Hoảng loạn trước cái chết thảm thương của mẹ và 2 con trai khi bom Mỹ dội trúng nhà, anh bộ đội ôm đứa con hơn 1 tuổi chạy vào rừng sâu sống cách biệt suốt 40 năm.
Lá thuốc giúp cha con ông Thanh vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu 40 năm qua. |
Vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng, băng qua nhiều ghềnh thác suốt hơn 4 giờ, đoàn công tác của huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đi "giải cứu" cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor) mới tiếp cận được căn chòi lá nằm chót vót trên thân cây cổ thụ ở đỉnh núi APon.
Nơi ở của cha con ông Thanh nhìn từ xa như một tổ chim lớn trên cây chò già và được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô. Cách căn chòi lá vài mét là dòng suối chảy róc rách theo máng hứng làm bằng nửa thân cây lồ ô. Đây là nguồn nước sinh hoạt của cha con ông Thanh.
Cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang suốt 40 năm đã sống trên căn chòi như tổ chim, treo chót vót trên một thân cổ thụ giữa rừng sâu được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô già. |
Muốn lên được căn chòi lá này, dân làng phải leo lên chiếc thang làm bằng thân cây rừng được buộc bằng những sợi mây. Mái chòi được lợp bằng các loại lá chuối khô, mây rừng và lá cây sộp đan chồng lên nhau. Ngôi "nhà" rộng chừng 2m2 ám đầy khói tro. Ngoài khoảnh nhỏ làm bếp để sưởi ấm, nấu ăn, khoảng trống còn lại chỉ đủ cho cha con ông Thanh nằm.
Anh Hồ Văn Tri (con trai ông Thanh) bảo, người thân kể rằng năm 1972 cha anh đi bộ đội đóng quân gần nhà. Một hôm, nghe tiếng bom dội, ông Thanh tức tốc chạy về thì thấy căn nhà chỉ còn là đống đổ nát, mẹ và 2 con trai lớn tử vong.
"Trước mất mát quá lớn, cha hoảng loạn ôm anh Lang mới hơn một tuổi chạy vào rừng sâu lẩn trốn biệt, còn tôi vừa chào đời. Mãi đến năm 12 tuổi tôi mới theo bác ruột tìm gặp cha và anh trai sống trong căn chòi lá làm ở trên cây cao", ông Tri kể.
Sau lần gặp ấy, mỗi năm hai lần anh Tri gùi muối, dầu hỏa và cây rựa mang vào rừng sâu dù đến giờ cha và anh trai vẫn chưa nhận ra anh là người ruột thịt. Mỗi lần vào thăm anh Tri đều ngủ ven suối, không dám ngủ trên chòi với cha và anh trai mình vì... sợ.
Chiếc quần bộ đội mà "người rừng" giữ gìn suốt 40 năm qua. |
Theo anh Tri, nhiều lần dân làng vào rừng định khuyên cha và anh trở về nhà nhưng hễ thấy người lạ là họ lẩn trốn rất nhanh. Để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khu rẫy lân cận tìm giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng. Vì thế, đoàn công tác đã rất bất ngờ khi đứng trước đám rẫy rộng gần một ha với đủ các loại lúa rẫy, bắp, mè, mía và cây thuốc lá... của cha con ông. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc lên xanh tốt.
Ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) cho biết, nhiều lần dân làng lên núi làm rẫy đã mang quần áo, xoong nồi, rìu, rựa cho cha con ông Thanh nhưng ông lão vẫn gói lại để trong chòi, ít khi dùng đến. Hàng ngày hai cha con chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây, tự chế ra những dụng cụ để giã gạo lúa, mì thành bột. Hay mày mò làm ra rất nhiều lê, mác, cung tên, bẫy, rìu... để săn bắt thú rừng, sống cuộc đời hoang dã.
Theo ông Lâm, để vượt qua những mùa đông giá rét, cha con ông Thanh đã ủ lửa trong chòi và hút thuốc lá để làm ấm cơ thể. Kiểm tra căn chòi, dân làng phát hiện nhiều loại thịt thú rừng, trong đó có thịt chuột phơi khô và hàng chục ống lồ ô lớn chứa đầy lương thực dự trữ như lúa, mè và ớt khô. Cha con "người rừng" còn gói ghém cẩn thận răng và mật của nhiều loài thú dùng làm trang sức và chữa bệnh.
Ngoài ra, ông Thanh còn được cho là đã nghĩ cách nấu chín củ mì (sắn), sau đó dùng chày giã nát rồi lấy lá dong gói bánh cúng tế "thần rừng". Nhiều người bất ngờ hơn khi ông lão vẫn còn gói cẩn thận chiếc áo ấm màu đỏ của anh Lang lúc nhỏ và chiếc quần xanh của ông thời còn là bộ đội chống Mỹ.
"Không ngờ sau 40 năm sống biệt lập giữa rừng, với cuộc sống hoang dã khắc nghiệt, ông Thanh vẫn nuôi con trai sống sót từ lúc một tuổi đến giờ", ông Hồ Văn Xanh, người cùng làng thảng thốt khi lên đón họ về nhà.
Sau 40 năm xa cách, anh Tri mới được trực tiếp chăm sóc cho cha mình. |
Hay tin cha con ông Thanh được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu, suốt từ đêm qua, hàng trăm người dân ở khắp nơi đã đến chia vui cùng gia đình. Sức khỏe ông Thanh đã suy kiệt nên các y bác sĩ ở Trung tâm Y tế Tây Trà đang tích cực cấp cứu. Còn anh Lang bập bẹ vài tiếng như muốn hỏi thăm tình hình của cha.
Được đưa lên Trung tâm Y tế, vừa nhìn thấy cha nằm bẹp một chỗ, tay được gắn dây truyền nước biển, anh Lang ú ớ kêu to, đôi mắt đầy vẻ sợ hãi. Người đàn ông 41 tuổi ra hiệu cho mọi người mang cha về. Sau khi được người thân an ủi, anh đồng ý theo về nhà nhưng cứ ngồi lì một góc hút thuốc lá, ánh mắt u buồn.
Ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Trà cho biết, sau khi cha con ông Thanh trở về, huyện đã đến thăm hỏi hỗ trợ lương thực giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cũng được tăng cường, quản lý không để cha con ông Thanh quay lại rừng sâu.
Qua xác minh, huyện xác nhận ông Thanh từng là bộ đội chống Mỹ, nhà ông bị dội bom khoảng năm 1972 khiến mẹ và hai con trai của ông qua đời. Nhằm tạo điều kiện cho cha con ông sớm hòa nhập cộng đồng, huyện hỗ trợ xây nhà và xem xét giải quyết các chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông trong thời gian sớm nhất.
Theo VnExpress