời do bạo bệnh khi mới 62 tuổi và đến chết, ông vẫn mang thân phận là bị can giết người.

Anh Đỗ Thanh An (bên trái) – con trai nạn nhân Phan Thị Khanh và anh Võ Ngọc (bên phải) - con trai của ông Võ Tê, người bị chịu hàm oan tới khi qua đời.Anh Đỗ Thanh An (bên trái) – con trai nạn nhân Phan Thị Khanh và anh Võ Ngọc (bên phải) - con trai của ông Võ Tê, người bị chịu hàm oan tới khi qua đời.

Sau đó việc điều tra hung thủ giết người không được thực hiện trong một thời gian dài cho đến khi cơ quan điều tra tạm đóng hồ sơ vụ án lại.

Sau này, con ruột của nạn nhân tên là Đỗ Thanh An đã tự tìm kiếm thông tin người bị tình nghi (lúc này thay tên họ thành Lê Minh Sơn) rồi cung cấp cho cơ quan điều tra, nhưng trong suốt mấy chục năm, Công an tỉnh Bình Thuận không tìm được người này.

Không cam tâm vì mẹ mình bị chết mà hung thủ nhởn nhơ, lại thương cho thân phận những người con của ông Võ Tê nên anh Đỗ Thanh An không từ bỏ việc truy tìm hung thủ để minh oan cho người đã chết là ông Tê. Anh An miệt mài truy tìm nơi ở của người bị tình nghi rồi cung cấp cho công an.

Hai năm trước, khi nghe tin con trai bà Khanh có đơn gửi Công an tỉnh Bình Thuận tố cáo hung thủ giết mẹ mình, ông Võ Ngọc (54 tuổi, con trai ông Tê) được một số luật sư, người từng trợ giúp pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén hướng dẫn thủ tục để làm đơn kêu oan cho cha.

Cuối năm 2021, ông Ngọc tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng đề nghị giải oan cho người cha đã mất.

Sau khi tiếp nhận đơn của ông Ngọc và con trai bà Khanh, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Cục cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an xác minh, truy tìm thủ phạm.

Ngay sau khi bắt được hung thủ, Công an Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Võ Tê. Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Tê "không cấu thành tội phạm" theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

“Sắp tới, Công an Bình Thuận sẽ tiến hành các bước xin lỗi công khai, bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật cho gia đình ông Tê”, thượng tá Vũ Xuân Tiếu, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận cho hay.

Ông Võ Ngọc cho biết, gia đình rất vui mừng khi nhận được quyết định đình chỉ bị can đối với người cha. “Nỗi oan ức của cha tôi và gia đình cuối cũng cũng được giải tỏa. Chỉ tiếc cha tôi đã không còn”, ông Ngọc nói và cho biết đang tính toán mức yêu cầu bồi thường oan sai.

Ông Nguyễn Sỹ Nam (điều tra viên vụ sát hại bà Phan Thị Khanh) chia sẻ trên báo Pháp luật TP HCM, vụ án đã hơn 40 năm nhưng ông luôn canh cánh trong lòng, vì đã thiếu trách nhiệm, không trả lại công lý cho những người phải chịu nỗi mất mát.

ông Nam chính là người trực tiếp đi Hậu Giang truy xét nghi can và Trương Đình Chi. Theo lời ông Nam, lúc đó ông đã đề xuất miệng bắt giữ nghi can, nhưng lãnh đạo không đồng ý vì chứng cứ còn rất non. Theo yêu cầu, trước mắt phải lấy lời khai nghi can đối chứng với nhân chứng, xác định lý do vợ chồng nghi can bất ngờ rời đi sau vụ án mạng...

Đọc thêm