Kỳ án “ngang ngược” xây nhà vệ sinh chắn lối vào nhà người khác

(PLVN) - Năm 1997, lối đi độc đạo vào nhà ông Tôn Thất Long (58 tuổi, ngụ tổ 10, khu vực 4, phường Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bỗng bị bịt lại bởi nhà vệ sinh của trường học. Từ đó đến nay, ông Long đã gửi đơn cầu cứu nhiều nơi nhưng mọi sự vẫn y nguyên. Hiện trường học này đã chuyển đi nơi khác, lối đi đó được nhập vào thửa đất do làng quản lý. Người dân nơi đây đồng ý cho ông Long mở lại lối đi, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa cho phép. 
Nhà vệ sinh 22 năm “ám” nhà ông Long.
Nhà vệ sinh 22 năm “ám” nhà ông Long.

Hành động “ngang ngược” không ngờ

Theo nội dung đơn cầu cứu của ông Long đến Báo PLVN, năm 1936 ông nội ông mua lô đất có trích lục mang số hiệu A.277, tám năm sau tiếp tục mua lô A.278. Hai lô đất này tiếp giáp nhau, có lối đi ra đường tỉnh lộ 12B (nay là đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế).

Mặt tiền của hai lô này là Trường Tiểu học Hương Long và đình làng Xuân Hòa. Năm 1995, mẹ ông có đơn khiếu nại việc trường này lấn chiếm đất của gia đình mình.

Trong khi đất đang tranh chấp, chưa được giải quyết, thì trong tháng 11/1997, lãnh đạo trường này đã xây công trình nhà vệ sinh ngay trên đường đi của hai lô đất nói trên.

Ông Long trình bày: “Hiệu trưởng trường có tới xin gia đình tôi hiến đất làm nhà vệ sinh nhưng không được chấp nhận vì đây là lối đi duy nhất. Lối đi này đã có từ 400 năm trước và được sử dụng liên tục đến thời gian đó. Lúc tôi phát hiện nhà vệ sinh chắn lối đi, đã có đơn trình báo lên UBND TP Huế và Phó Chủ tịch UBND TP Huế lúc bấy giờ là ông Nguyễn Cương đã có ý kiến chỉ đạo: “Trong lúc chưa có ý kiến giải quyết của UBND tỉnh, đề nghị nhà trường tạm hoãn việc xây dựng, để tránh xảy ra tranh chấp”.

Thế nhưng chính quyền nơi đây cũng như trường này phớt lờ ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP và vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thành công trình nhà vệ sinh ngay trên đường đi nói trên.

Gia đình ông Long liên tục cầu cứu nhưng không thành, vì thế ông đành phải mượn tạm một phần đất nhà thờ (cạnh nhà ông – PV) làm lối đi từ đó đến nay. Mới đây, nhà thờ này đòi lại đất để làm khuôn viên khiến gia đình ông Long rơi vào cảnh sắp không còn đường đi. 

22 năm tranh cãi

Sau sự việc xây dựng nhà vệ sinh trên đường đi, gia đình ông Long liên tục khiếu nại. Đến ngày 4/8/1997, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 1885/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của gia đình ông.

Quyết định này được ông Nguyễn Xuân Lý (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký, có nêu: “Từ năm 1940, chủ sở hữu hai lô đất A.277 và A.278 không còn sử dụng vì đã bán cho ông Tôn Thất Bích (ông nội ông Long).

Sau khi mua hai lô đất như nói trên, gia đình ông Bích đã nhập thành một thửa nhà đất và sử dụng lối đi riêng ra đường công cộng. Như vậy, quyền sử dụng lối đi của hai lô đất trên đã chấm dứt từ năm 1940. Đất làm lối đi cũ đã bị xóa bỏ”.

Đồng thời, tỉnh cho rằng khi ông Long được gia đình cho đất làm nhà ở trong vườn, “chính ông Long đã cam kết với UBND xã Hương Long không sử dụng lối đi cũ gây ảnh hưởng đến nhà trường”.

Với những căn cứ trên, UBND tỉnh đã bác đơn khiếu nại của gia đình ông Long và cho rằng lối đi đó thuộc đất giao thông công cộng, do Trường Tiểu học Hương Long quản lý sử dụng vì mục đích chung của địa phương. 

Trưởng làng Xuân Hòa xác nhận con đường đã có từ lâu, sử dụng liên tục.
Trưởng làng Xuân Hòa xác nhận con đường đã có từ lâu, sử dụng liên tục.

Ông Long phản bác: “Con đường này phục vụ lối đi ra vào của lô đất A.277 và A.278 từ xưa ai chẳng biết. Làm gì có chuyện đường cũ không dùng nên mất. Tỉnh cho rằng lối đi này chấm dứt từ những năm 1940, thế tại sao trước khi có hố xí trên chúng tôi vẫn đi lại được?”. 

Vẫn lời ông Long: “Một điều khiến tôi rất bức xúc nữa là ở chỗ tỉnh cho rằng tôi có cam kết với UBND xã Hương Long “không sử dụng lối đi cũ gây ảnh hưởng đến nhà trường”. Nếu tôi đã cam kết như vậy thì văn bản chứng cứ đâu? Nếu tôi đã cam kết vậy sao còn bỏ công sức khiếu kiện mấy chục năm qua?”.

Ông Long cho hay dù ông đã phản bác như vậy, trong 22 năm qua cơ quan chức năng địa phương vẫn dẫn những lý do thiếu thuyết phục, sai sự thật như ở Quyết định 1885/QĐ-UBND, để bác đơn của ông.

Dân chúng ủng hộ, chính quyền vẫn chưa đồng ý

Đến năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định xếp hạng đình làng Xuân Hòa là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, Trường Tiểu học Hương Long đã di chuyển đến cơ sở mới, từ đấy nhà vệ sinh đó không còn được sử dụng nữa. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhập con đường đi này vào thửa đất của làng Xuân Hòa, hiện đã thuộc về đất di tích.

Theo quan sát, vì có nhà vệ sinh nên con đường này chỉ còn rộng chừng 0,6m. Xe máy không thể đi qua được, còn nhà vệ sinh không được sử dụng nên rất nhếch nhác, bẩn thỉu.

Theo ông Mai Văn Lực (Trưởng làng Xuân Hòa), trong năm 2013, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và đại diện làng, các vị tộc trưởng đều xác nhận lịch sử con đường đã có từ lâu, sử dụng liên tục. Mọi người đều ủng hộ, mong tỉnh và các ban ngành xem xét, giải quyết để ông Long lấy lại con đường.

“Khi còn con đường đó, làng lấy làm lối đi để bỏ đồ đám vào kho. Sau này lối đi không còn, làng đành dùng tiền xây nhà kho mới… Con đường này không đụng gì tới di tích cả nhưng giờ chính quyền đã đưa con đường này vào đất của làng nên sự việc sẽ trở nên phức tạp. Nó đã thuộc đất di tích thì khó có thể trả lại được dù làng luôn ủng hộ cho gia đình ông Long đập nhà vệ sinh để mở lại lối đi”, vị trưởng làng nhận định.

Nhà vệ sinh này không ai dùng, làng đã ủng hộ cho ông Long làm lối đi. Nhiều người dân ở đây nói rằng “ông có thể tự đập bỏ nó đi”, nhưng ông Long không làm điều này vì quan điểm thượng tôn pháp luật. Ông Long cho biết sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vụ việc một cách thấu tình đạt lý, nhằm lấy lại đường đi cho gia đình mình.

Đọc thêm