Kỷ luật loạt cán bộ để mất giá trị văn hóa, lịch sử

(PLVN) - Đầu tháng 2/2020, UBND huyện Thanh Chương đã họp hội đồng kỷ luật các cán bộ liên quan đến vụ để chủ đầu tư xây chùa Linh Sâm xâm lấn đất bảo vệ di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu.
Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội)bị bê tông hóa.
Đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội)bị bê tông hóa.

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo của UBND xã Thanh Yên và các phòng ban liên quan, UBND huyện Thanh Chương đã kỷ luật hình thức cảnh cáo 3 cán bộ xã Thanh Yên gồm: ông Nguyễn Văn Dũng (cán bộ địa chính xã); ông Lê Hồng Long (Bí thư Đảng ủy xã, nguyên chủ tịch UBND xã) và ông Nguyễn Cảnh Điền (Phó chủ tịch UBND xã). Riêng ông Bùi Trung Thông - cán bộ văn hóa xã Thanh Yên bị khiển trách.

Ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho hay: "Để xảy ra các sai phạm tại khu vực đền Hữu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Di sản có trách nhiệm của lãnh đạo xã và cán bộ liên quan đến tham mưu, quản lý địa bàn. Di tích đền Hữu đã được huyện giao cho xã, ban quản lý đền quản lý. Trước đó, 4 cán bộ xã Thanh Yên họp kiểm điểm và đều xin nhận hình thức kỷ luật khiển trách".

Còn vi phạm tại đình Lương Xá, ngày 27/8/2019, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành 3 công văn về việc thi hành kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Văn Chính và cán bộ văn hóa xã Phạm Hồng Quân bằng hình thức khiển trách.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, UBND huyện Ứng Hòa chỉ kỷ luật 3 cá nhân ở mức khiển trách còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm cụ thể. Trong khi đáng ra, chính quyền địa phương phải chỉ rõ ai là người quyết định trực tiếp cho phép người dân tháo dỡ, tự ý hạ giải và xây dựng đình Lương Xá.

Không thể áp dụng hình thức kỷ luật giống nhau, phải có người chịu trách nhiệm cao nhất hoặc thấp nhất thì mới đủ sức răn đe, để các sự việc tương tự không xảy ra nữa.

Tháng 4/2019, Thanh tra Bộ VH-TT&DL lần đầu tiên đã lập biên bản xử phạt một nhà sư 20 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép, xâm phạm một di tích quốc gia.

Đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, việc xây dựng hai cổng phụ tại chùa Bối Khê của sư trụ trì đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và mức phạt cho hành vi này từ 15- 25 triệu đồng, vì thế cơ quan thanh tra đã đưa ra mức xử phạt là 20 triệu đồng. Nhà sư bị xử phạt là sư cô Thích Đàm Phượng trụ trì chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vì vi phạm xây dựng trái phép 2 cổng phụ tại di tích quốc gia chùa Bối Khê….

Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ di sản. Thế nhưng cho tới thời điểm này, sau rất nhiều sai phạm trong tu bổ, thậm chí là trầm trọng như những trường hợp trên thì việc chịu trách nhiệm chính gần như là… con số 0.

Có chăng các cá nhân chỉ bị kỷ luật với hình thức: cảnh cáo, khiển trách. Việc lấy danh nghĩa là “tu bổ” nhưng thực tế đã “phá hoại” di tích quốc gia, khó lấy lại giá trị kiến trúc, lịch sử, niên đại của nơi thờ tự mà chỉ xử phạt “giơ cao, đánh khẽ”. 

Đọc thêm