Thân thương “lỗ sôi quê hương”
Đến suối nước nóng Thạch Trụ (ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi cảm nhận được làn hơi nước ấm áp mỏng tang như những làn sương khói bao phủ khắp người. Khung cảnh càng trở nên huyền ảo hơn vào buổi ráng chiều.
Các bậc cao niên ở thôn Thạch Trụ Tây gọi suối nước nóng này với cái tên rất đỗi thân thương, đó là “lỗ sôi quê hương”. Trước đây, chỉ có bà con địa phương biết và kéo nhau đến tắm. Những năm gần đây, nơi đây được người dân xây thành bãi tắm, gồm các bể tắm, bể lấy nước, phòng thay đồ, khoảng sân để người dân đến tắm có chỗ để xe và ngồi thư giãn, trò chuyện.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực suối nước nóng Thạch Trụ được xây dựng chia ra thành nhiều bể nước. Trong đó, có một bể nhỏ dùng để lấy nước mang về nhà sử dụng; 2 bể lớn, mỗi bể rộng chừng 40m2, sâu chưa đến đầu gối để làm bể tắm và được chia ra một bể cho nam, một bể cho nữ.
Theo tìm hiểu, suối nước nóng Thạch Trụ đã có từ rất lâu. Năm 1837, đích thân vua Minh Mạng bảo bộ công sai các quan tỉnh cho người đi khảo sát tại chỗ các suối nước nóng ở một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung, trong đó có suối nước nóng Thạch Trụ.
|
Bể nước nhỏ ở suối nước nóng Thạch Trụ để người dân lấy mang về nhà sử dụng. |
Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Vũng nước nóng… huyện Mộ Đức có một chỗ ở thôn Thạch Trụ, nước thường nóng sôi, nếu đem quăng gà vịt xuống vũng nước ấy thì nhổ lông được. Chỗ nước ấy tràn ra thì cây cỏ không được tốt tươi”.
Trong tập tài liệu biên soạn về tỉnh Quảng Ngãi, quan công sứ Pháp A.Laborde viết: “Lại có một suối nước nóng khác, ở Thạch Trụ, suối này cũng theo ông kỹ sư ấy, là một sự khoáng hóa tương đối quan trọng và nó có thể đem lại lợi ích (1 lít nước suối này có chứa 4g880 muối khoáng khác nhau mà trong đó có 4g200 chlorure). Những suối nước nóng này đều có nhiệt độ đạt từ 60oC và ngay đến 80oC. Gần suối Thạch Trụ, ở chỗ gọi là núi Nước Mặn, có một miếu nhỏ được dựng lên để thờ Thang Thuỷ Sin Thần (thần Nước Sôi)”.
Trong tập tài liệu xã chí tỉnh Quảng Ngãi viết bằng quốc ngữ năm 1944 cũng có đề cập đến suối Thạch Trụ và cho biết thêm: “Dương thủy là mạch nước sôi mặn mà, vì công sứ Daudet và tỉnh lỵ do thấy chữa lành bệnh phong lác nên xin sắc phong, giao cho phụng sự vào ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân 7”.
Như vậy, tài liệu này đã hé lộ, công sứ Pháp đến suối Thạch Trụ để chữa bệnh ngoài da chính là Daudet. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, viên công sứ kế nhiệm về sau là A.Laborde không tiện nói ra, mà chỉ dùng “theo ông kỹ sư ấy”.
Hàng ngày, vào sáng sớm và buổi chiều muộn, hàng trăm người dân ở xã Đức Lân đến suối nước nóng Thạch Trụ để tắm và lấy nước cho vào can về cho người thân tắm. Những người tắm ở đây cho biết, nước ở suối này có tác dụng giải cảm, giảm đau khớp, nhức mỏi tay chân, ghẻ ngứa, viêm xoang... Cũng bởi những tác dụng kỳ diệu này mà cho dù mùa đông hay mùa hè đều có người đến tắm.
Anh Nguyễn Văn Công (34 tuổi, ngụ thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được cha mẹ dẫn đến suối nước nóng Thạch Trụ để tắm. Đến khi lấy vợ, sinh con, cả nhà cũng thường xuyên tắm ở suối nước nóng này. Nguồn nước ở đây rất có lợi cho sức khỏe, tắm vào thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, ít đau bệnh. Mấy đứa con của tôi sau khi tắm ở đây về ăn ngủ rất ngon, da đứa nào cũng hồng hào, nhìn dễ mến lắm”.
Đa phần người dân ở đây đều làm nông nên sau một ngày làm đồng mệt nhọc, họ thường đến suối nước nóng Thạch Trụ để ngâm mình trong dòng nước. Họ bảo, dù cả ngày làm đồng chân tay có nhức mỏi, các khớp có đau như thế nào thì đến chiều tối, khi tắm ở suối nước nóng này về đều cảm thấy dễ chịu, không còn đau nhức, người sảng khoái.
Cụ Nguyễn Nên (72 tuổi, ngụ thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân) cho biết: “Suối nước nóng này có từ xa xưa, nước ở đây rất diệu kỳ, chữa được nhiều bệnh nên người dân chúng tôi xem nó như báu vật. Tôi thì bị bệnh tim mạch, còn vợ tôi thì đau thần kinh tọa nên thường xuyên đến đây tắm để điều trị bệnh. Nhờ tắm ở đây mà bệnh của tôi giảm hẳn, bởi nó thúc đẩy lưu thông mạch máu, giúp tăng cường tuần hoàn máu. Vợ tôi thì bảo tắm ở đây giúp xoa dịu cơn đau nhức, tạo dễ chịu, ngủ ngon”.
“Dù cách gần 40km nhưng mỗi khi có thời gian rảnh là tôi chở các con đến đây để tắm. Khoa học đã chứng minh tắm ở suối nước nóng rất có lợi cho sức khỏe. Mỗi khi tắm ở đây, tôi thường nằm thả lỏng trên mặt nước và để luồng nước mang lại nguồn sinh lực mới cho cơ thể. Tắm trong suối nước nóng thật sự không chỉ giúp cơ thể thư giãn, phục hồi, mà còn là liều thuốc tuyệt vời giúp dịu đi những căng thẳng”, chị Nguyễn Hồng Tuyết (42 tuổi, ngụ phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ.
Nước nóng tự nhiên tốt nhưng nên thận trọng
Theo các bác sĩ, tắm suối nước nóng tăng dần nhiệt độ của cơ thể, do đó tiêu diệt vi trùng có hại và vi rút. Tắm nhiệt làm tăng áp lực thủy tĩnh trên cơ thể, do đó làm tăng lưu thông máu và oxy hóa. Sự gia tăng lưu lượng máu cũng giúp phân hủy và loại bỏ các độc tố khỏi cơ thể. Tắm suối nước nóng làm tăng sự trao đổi chất cơ thể, bao gồm kích thích sự bài tiết của đường ruột và gan, giúp tiêu hóa.
Ngâm mình trong nước khoáng nóng tự nhiên đặc biệt có tác dụng giảm đáng kể các bệnh về xương khớp như: viêm khớp dạng thấp, cứng khớp buổi sáng, sưng đau khớp, thoái hóa khớp gối; các bệnh về da như: vảy nến, các bệnh da mãn tính.
Tuy nhiên, để có được hiệu quả tốt, khi tắm phải đảm bảo đúng các bước và không phải tất cả mọi người tắm ở suối nước nóng tự nhiên có nhiệt độ cao để chữa bệnh đều có được tác dụng tốt. Tình trạng trao đổi chất của mỗi người và các cách chữa bệnh hiện tại là nhân tố quyết định khi xem xét nhiệt độ của nước tắm an toàn và hiệu quả cho sức khỏe nhất.
Các bác sĩ khuyến cáo, những người có các bệnh cấp tính và mãn tính đang trong thời kỳ kịch phát đều không nên tắm nước nóng tự nhiên. Các bệnh nhân đang có bệnh nhiễm trùng và truyền nhiễm cấp tính, bệnh lao đang tiến triển, u xơ ác tính bất kỳ dạng nào và thời kỳ nào, bệnh động kinh, các bệnh về máu, suy tim độ II, III hay những người đang trong tình trạng sức khỏe yếu như: ốm, sốt… đều không được tắm suối nước nóng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Đối với phụ nữ, trước hoặc trong và sau thời kỳ kinh nguyệt, không nên tắm suối nước nóng, vì lúc này sức đề kháng cơ thể phụ nữ yếu, dễ bị cảm lạnh và mắc các bệnh khác. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối tuyệt đối không ngâm suối nước nóng vì rất dễ dẫn đến sinh non hoặc sẩy thai.