Từ bao lâu nay, vùng quê Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn duy trì những tục lệ khác lạ mỗi độ xuân về. Ngay trong tháng giêng, người dân nơi đây đã ăn liền... 2 cái Tết. Và không biết từ bao giờ, cứ đến Tết là cả làng... ăn thịt chó.
|
Mâm thịt chó đầu xuân. |
Đón thêm một cái Tết
Ăn Tết hai lần là một tục lệ xuất hiện ở Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVIII trên nhiều vùng miền trên đất nước ta, nhất là vùng ngoại thành Hà Nội. Nó gắn liền với sự kiện lịch sử vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789).
Trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Thì ra, tiết trời lạnh, nước ao lạnh nên bánh không bị hư hỏng.
Cảm tạ vị anh hùng áo vải đã lại cho họ được ăn Tết ở nhà, từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng giêng, có khi tới tận cuối tháng giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.
Ở xã Trường Yên cũng có tục này, tuy nhiên, cái tên và nguyên nhân thì lại khác xa so với nhiều nơi. Theo lời các bậc cao niên nơi đây kể lại, từ hàng trăm năm nay, ở ngôi làng này, ngoài đón Tết Nguyên Đán thì họ có thêm một cái Tết vào ngày 30 tháng giêng (âm lịch). Lần ăn Tết này người dân gọi là “ăn Tết Cùng”.
Trước đó, ngay khi hết Tết cổ truyền, một tục lệ khác chẳng khác nào một ngày hội luôn được diễn ra. Vào ngày này con cháu các dòng họ trong làng xã từ khắp nơi đổ về để tảo mộ đầu xuân. Kết thúc ngày hôm đó là những bữa tiệc thịt chó ở khắp làng, khắp xã... Hai phong tục đó đã là những thứ không thể thiếu trong những ngày đầu xuân năm mới nơi đây.
Cụ Nguyễn Đình Chung là người cao niên nhất làng, năm nay cụ đã đón cái Tết thứ 103 cùng với hai tục lệ lạ lùng kia. Cụ Chung tóc đã bạc phơ, hàm răng đã móm mém nhưng vẫn minh mẫn kể lại chuyện “ăn Tết Cùng” và ăn thịt chó đầu năm với giọng hào sảng.
Cụ kể, từ đời ông cha của cụ đã có cái tục đó rồi. Tương truyền từ thời vua Tự Đức, khi có bọn giặc Cờ Đen dạt vào Miền Bắc nước ta gây nên họa thổ phỉ vào cuối thể kỷ 19. Giặc Cờ Đen hay còn gọi là Hắc Kỳ Quân - vốn là tàn quân của khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Sau khi khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị triều đình phong kiến Mãn Thanh đàn áp đẫm máu nên nhiều toán nghĩa quân phải dạt vào miền Bắc nước ta.
Ngày đó, Giặc Cờ Đen vào đến xã Trường Yên và những vùng lân cận đúng vào dịp tết Nguyên Đán. Trong làng ai nấy đều sợ hãi, để tránh bị giặc tàn sát và cướp bóc, dân làng đã rủ nhau cùng ném tất cả đồ ăn Tết của mình xuống những chiếc giếng, ao ở trong làng, từ bánh chưng đến thịt xôi...
Mãi đến cuối tháng giêng, khi giặc đã kéo đi, người dân trong làng mới quay về, rồi họ cùng nhau ra vớt những thứ mà họ đa vứt xuống ao, xuống giếng. Lạ thay những món đồ này chưa bị hỏng, những chiếc bánh chưng bóc ra vẫn còn thơm phưng phức. Nghĩ là lộc trời ban nên sau đó cả làng quyết định tổ chức lại Tết năm đó. Rồi đặt tên cho nó là “Tết cùng”. Ngày Tết ấy đúng vào ngày 30 tháng giêng âm lịch.
Hiện tại, nơi đây vẫn còn 9 chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi rải rác khắp làng, xã để minh chứng cho những câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác về tục lệ lạ lùng này. “Tôi đã được cha mẹ kể lại từ thời còn bé, những chiếc giếng cổ của làng tôi đã có tận hàng trăm năm nay. Nó như một minh chứng rõ nét nhất cho ngày “Tết cùng” ở quê tôi. Cái Tết to thứ hai sau Tết cổ truyền”, cụ Chung chậm rãi kể.
|
Cụ Chung (103 tuổi) kể về tục lạ của làng mình. |
Xuân sang, cả làng ăn thịt chó
Nét độc đáo nhất làm nên cái khác lạ ở Trường Yên mà có lẽ không ở nơi nào có được chính là tục ăn thịt chó đầu xuân. Thịt chó là món người ta kiêng ăn vào những ngày đầu tháng, đầu năm để tránh sự đen đủi cho những ngày còn lại trong tháng, những tháng còn lại trong năm. Ấy vậy mà ở thôn Yên Trường, ăn thịt chó lại trở thành “tục lệ” không thể thiếu của những ngày đầu xuân năm mới.
Những ngày đầu tháng hay ngày rằm thường người dân thôn Yên Trường rất coi trọng việc kiêng ăn thịt chó. Các quán bán thịt chó trong làng cũng đóng cửa nghỉ bán những ngày này. Tuy nhiên, đấy là chuyện của trong năm, chứ riêng đến ngày mùng 4 tháng 1 âm lịch thì lại hoàn toàn khác...
Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ quán thịt chó Sơn Thủy trong xã cho biết, cứ ngày mùng 4 Tết hàng năm là cửa hàng anh lại làm thịt chó không xuể. Có điều riêng ngày hôm đó, quán của anh cũng như các quán khác trong vùng chẳng quán nào bán thịt chó chín mà chỉ tập chung làm thịt chó sống nguyên liệu cho các chi họ trong làng. Anh Sơn cho biết thêm: “Ngày hôm đó, chi họ nào nhỏ cũng hơn chục cân, còn chi nào lớn cũng tiêu thụ cả tạ thịt chó. Riêng quán của tôi làm thịt chó bán cho người trong làng hôm đó cũng được cả tấn”.
Tìm hiểu ra gốc tích của cái sự lấy thịt chó làm cỗ đầu năm cũng thật thú vị. Căn nguyên ra sao hiện tại chẳng ai nắm rõ, chỉ biết qua lời kể của các cụ già trong làng đặc biệt là cụ Chung thì nó đơn giản chỉ là vì người làng muốn đổi món cho đỡ... ngán vì cỗ Tết.
Cụ Chung cho biết, từ hồi còn nhỏ cụ đã được nghe bố kể lại về tục ăn thịt chó vào mùng 4 tết hàng năm. Các cụ đời trước ở làng không đi dọn mộ trước Tết mà thường ra đồng dọn mồ mả và cúng tiễn tổ tiên về trời sau Tết. Theo họ, mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết là những ngày các hộ mời tổ tiên của mình về ăn Tết cùng gia đình, đến mùng 4 thì tiễn tổ tiên về trời. Hôm đó cả làng ra đồng đông như chảy hội.
Sau khi tảo mộ, con cháu trong họ mở cỗ bàn, nhưng khổ nỗi trong những ngày Tết, thịt lợn, thịt gà, bánh chưng, giò chả..., họ đã đánh chén no nê đến ngán ngẩm. Thế nên các cụ mới bàn nhau phải đổi món để cho đỡ ngán. Trong các món được đưa ra tham khảo, món thịt chó được tán thành nhiều nhất. Thế là một số dòng họ thịt chó làm cỗ.
Ăn thịt chó đầu năm ban đầu chỉ có một vài dòng họ làm, sau đó người trong làng thấy các dòng họ này không gặp điều xui rủi mà còn thấy họ ăn nên làm ra. Vậy nên tất cả các dòng họ còn lại ở xã đều ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết. Dần dà nó trở thành một cái lệ lúc nào không hay.
Vào mùng 4 Tết, sau khi đi tảo mộ về, mọi người đều tập trung ở nhà trưởng họ hay nhà thờ họ để cùng nhau ăn thịt chó. Thế hệ này truyền cho thế hệ khác mà không một ai thắc mắc hay nghi ngờ. Ai nấy đều nghĩ rằng ăn thịt chó đã trở thành một nghi thức truyền thống đem lại may mắn chứ không nghĩ đến chuyện kiêng kỵ. Và để có thịt chó cho ngày đặc biệt này và lai rai đến tận Tết Cùng thì người dân nơi đây phải đặt hay chuẩn bị thịt chó từ nhiều ngày trước đó, bởi hầu hết vào ngày mùng 4 Tết tất cả các cửa hàng thịt chó đều hết hàng.
Anh Ngô Bá Đồng (chủ một cửa hàng thịt chó ở thôn Yên Trường) cho biết: “Làng tôi có hơn chục cửa hàng bán thịt chó. Ra Tết 1, 2 ngày là đã phải mở cửa làm hàng rồi. Chó thì tất nhiên chúng tôi phải đi mua từ trước. Mua ở khắp nơi, giá cả cũng cao hơn ngày thường”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch xã Trường Yên cho biết: “Ăn Tết Cùng và ăn thịt chó đầu Xuân là tục lệ khá đặc biệt ở vùng quê này. Đặc biệt là tục ăn thịt chó vào ngày mùng 4 Tết hàng năm. Cả xã có vài chục dòng họ chia làm các chi nhỏ, họ đông nhất là họ Nguyễn Xuân cũng vài trăm hộ, mà họ nào cũng ăn thịt chó vào ngày đó cả”.
Người dân xã Trường Yên đi làm ăn xa ở đâu không biết nhưng cứ mùng 4 Tết là lại về thăm mộ tổ tiên, rồi quây quần với người thân bên mâm thịt chó. Vẫn là không khí náo nức đón xuân không khác gì với Tết Nguyên Đán đã in hằn tâm trí của mỗi người dân xã Trường Yên. Và bởi vì món thịt chó không chỉ đem lại niềm tin về sự may mắn, phát đạt mà còn giúp người dân nơi đây trong 1 năm có thêm 1 ngày tụ hội, một dịp để hàn huyên, để xích lại gần nhau hơn nên tục ăn thịt chó đầu năm ở xã Trường Yên vẫn được bà con tiếp nối qua nhiều thế hệ...
Phạm Văn - Đông Phong