Chỉ một cây dương liễu mà hai gia đình phải kiện cáo đến bốn năm mới ngã ngũ. Kỳ quặc là Tòa án phải “làm lễ” khai quật gốc cây lên tìm chứng cứ….để “giám định” gốc tích.
Kiện vì danh dự
Ông Nguyễn Ngọc Nga (59 tuổi, ở khối phố An Hà Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), người thắng kiện khẳng định: “Vợ chồng tôi kiện vợ chồng ông Nguyễn Mân (89 tuổi, hàng xóm) ra TAND TP.Tam Kỳ đòi lại cây dương liễu là kiện vì danh dự của cả gia đình. Kiện cáo kéo dài từ năm 2009 đến nay mới đòi lại được danh dự cho gia đình”.
Gốc cây dương liễu được TAND TP.Tam Kỳ khai quật lên tìm chứng cứ để phân xử. |
Năm 1976, vợ chồng ông Nga trồng nhiều cây dương liễu xung quanh nhà, nhưng chỉ còn lại một duy nhất. Trải qua bao bão táp mưa nắng nó mới đứng vững vươn mình lên cao như vậy. Để quản lý và làm dấu cây dương liễu, vợ chồng ông Nga phải đi nhặt từng ông táo cũ, bình vôi cũ và lò nấu trấu cũ bỏ xung quanh gốc cây rồi phả đất lên để không cho người xấu đến chặt phá cây.
“Do túng tiền nên ngày 20/1/2009, vợ chồng tôi kêu ông Sơn đến bán cây dương liễu này lấy tiền. Bất ngờ ông Nguyễn Mân chạy ra ngăn cản ôm cây dương liễu không cho chặt cây. Ông Mân cho rằng, đây là cây của mình”, ông Nga kể lại.
Từ đó cuộc tranh chấp cây dương liễu giữa hai gia đình chỉ cách nhau cái hàng rào khoảng 50m xảy ra quyết liệt. Tìm mọi cách, chạy hết đầu đường cuối xóm để kêu gọi người dân làm chứng cây dương liễu là của mình. UBND phường An Phú phải vào cuộc mời hai gia đình lên hòa giải. Cha con ông Mân đồng ý sung công quỹ và ký vào biên bản, còn gia đình ông Nga cương quyết không.
Thế nhưng, biên bản sung công quỹ mà cha con ông Mân ký chưa ráo mực. Bất ngờ vài ngày sau, canh gia đình ông Nga đi ăn giỗ ở xa hết, ông Mân chỉ đạo con trai là Nguyễn Hòa vác cưa ra đốn hạ cây dương liễu ngã xuống đất, rồi cưa ra 13 đoạn khác nhau để chở về.
Con trai ông Nga nhớ lại: “Cả nhà đi ăn giỗ ở xa nhưng thấy không yên nên nhờ hàng xóm dòm ngó động tĩnh của cha con ông Mân. Sau đó, người dân báo tin là cây dương liễu đang tranh chấp bị gia cha con ông Mân đốn hạ rồi. Nghe vậy, cha con tôi phải chạy về kéo ra ngăn cản không cho gia đình ông Mân chở cây dương liễu về nhà. Trong lúc giằng co có người ôm gốc dương liễu, người ôm mấy đoạn cây dương liễu bị cưa ra, người ôm lá, người ôm nhánh, cành xô qua kéo lại một hồi”.
Ông Mân cho rằng, cây dương liễu này được ông trồng thời dân công nhưng lại không nhớ rõ năm nào và không biết cây dương liễu được bao nhiêu tuổi.
“Lúc hòa giải đồng ý sung công quỹ nhưng khi về nhà nghĩ lại, cây dương liễu là của mình, mình có quyền sử dụng nên bảo con trai là Nguyễn Hòa mang cưa, rựa ra đốn cây dương liễu chở về nhà”, ông Mân bày tỏ.
Ông Nga kể: “Ngang nhiên chặt cây dương liễu xong, cha con ông Mân thách đố gia đình tôi có giỏi thì đi kiện xem ai ở không đi giải quyết cái cây dương liễu. Bức xúc việc gia đình bị xúc phạm danh dự nên gia đình quyết kiện đến cùng để đòi lại danh dự. Vậy là hành trình kiện đòi lại cây dương liễu đến bốn năm sau mới ngã ngủ”.
Sau đó, cây dương liễu bị cưa ra 13 đoạn được giao cho gia đình ông Mân bảo quản để chờ phân giải. Cơ quan chức năng giao cho gia đình ông Mân chở 13 đoạn gỗ của cây dương liễu về nhà bảo quản, nhưng bỏ ngoài mưa nắng nên chất lượng chỉ còn có 30%, khối lượng gỗ được định giá là 0,7958m3 với số tiền là 405.900 đồng.
Khai quật gốc cây để tìm chứng cứ!
Ngày 29/9/2011, TAND TP.Tam Kỳ đưa vụ án kiện “Tranh chấp quyền sở hữu về tài sản” là cây dương liễu ra xét xử sơ thẩm. Ông Nga yêu cầu “khai quật” gốc cây dương liễu lên để khẳng định cây dương liễu là của mình. Vì gia đình ông đã làm dấu dưới gốc cây bằng ông táo, bình vôi và lò nấu trấu cũ.
Ông Nguyễn Mân năm nay gần 90 tuổi đã đeo vụ kiện cây dương liễu bốn năm dài. |
Sau đó, TAND TP.Tam Kỳ đã “làm lễ” “khai quật” gốc cây dương liễu có một không hai trước sự chứng kiến của hai gia đình, chính quyền và người dân xung quanh. Ông Nga cam đoan: Khi đào xung quanh gốc cây dương liễu tranh chấp, nếu có bình vôi, ông táo và lò nấu trấu (phải có ít nhất là hai trong ba loại trên), nhưng phải có rễ cây dương liễu bu xung quanh, đó là cây dương liễu do ông Nga trồng. Nếu không đúng như thế, cây dương liễu thuộc quyền sở hữu của ông Mân.
Tuy nhiên, khi “khai quật” các đương sự bổ sung thêm: “Chỉ thống nhất “khai quật” gốc cây dương liễu trong phạm vi bán kính 1,5m tính từ tim cây dương liễu ra xung quanh”.
Kết quả khai quật được Tòa sơ thẩm công nhận: “Quá trình “khai quật” trong phạm vi bán kính 1,5m (xung quanh gốc cây dương liễu) cũng đã thu được 12 mãnh sành ông táo, bình vôi và lò nấu trấu bể. Ngoài phạm vi bán kính 1,5m (xung quanh gốc cây dương liễu) cũng thu được 9 mãnh sành ông táo, bình vôi và lò nấu trấu bể và cũng có bình vôi còn nguyên”.
Các nhân chứng cũng xác nhận cây dương liễu là của ông Nga. Thế nhưng, Tòa sơ thẩm lại bác đơn khởi kiện của vợ chồng ông Nga và cho rằng cây dương liễu là của ông Mân. Gia đình ông Nga phải đóng án phí 200.000 đồng.
Không chấp nhận Tòa sơ thẩm tuyên giao cây dương liễu cho ông Mân sử dụng. Gia đình ông Nga quyết kháng án đến cùng để đòi lại danh dự và đòi lại cây dương liễu của mình.
Sau đó, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm. Tòa nhận định, mặc dù phần đất có cây dương liễu đang tranh chấp cả hai gia đình đều chưa được Nhà nước giao quyền sử dụng. Tuy nhiên, ông Mân chỉ đưa ra được chứng cứ “miệng” về cây dương liễu là của mình. Trong khi đó, vợ chồng ông Nga lại chứng minh được cây dương liễu là của mình bằng việc đã làm dấu bằng ông táo, bình vôi và lò nấu trấu. Điều này đã được chứng minh bằng kết quả “khai quật” của Tòa sơ thẩm.
Cuối cùng, Tòa phúc thẩm khẳng định có căn cứ để xác định cây dương liễu là của gia đình ông Nga nhưng bị Tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện là không khách quan. Vợ chồng ông Mân phải trả cho gia đình ông Nga 405.900 đồng trị giá của cây dương liễu.
Tuy nhiên, khi đã thắng kiện thì vợ chồng ông Nga lại mang nỗi lo khác là chẳng biết đến khi nào mình mới được thi hành án vì vợ chồng ông Mân đã gần 90 tuổi.
Thiên Thanh