Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh, em đã được xuất viện vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, em vẫn phải đối mặt với nhiều chấn thương nghiêm trọng: gãy xương ngực, gãy xương chân mày, chấn thương nội tạng… khiến gia đình vô cùng lo lắng về khả năng phát triển thể chất và vận động trong tương lai.
Ngày 17/4, mẹ cháu bé vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ tai nạn. Theo lời chị, vào buổi chiều xảy ra sự việc, bé ở nhà một mình trong phòng, cảm thấy nóng nên mở cửa sổ cho thoáng. Khi kéo lưới chắn ra thì bất ngờ bị mất thăng bằng và rơi xuống.
Khi bố gọi con ra ăn cơm không thấy, anh đi kiểm tra thì phát hiện cửa sổ mở toang, lưới chống muỗi đã rơi mất và dép của con nằm ngay dưới cửa sổ. Gia đình lập tức truy xuất camera từ phía ban quản lý tòa nhà, đồng thời đi tìm kiếm. Cuối cùng, họ phát hiện bé nằm trên nền bê tông tầng 7 – khu vực có nhiều ống dẫn và không hề có lan can bảo vệ.
“Khi tôi nhìn thấy con, cháu vẫn còn tỉnh và liên tục cầu cứu: Mẹ ơi, cứu con!”, chị Thẩm xúc động kể lại. Lúc ấy, không ai dám đụng vào bé vì lo sợ ảnh hưởng đến xương gãy. Một người chú của bé đã phải trèo qua cửa sổ nhà dân để tiếp cận và trấn an cháu.
Theo chị Thẩm, cửa sổ nơi bé rơi xuống là loại cửa mở trong, bên ngoài chỉ lắp một lớp lưới chắn côn trùng. Phía dưới cửa có thanh chắn cao khoảng 1 mét nhưng không có lưới bảo vệ ngoài trời. Chiều cao của bé khoảng 1m33, nên gia đình cho rằng có thể bé đã vịn lên lan can hoặc thanh ngang bên dưới để vươn ra mở lưới chắn – và từ đó xảy ra tai nạn.
“Cả tòa nhà này đều không lắp rào chắn ngoài cửa sổ. Sau chuyện này, nhất định nhà tôi sẽ làm”, chị Thẩm khẳng định.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, bé được đưa đến Bệnh viện Công nhân Đường Sơn, nhưng do tổn thương phổi nghiêm trọng và tình trạng phức tạp, bệnh viện đã đề nghị chuyển bé lên tuyến trên. Nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông địa phương, xe cấp cứu đã được dẫn đường đưa bé đến Bệnh viện Nhi Bắc Kinh trong đêm, lúc hơn 10 giờ tối.
Tại đây, bé được điều trị trong khu hồi sức tích cực trẻ em (PICU) trong 3 ngày đầu, sau đó chuyển sang khoa Chấn thương chỉnh hình để phẫu thuật tay. Các bác sĩ ở nhiều chuyên khoa gồm Ngoại thần kinh, Nội thần kinh, Mắt, Phổi… đều tham gia hội chẩn do tổn thương đa cơ quan.
Theo hồ sơ bệnh án được mẹ bé chia sẻ, chẩn đoán lúc nhập viện bao gồm: gãy xương chi trên, tràn khí màng phổi, tổn thương vùng mắt và nhiều vết bầm dập nội tạng khác. Giấy ra viện cũng ghi rõ tới 24 chẩn đoán khác nhau như gãy xương nhiều vị trí, chấn thương mắt, tràn khí, phổi phồng do chấn thương…
Dù đã xuất viện ngày 6/4, bé vẫn chưa thực sự ổn định. Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh để kiểm tra thêm về thị lực, do xương chân mày bị gãy có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh mắt.
Điều khiến chị Thẩm lo lắng nhất hiện nay là chấn thương nén đốt sống ngực – một tổn thương tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển chiều cao và vận động lâu dài. Do bé còn nhỏ, các bác sĩ khuyến nghị điều trị bảo tồn trước, nhưng nếu tình trạng không cải thiện, có thể phải tiến hành phẫu thuật lớn.
“Khác với gãy tay hay chân, cột sống ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe và tầm vóc sau này của con. Nếu phục hồi không tốt, con tôi có thể sẽ bị hạn chế vận động hoặc chậm phát triển. Đó là điều khiến tôi lo lắng nhất hiện giờ”, chị nói.
Về mặt tinh thần, hiện tại bé vẫn giữ được tâm lý ổn định. Tuy nhiên, gia đình đang cân nhắc tìm chuyên gia tâm lý can thiệp thêm nếu bé có dấu hiệu ám ảnh sau chấn thương.