Lạnh lẽo, u buồn là khung cảnh chung hiển hiện trên nét mặt con người, cảnh quan nơi đây. Sự thể cũng bởi dân nơi đây làm nghề khá đặc biệt: làm vòng hoa viếng người chết.
Trồng hoa chuyển sang làm vòng hoa tang
Hơn 30 năm trước làng Bào Cừu vẫn thuần nông, chẳng có nghề phụ gì. Hơn nữa vùng Hà Nam là mảnh đất chiêm trũng nên đời sống của người dân rất nghèo khó. Ông Trần Văn Hiển - Tổ trưởng khu dân cư Bào Cừu cho chúng tôi biết: “Cuộc sống của dân làng tôi trước đây trông chờ vào cây lúa, cây hoa, nhưng lại mất mùa thường xuyên nên vô cùng nghèo đói. Đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, một số người dân trong làng đã quyết định bỏ hết lúa để trồng hoa”.
Nhưng những vụ đầu tiên bán hoa tươi thuần túy, người Bào Cừu nhận thấy cũng chẳng lãi lời được là bao. Chính vì thế họ mạnh dạn tìm hướng đi mới bằng cách lấy công làm lãi: thu hoạch hoa ở ruộng rồi làm thành vòng hoa tang bán cho người đi viếng đám ma. Những hộ đầu tiên ở Bào Cừu làm nghề này có thể kể đến gia đình ông Ba Ngân, ông Xuyên…
Sau những mẻ vòng hoa đầu tiên, nhận thấy đây chính là một hướng đi đúng đắn nên nhiều hộ trồng hoa đã học theo người đi trước. Ông Hiển cho biết, sau thời gian ngắn đã có hàng chục hộ dân bắt tay vào nghề làm vòng hoa và rục rịch tìm thuê cửa hàng trên quốc lộ 1A để bán. Đã có thời điểm 50% số hộ dân trong làng Bào Cừu trồng và làm vòng hoa tang.
Sau khoảng gần 30 năm phát triển nghề này, dù diện tích đất đai bị thu hẹp do sự quy hoạch của TP Phủ Lý, nhưng nghề làm vòng hoa đám ma vẫn được duy trì. Do số lượng hoa tươi bị sụt giảm nên người làm nghề bắt đầu chuyển hướng sang dùng những nguyên liệu mới để làm hoa giả thay thế.
Một điều lạ lùng mà chúng tôi nhận thấy ở đây là người làm nghề vòng hoa tang ở Bào Cừu rất ngại tiếp xúc với người lạ. Họ không muốn nói tới cái nghề của mình đang làm, nên đều lảng tránh mọi câu hỏi của chúng tôi. Qua nhiều câu chuyện xã giao, chúng tôi mới được biết vì sao người Bào Cừu chung thủy với cái nghề làm ra thứ mặt hàng buồn bã này. Đó chính là vấn đề lợi nhuận kinh tế của người làm nghề thu về. Hiện nay nguyên liệu chính để làm vòng hoa là những cuộn giấy mỏng nhẹ đủ các màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng được người Bào Cừu mua về từ Hà Nội với giá chỉ 50.000-60.000/kg thậm chí còn rẻ hơn. Hộp xốp và tấm xốp cũng được đưa về từ các địa lý với giá cực rẻ. Ngoài ra tre, lạt, lá cây rừng…cũng được mua tận gốc.
Sau khi có được nguyên liệu giá rẻ, với đôi bàn tay thoăn thoắt của người vợ và các em nhỏ trong làng thì hàng bì cánh hoa giả và những bộ khung của chiếc vòng hoa đã được làm ra một cách nhanh chóng. Sau đó mọi người trong các hộ gia đình có thể cả ông bà, bố mẹ và những đứa trẻ cùng tham gia xếp, cắm hoa vào khung tre xốp đã có sẵn để hình thành lên chiếc vòng hoa. Đến công đoạn cuối chỉ việc phủ giấy bóng trắng và cài băng chữ vắt chéo lên trên vòng hoa theo từng đơn đặt hàng là xong.
Khu ngã tư Phủ Lý san sát những quán vòng hoa tang của dân Bào Cừu. |
Chúng tôi tới cửa hàng Ca Thao của anh Trần Tiến Ca ngay ngã tư Cầu Mới, Phủ Lý, đây được xem là hộ làm vòng hoa lâu năm và có quy mô lớn nhất, nhì ở làng Bào Cừu. Bốn thành viên trong gia đình gồm vợ chồng và cả 2 đứa con đang học phổ thông của anh đều tham gia làm. Nhằm phục vụ cho những đơn vị cơ quan đi viếng cần lượng vòng hoa lớn, anh Thao đã làm sẵn hàng trăm chiếc khung gác đằng sau cửa hàng.
Cô con gái lớn Trần Thị Thảo sau những giờ học cũng tham gia cùng bố mẹ trong việc nhặt hoa thật cho vòng hộp xốp để bảo quản. Còn cậu con trai Trần Tiến Nhạc, học lớp 9 nhưng đã thoăn thoắt cắm những chiếc que tre nhỏ vào bông hoa giả để làm cuống cho hoa. Nhìn Nhạc làm mà tôi có cảm tưởng như đây đã là một công nhân thực thụ từ lâu.
Cô con gái lớn Trần Thị Hiền của anh Hiếu cũng là một nhân công đã nhiều năm nay làm vòng hoa cùng bố mẹ… Hầu như các gia đình ở Bào Cừu đều tận dụng tối đa thời gian và nguồn nhân lực để tham gia làm vòng hoa.
Điều đó cũng dễ dàng được lý giải bởi sức hấp dẫn của lợi nhuận. Trưởng khu Trần Văn Hiển đã nhẩm tính sơ bộ của chúng tôi hay, một chiếc vòng hoa thông thường được làm chủ yếu bằng hoa giả (chiếm 80%) và hoa thật (20%) cùng những nguyên vật liệu khác sẽ mất tổng từ: 60.000-70.000 đồng. Khi bán chiếc vòng hoa tang đó sẽ có giá thành 250.000-300.000đ với khách quen là dân trong vùng. Nếu khách vãng lai đến mua có thể bị “chém” giá đến 400.000đ. Với những chiếc vòng hoa trắng để viếng người chết trẻ hay loại làm toàn bằng hoa thật, cầu kì do đơn đặt hàng có thể lên đến 700.000-800.000đ/chiếc. Như vậy, tiền lãi ở đây có thể gấp từ 5-6 lần giá thành nguyên vật liệu bỏ ra.
Giầu trong nỗi u buồn!
Chúng tôi thấy những đống vòng hoa tang, khung tre chất cao ngập đầu trong mỗi gia đình. Ngôi nhà cao rộng to đẹp mà không gian lúc nào cũng lạnh lẽo, ai cũng một vẻ mặt buồn thiu như đưa đám. Đặc biệt là cảnh những đứa trẻ sau giờ học không có chỗ vui chơi, cũng phải lao đầu vào xếp, cài hoa giúp bố mẹ.
Hiện nay ở khu Bào Cừu có khoảng gần 50 hộ với khoảng 200 lao động đủ các lứa tuổi tham gia vào nghề làm vòng hoa. Trong đó nổi bật lên một số người có thể xem là đại gia làm, buôn bán vòng hoa như nhà anh Hiếu, gia đình ông Ba Ngân, anh Ca Thao, anh Nội, anh Nam, anh Khanh, anh Huynh…
Với những hộ gia đình làm quy mô lớn nhưng anh Hiếu, anh Ca Thao, anh Nội… thì chuyện một ngày bán để thu về trên dưới 3 triệu tiền lãi là chuyện bình thường, nên có thể thu nhập đến trên dưới 60 triệu/tháng. Còn trung bình nhiều hộ gia đình làm nghề khác ở đây cũng có thu nhập 30-40 triệu/tháng. Dường như đã có thương hiệu lâu nay nên nhiều người ở tận Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định… khi đi qua đây nếu có nhu cầu viếng đám ma vẫn thích mua hàng của làng Bào Cừu. Thậm chí nhiều người ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Lý Nhân… đã sang Bào Cừu để học hỏi cách làm vòng hoa đám ma về mở quán.
Theo ông Hiển, hiện nay trên đoạn quốc lộ 1A từ Đồng Văn đến Phủ Lý ngày càng có nhiều người dân Bào Cừu ra thuê để mở cửa hàng bán vòng hoa tang. Với giá thuê địa điểm khoảng 2-3 triệu/tháng đối với dân ở đây chẳng có nghĩa lý gì. Riêng nhà ông Ba Ngân đã có 3 người con trai và 2 người con gái thuê tổng cộng đến 5 cửa hàng ngoài quốc lộ để bán vòng hoa tang.
Anh Trần Văn Hiếu mới 43 tuổi mà đã có thâm niên 22 năm làm nghề vòng hoa. Đến nhà anh Hiếu chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến đống hộp xốp cao như ngọn núi chất ở sân, vườn. Sau ngôi nhà cấp bốn cũ chính là căn biệt thự 1,5 tỷ đồng mà anh vừa mới xây xong. Thậm chí có hộ còn mua được ô tô cả tỷ đồng như anh Trần Tiến Ngãi (con ông Ba Ngân). Bên cạnh đó, rất nhiều hộ khác có tiền mua được các lô đất ven thành phố với giá từ vài trăm triệu đến tỷ đồng từ chính nghề làm vòng hoa tang.
Rời làng làm nghề vòng hoa tang, làng của những gia đình tỷ phú mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Không gian lạnh lẽo, gương mặt buồn rười rượi của những người làm nghề và thực cảnh của nhiều đứa trẻ bị ám ảnh từ quá sớm khi bị cuốn vào cái nghề buồn bã này. Đồng tiền quan trọng với tất cả người dân Bào Cừu, nhưng có một thông điệp họ rất cần đó là sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ cho cái nghề làm ra thứ mặt hàng mà nhiều người cũng ác cảm “làng làm nghề chỉ mong có nhiều người chết để đắt hàng”…