Bé gái 3 tuổi chưa biết đứng bỗng dưng biết đọc
Nhìn những cử chỉ vô tư của cháu ngoại, bà Hoàng Thị Thủy (SN 1966) vừa mừng vừa lo. Bà tâm sự: “Đã gần 4 tuổi rồi nhưng hiện tại cháu tôi vẫn chưa thể tự đứng lên đi lại được. Đôi chân cháu ngày càng có dấu hiệu teo tóp đi. Cách đây chừng 1 năm, cháu khiến gia đình bất ngờ khi đọc vanh vách các con chữ dù chưa một lần đến trường”.
Đó là dịp hè năm 2018, thời điểm ấy, bé Khánh Huyền mới 3 tuổi. Hôm đó, mọi người trong gia đình bà Thủy đang ngồi chơi thì thấy cháu bé cầm điện thoại lên đọc tin nhắn. “Lúc đầu, chúng tôi cứ ngỡ cháu đang đọc vẹt. Nhưng sau một hồi quan sát, gia đình thấy cháu đọc đúng từng chữ trong các đoạn tin nhắn được nhận và gửi đi, cháu đọc rành rọt, không sai chữ nào”, bà Thủy nhớ lại.
Trước sự việc bất ngờ, người thân vội lấy ra một số sách, báo để cháu Khánh Huyền đọc thử. Trước sự chứng kiến của nhiều người, cô bé đọc vanh vách tất cả các dòng chữ được người khác chỉ vào. Điều đáng nói là cháu bé chưa một lần đến trường, bố mẹ không ai làm nghề giáo viên. Ở nhà, bé Khánh Huyền cũng không được bố mẹ hay ai dạy chữ.
Dù phát hiện ra khả năng đặc biệt của con gái, nhưng vì không muốn cuộc sống của con bị xáo trộn nên vợ chồng anh Trần Văn Linh (SN 1987) và chị Lê Thị Thương (SN 1994) không can thiệp mà để con tự phát triển. Hơn nữa, vì hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng thường xuyên đi sớm về khuya nên không có điều kiện đầu tư mọi mặt cho khả năng của con gái.
Chưa được học nhưng bé Khánh Huyền đã có thể đọc sách báo vanh vách (ảnh Báo Hà Tĩnh) |
Chuyện cháu bé nhỏ đọc thông thạo con chữ chỉ được dư luận biết nhiều cách đây 2 tháng. Hôm đó, trong một lần theo bố ra sân vận động của xã xem hội diễn thể thao, bé Khánh Huyền khiến mọi người bất ngờ khi đọc đúng, to nhiều dòng chữ ở bảng hiệu, băng rôn cổ động. Nhiều người tò mò đã quay lại video cô bé chưa một ngày đến trường nhưng đọc thông thạo chữ đăng lên mạng xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, khả năng đặc biệt của cô bé gần 4 tuổi được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
Anh Linh cho hay, không chỉ có khả năng đọc đúng các dòng chữ trong sách, báo, bé Khánh Huyền còn thuộc tên, chức danh của các nguyên thủ quốc gia. Gia đình phát hiện điều đó trong lần ngồi xem chương trình thời sự trên kênh truyền hình. Không những biết tên những người phát biểu, cháu bé còn nhớ chức danh của từng người, dù gia đình chưa một lần dạy bảo. Dò hỏi con, họ được cô bé trả lời biết được điều đó do nhiều lần ngồi nghe các người dẫn chương trình trên truyền hình thời sự. Tận mắt chứng kiến khả năng đặc biệt của con khiến người thân càng bất ngờ hơn.
Gia cảnh éo le
Không những “nổi tiếng” với khả năng đặc biệt, bé Khánh Huyền còn được nhiều người thương cảm vì có số phận bất hạnh. Theo lời kể của gia đình, lúc mới sinh cháu hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng lớn lên, cháu bé càng có dấu hiệu khác thường, cơ thể chậm phát triển, đặc biệt là đôi chân ngày càng teo dần.
Lo lắng, cách đây vài năm, vợ chồng anh Linh đã đưa con đi khắp các bệnh viện từ trung ương đến địa phương thăm khám. Tại Bệnh viện Nhi TW ở Hà Nội, cháu bé được chuẩn đoán bị yếu tủy, yếu cơ, cơ thể chậm phát triển. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, cháu bé được cho về nhà để tiếp tục theo dõi, chăm sóc.
Gia cảnh khó khăn nên từ khi phát hiện bệnh tình của con, gia đình chị Thương càng vất vả hơn. Với hơn 3 sào ruộng, vợ chồng anh chị phải làm thêm nhiều công việc khác để trang trải sinh hoạt, chữa trị bệnh cho con. Hàng ngày, tranh thủ thời gian rãnh rỗi, anh Linh còn đi làm thuê cho bà con trong làng. Khi không có ai thuê, anh lại mang lưới ra đồng thả kiếm con tôm, con cá, cải thiện bữa ăn và chắt bóp tiền bạc. Để bồi bổ cho con, nhiều khi vợ chồng anh còn nhịn ăn hoặc ăn uống qua loa. Tuy nhiên, đến nay, tình hình sức khỏe của bé Khánh Huyền vẫn chưa có cải thiện gì đáng kể.
Anh Linh - bố bé Khánh Huyền mong muốn có tiền để chữa bệnh bại liệt cho con nhưng gia cảnh rất khó khăn... (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Trước hoàn cảnh túng quẫn của gia đình, cách đây vài tháng, chị Thương quyết định để cô con gái tật nguyền ở nhà để sang Trung Quốc làm thuê. Do vậy, hiện nay chỉ còn hai bố con anh Linh tự chăm sóc nhau. Hàng ngày, cứ sáng sớm anh Linh đã phải đưa con sang gửi bà ngoại để đi làm. Hôm nào được nghỉ sớm, anh vội tranh thủ về nhà lo cơm nước cho con gái.
Nhìn đứa con nhỏ đang vô tư hát, đọc chữ, anh Linh buồn rầu: “Chừng ấy tuổi các bạn đã chạy nhảy, được đi học, nhưng con tôi thì chưa làm được những điều đó. Dịp đầu năm học vừa rồi, gia đình có đưa cháu đến trường, nhưng vì sức khỏe yếu nên nhà trường chưa nhận. Nhìn cháu như vậy, chúng tôi không biết khi nào con mình mới đi lại như các bạn, để được đi học”. Im lặng một lát, ông bố trẻ tâm sự, điều quan trọng nhất giờ đây của gia đình tôi là kiếm tiền chữa bệnh cho con. Đó cũng là lý do mà vợ chồng tôi phải tạm xa nhau. Tôi biết vợ đi làm xứ người sẽ vất vả, nhưng vì nếu ở nhà thì không biết đến khi nào mới góp được tiền để đưa con đi chữa trị. Thôi thì vì con vợ chồng tôi phải cùng cố gắng.”
Khi được hỏi mong ước của mình, cô bé hồn nhiên trả lời: “Cháu muốn được sống gần mẹ và muốn được đi học như các bạn”. Nghe những lời thỏ thẻ của cháu ngoại, bà Thủy rơi nước mắt. Lén lau những giọt nước mắt đang rơi, bà Thủy cho biết chỉ ao ước gia đình có đủ kinh phí để đưa cháu gái đi chữa trị càng sớm càng tốt, mong sao đôi chân bé Khánh Huyền hồi phục để có thể đi đứng, chạy nhảy, đến trường như bạn bè…”.