Cây đa ở ấp 7, xã Lộc Hòa là một trong những “cụ cây cao niên” bậc nhất của huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) hiện vẫn sống “khỏe mạnh”, thậm chí tái sinh xanh tươi hơn sau những lần bị lửa thiêu rụi. Trải qua hàng trăm năm với nhiều lời đồn huyền bí, cây đa được “dân chơi” tại các casino vùng biên tôn sùng, đêm đêm thắp hương sì sụp quỳ lạy xin “độ trì”.
Rễ dài đến… 4 km?
Nằm trong một khu đất rộng, xung quanh chỉ có đồng vắng mênh mông nên dáng đồ sộ của đa “thần” luôn được người đi đường chú ý. Đường vòng thân cây phải tới 6 sải tay người lớn. Cây cao đến gần 100m, tán rộng che rợp cả một vùng.
|
Cây đa mọc trên đá |
Người dân ấp 7 cho biết, điều ấn tượng nhất là sức sống mãnh liệt cây đa. Mặt đất nơi đây vốn được mệnh danh là “tảng đá Hoa Lư”, xung quanh toàn những dải đá tảng nhấp nhô, nằm cao hơn mặt đất chỉ vài cm, nhưng cây đa vẫn tự nảy mầm, lên cây con rồi phát triển cho đến tận hàng trăm năm sau. Bộ rễ của đa vươn ra xung quanh, thậm chí có nhánh còn đâm xuyên qua đất đá, nối với rễ một cây đa khác nhỏ tuổi hơn ở cách đó gần… 4 km.
Người dân đều nhắc câu “thần cây đa, ma cây đề” mỗi khi có người hỏi về “cụ” cây khổng lồ, như một lời mặc định về sự linh thiêng. Hầu như ai cũng tin tưởng cây đa cao tuổi như thế, dáng hình đồ sộ khác thường như thế chắc chắn là nơi trú ngụ của các vị thần, nếu chịu khó cầu xin sẽ được thần giúp.
Có không biết bao nhiêu đoàn người đã đến cúng lễ dưới gốc đa. Người dân sống xung quanh thường xuyên đến dâng lễ, người từ những nơi xa xôi cũng tìm đến khấn lạy cầu xin.
Có cả những đoàn xe khách, xe du lịch chạy ngang qua cũng đỗ xịch lại cho hành khách xuống miếu thắp nhang. Ngôi miếu ở gốc đa chỉ được xây sơ sài với vài ba hàng gạch, tường chưa kịp trát nhưng bát nhang lúc nào cũng dày đặc chân nhang.
Cây đa nằm trên phần đất thuộc nhiều chủ. Câu chuyện bắt đầu vào một ngày giữa năm 2008, một trong những người chủ lô đất có cây đa mọc lên định bán cây cho công ty lớn chuyên về đồ gỗ nội thất với giá hơn 70 triệu đồng.
Thấy cây đa có giá trị về mặt kinh tế lớn, một người chủ lô đất khác cũng có phần cây đa lấn sang cũng lại đòi đứng ra tổ chức việc mua bán. Nhưng chính quyền xã và dân làng không quan tâm ai là người bán, đều không đồng ý, bởi người dân cho rằng cây đa thuộc của làng, là nơi tâm linh của làng nên không được phép xâm phạm. Nhận thấy rắc rối từ hợp đồng mua bán này nên bên công ty nội thất đã “chạy làng”, cây đa vì thế được bảo vệ.
Tái sinh từ lửa cháy
Người dân vẫn kể nhiều chuyện ly kỳ bên gốc đa. Những đêm mưa to gió lớn, cây đa phát ra những tiếng động lạ khiến nhà người dân cách đó hàng trăm mét cũng phải rợn tóc gáy. Kế tiếp đó là sự xuất hiện của cặp rắn lạ màu đen trườn ra từ trong hốc cây. Không ít người được tận mắt chứng kiến sự xuất hiện của đôi rắn lạ này miêu tả lại cho thấy đôi rắn khá to, ít cũng phải bằng bắp chân người lớn, được cho là loài rắn hổ trâu.
Thi thoảng cặp rắn vẫn xuất hiện vào buổi trưa, chưa gây nguy hiểm gì cho người dân, nhưng từ sau ngày gốc đa bị bén lửa thì chúng cũng biến mất.
Chuyện cây đa bén lửa bắt đầu sau đợt ngã giá vài tháng. Đến đầu năm 2009, trong một ngày mưa to gió lớn, cây đa bị sét đánh gãy ngang thân, ngả hẳn về một bên. Chị Phan Thị Yến (SN 1968) một người dân kể lại: “Hiện tượng đó thật sự rất kỳ lạ. Cây đã bị sét đánh gãy từ năm 2009 mà 5 năm sau, tức là năm 2013 này, phần bị đánh gãy vẫn mọc xanh tươi mơn mởn, chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ cây sắp chết”.
Sau đó, người dân đốt cỏ lấy đất trồng trọt ở một khoảng đất cách vị trí cây đa khá xa, nhưng không hiểu thế nào lửa vẫn bén được đến gốc làm cháy đen một bên thân còn lại.
Cây đa hiện giờ, dù đã đổ gập thân, một nửa thân cây còn lại bị cháy đen nhưng vẫn vươn lên xanh tốt. Sự việc kì lạ đó khiến người dân càng tin tưởng rằng “thần đa” linh ứng, cứ hễ vào ngày đầu tháng và ngày rằm lại mua hoa quả đến cầu cúng xin thần đa che chở.
|
Người đàn ông này không thể giải thích nổi vì sao cây có sức sống mãnh liệt như thế?. |
Bên phần thân bị bén lửa cháy, người dân thấy tiếc đã cưa thành từng khúc nhỏ về chẻ làm củi. Những đoạn củi vẫn thơm phức mùi nhựa, cũng không có một dấu hiệu gì chứng tỏ cây đang bị mục rỗng, chết khô dần.
“Muốn ra lấy củi cũng phải làm lễ khấn đàng hoàng nếu không sẽ bị “thần” phạt ốm lăn ốm lóc. “Thần” đa hiền lắm, nên cứ chịu khó làm lễ thì “thần” cũng không quở trách gì đâu”, chị Yến cho biết thêm.
Gốc cây đỏ hương đêm
Sự linh thiêng của cây đa càng thêm phần kỳ bí, khó giải thích hơn khi người đàn ông tên Thắng, sống gần đó, nói rằng chính anh cũng được chứng kiến những câu chuyện lạ xung quanh gốc đa thần.
Anh có một người em trai, học rất giỏi, từ lớp một đến lớp chín đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Nhưng rồi do bệnh tình nên người em này phải nghỉ học, để lại niềm tiếc nuối cho mọi người trong gia đình. Nhưng người em vẫn không chịu ngồi yên ở nhà, suốt ngày ra gốc đa ngồi chơi. Có lần còn trèo ngồi vắt vẻo lên ngọn đa cao hàng chục mét khiến mọi người một phen hoảng loạn.
Rồi từ đó người em trai cứ luôn miệng lảm nhảm bắt người nhà phải mang lễ ra cây đa cúng bái cầu xin mới mong khỏi bệnh.
Những câu chuyện như thế được dồn góp qua hàng trăm năm đã bồi đắp cho “cụ” cây một màu sắc huyền bí. Xã Lộc Hòa nơi cây đa sinh sống nằm giáp với biên giới Campuchia, tập trung rất nhiều những sòng casino lớn nhỏ. Dễ đến gần một nửa người dân nơi đây lấy casino làm thú tiêu khiển, cũng có không ít người coi đây là nơi đặt cược số phận, cơ hội làm giàu.
Dân chơi cờ bạc trong các Casino biên giới đã nghe tiếng cây đa đều về đây sì sụp quỳ lạy, đêm đêm thắp hương cầu xin vận may mỉm cười. Cứ hễ đến gần một canh bạc lớn nào, những tay cờ bạc lại soạn lễ, đợi đến đêm mang ra gốc cây đa rì rầm cầu khấn.
Lúc đầu, người dân không biết, nửa đêm trở dậy nhìn ra phía gốc đa thấy có những đốm lửa lập lòe, rồi tiếng xì xầm nói chuyện từ xa vọng lại khiến họ không khỏi giật mình, tưởng “hồn ma” hiện hình.
Không chỉ dân chơi cờ bạc trong xã mới ra đây cầu cúng, những vị khách từ nhiều nơi xa xôi cũng lặn lội về làm lễ. Họ cầu xin thần đa ban cho một canh bạc may mắn, hoặc cầu xin đề “đổ” đúng số như ý, số lượng những tay cờ bạc đến "cầu cơ" ngày một nhiều.
“Cũng có một vài người trong xã ra đây cầu cơ rồi về trúng con đó, nhưng làm gì có chuyện người nào đến cầu cũng trúng, lần nào đến cầu cũng trúng. Không hiểu tại sao số người đến cầu cơ cứ nườm nượp. Nhiều lúc trời sáng rồi nhưng bát nhang thắp từ đêm vẫn còn nghi ngút khói, có lần còn nguyên một con heo sữa quay giòn đặt dưới gốc đa để dâng “thần”, một người dân cho biết.
Người dân xã Lộc Hòa không phải ai cũng sì sụp cầu khấn dưới cây đa để cầu lợi cầu may, nhưng có một điều chắc chắn: Tất cả họ đều yêu kính “cụ” cây như một biểu tượng cho sức sống “xuyên đá, vượt lửa”, bảo vệ cây như bảo vệ vị thần hộ mệnh của vùng đất, mà câu chuyện cả làng ngăn bán cây trong quá khứ đến nay vẫn là một dẫn chứng đẹp.
Theo Xa lộ pháp luật