Nơi Vua Hùng dạy trẻ chăn trâu hát múa
Theo lời kể của các nghệ nhân Hát Xoan, trong truyền thuyết dân gian, nhân một chuyến đi tìm thêm những vùng đất mới để mở mang kinh thành, Vua Hùng dừng chân tại một ngôi làng nhỏ có tên là làng Phù Đức. Trong lúc nghỉ ngơi, Vua Hùng bỗng nghe thấy tiếng hát của trẻ chăn trâu, cắt cỏ đang hát những câu ca đồng dao dân dã. Vua bèn bảo các lạc hầu, lạc tướng đem một số điệu múa, lời hát dạy thêm cho chúng.
Được Vua Hùng dạy hát, múa, bọn trẻ học rất nhanh, chẳng mấy lúc thuộc hết câu ca, điệu múa Vua Hùng dạy. “Lý len… len là… lễ là… len hỡi len…”, tiếng hát trẻ vang xa cả vùng. Dân làng hồ hởi chạy tới nghe với niềm hân hoan, vui sướng. Dân làng cảm kích tấm lòng của Vua Hùng đã làm bánh nẳng và thịt bò thui dâng Ngài cùng đoàn tùy tùng.
Để tưởng nhớ công ơn của Vua Hùng, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ Vua, gọi là miếu Lãi Lèn. Câu chuyện về những làn điệu Xoan cũng bắt nguồn từ đây. Hát Xoan là tên gọi khác, nói chệch của hai từ hát xuân hay ca xuân; Hát Xoan có lối hát dùng trong nghi lễ - phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn, vì bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Lý len… len là… lễ là… len hỡi len…”.
Từ đó, cứ đến mùng một tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng làm lễ dâng cúng Vua Hùng. Tối ngày mùng hai, mùng ba tháng Giêng, dân làng tổ chức những canh hát nghi lễ thờ Vua để trình diễn lại những điệu hát múa được Vua truyền thuở nào, với mục đích cầu mong Ngài giáng phúc cho dân làng một năm an hòa. Các phường Xoan sẽ hát ở miếu Lãi Lèn, hát từ tối cho đến gà gáy sáng hôm sau. Đó cũng là những đêm hội làng náo nức nghênh xuân. Đến mồng năm Tết âm lịch, các phường Hát Xoan kéo nhau lên hát ở đền Hùng. Hát Xoan kéo dài đến tận tháng Ba, tháng Tư âm lịch với ý nghĩa chúc tụng Vua Hùng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.
|
Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn. |
Ngôi miếu cổ ngàn năm hồi sinh
Miếu Lãi Lèn là nơi hương khói nhớ công ơn người xưa đã sáng tạo nên điệu Hát Xoan, vừa là nơi sinh hoạt của các phường Xoan trong vùng. Do chiến tranh, sự tàn phá của thời gian mà ngôi miếu cổ ngàn năm bị phá hủy. Muốn giữ lại không gian diễn xướng xưa, tháng 3 năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã phục dựng di tích miếu Lãi Lèn trên nền móng của ngôi miếu cổ để hồi sinh không gian Hát Xoan cổ tích.
Trong quá trình đào móng, những người thợ xây dựng miếu không phát hiện được gì nhiều ngoài một vài dấu tích của gạch đá ong. Giả định rằng ngôi miếu cổ này có từ thời đại Hùng Vương, chỉ được làm bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ, đến nay không thể lưu lại gì. Cổ xưa là thế, giản dị, mộc mạc như chuyện Vua Hùng cấy lúa cùng dân, như công chúa soi gương bằng giếng ngọc. Nhưng quý thay, lời hát, điệu múa không mất đi, thậm chí trải qua nhiều thế kỷ, Hát Xoan vẫn dùng nhiều từ Việt cổ cho đến nay không còn nguyên nghĩa.
Ngôi miếu ngàn năm được khôi phục lại, xây trên vết tích xưa giữa đồng thuộc thôn Phù Đức, ở làng Phù Đức, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, cách Đền Hùng khoảng ba cây số. Xung quanh miếu là những thửa ruộng nước xen kẽ hàng trăm quả đồi hình bát úp. Kiến trúc miếu Lãi Lèn như một điểm nhấn giữa một vùng đồi cọ, đồng lúa xanh ngút ngát.
Miếu mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái, cao hơn năm mét, rộng chừng 250m2, cột nhà, xà nhà đều được dựng bằng gỗ lim để mộc không sơn có nghi môn, bình phong theo dạng cuốn thư, nhà tả vu, hữu vu… trông rất cổ xưa, uy nghi, đầy linh thiêng. Trong khối kiến trúc này còn có nghi môn được bó vỉa bằng đá xanh nguyên khối, bình phong theo dạng cuốn thư, nhà tả vu, hữu vu cấu kiện bằng gỗ lim và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích gần 3.000m2.
Khi miếu được hoàn thành, thay cho lễ hô thần nhập tượng thường thấy ở chùa, miếu Lãi Lèn được tổ chức theo nghi thức riêng của Hát Xoan. Các họ Xoan sẽ hát bốn bài lề lối theo nghi thức cổ truyền để rước anh linh các Vua Hùng về miếu, đó là các bài “Giáo trống”, “Giáo pháo”, “Thơ nhang” và “Đóng đám”. Khởi đầu một cuộc hát, phường Xoan phải sửa mâm lễ dâng lên miếu, hát chào Vua Hùng và cung thỉnh Vua tối về đình xem dân làng hát múa.
Khi các thủ tục dâng lễ đã hoàn tất, đoàn kiệu bát cống do tám trai làng trẻ trung, chưa vợ, nhà không tang chế, cùng với đầy đủ nghi tượng, cờ quạt, chống chiêng khởi kiệu rước Vua về miếu, về đình. Khi rước phải có bốn đào Xoan trẻ tuổi, chưa chồng đi dưới gầm kiệu hát điệu “Phụ giá”: “Tám người trai kiệu bước vào/Tay lót khăn đào rước lấy Vua lên/Vua lên thánh đức trị vì/Vua về nghe hát, mừng làng sống lâu”. Đó chỉ là một trong bốn sự tích Hát Xoan mà các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được.
Màn giáo trống, giáo pháo rộn ràng của các phường Xoan gốc đã khiến điệu hát có từ ngàn năm như suối nguồn chảy về bất tận. Không gian diễn xướng cổ kính, tiết mục thơ nhang của các đào, kép trở nên sâu lắng hơn với lời ca khẩn nguyện và thỉnh mời Vua cùng các thần linh giáng tọa, ban phúc cho dân làng. Ngoài phần lễ nghi, đây còn là tập hợp những điệu hát trữ tình giao duyên, vừa nôm na, dân dã lại vừa duyên dáng.
Sau hát lễ đều có phần vui chơi mà người phường Xoan gọi là “Hát chơi” gồm có hát đố, hát đối đáp mang dáng dấp các bài dân ca, hát ví giao duyên, hát trống quân: “Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm nhà no mọi đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống (trích trong Giáo trống). Chính vì thế điệu hát này tồn tại lâu dài, được cả người già lẫn người trẻ đều yêu thích.
Tiếng hát của người già con trẻ hòa quyện, say đắm khẳng định sự tiếp nối, kế cận và sức sống của Hát Xoan trong cộng đồng. Góp phần vào thành công đó là nhờ sự tâm huyết của chính những người trong cuộc, những nghệ nhân truyền lửa và nuôi dưỡng Hát Xoan.
Ngôi miếu Lãi Lèn là một minh chứng cho sự gắn kết giữa quá khứ từ hàng ngàn năm với hiện đại. Miếu cổ Lãi Lèn hồi sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn, nhân rộng sự lan tỏa sức sống, trường tồn mãi mãi điệu hát 2.000 năm trong cộng đồng dân tộc Việt.