Kỷ luật trẻ em bằng bạo lực vẫn còn phổ biến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực hành phổ biến ở Việt Nam, với 70% trẻ em từ độ tuổi 1 đến 14 bị ảnh hưởng.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Cuộc điều tra lớn nhất

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo công bố kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức sáng qua (8/12).

Cuộc điều tra nằm trong chương trình điều tra toàn cầu đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS), nhằm cung cấp các dữ liệu thống kê và có thể so sánh quốc tế cho 35 chỉ tiêu phát triển bền vững thuộc khung hệ thống chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam (VSDG).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, đây là cuộc điều tra MICS lớn nhất tại Việt Nam và trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại, với số lượng mẫu là 14.000 hộ gia đình trên 700 địa bàn thuộc tất cả 63 tỉnh, thành của cả nước. Mẫu điều tra đại diện cho 6 vùng kinh tế và hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số chính.

Kết quả cuộc điều tra là một bức tranh tổng thể, phản ánh cuộc sống chân thực của trẻ em và phụ nữ Việt Nam với nhiều chỉ tiêu tổng hợp, cung cấp thông tin về 38 chỉ tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 35 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; cập nhật số liệu đảm bảo độ tin cậy và so sánh quốc tế.

Kết quả điều tra là bằng chứng hỗ trợ các nhà hoạch định xây dựng các chính sách và chương trình, phục vụ đánh giá tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia của Việt Nam và cam kết toàn cầu về trẻ em và phụ nữ.

5 điểm nổi bật

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers nhấn mạnh những thông tin của cuộc điều tra là những cơ sở khoa học để các nhà nghiên cứu, lập chính sách đối sánh các dữ liệu hiện có với nhau, đồng thời gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về chính sách cùng hệ thống bảo trợ xã hội, về những đầu tư mà các cơ quan Chính phủ đang thực hiện, từ đó có thể tăng cường cho các dịch vụ xã hội ở những nơi mà người dân cần nhất, nhằm đảm bảo không phụ nữ và trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Kết quả điều tra có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, người Khmer là nhóm đối tượng yếu thế hơn cả, xét về các chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Theo bà Flowers, trẻ em gái dân tộc thiểu số gặp phải rất nhiều rủi ro, như là tảo hôn, khó khăn trong cơ hội được đến trường… Điều đó khiến cho các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương thấy rằng cần tập trung nhiều hơn nữa nỗ lực của mình vào lĩnh vực này.

Điểm nổi bật thứ hai là việc thiếu tiếp cận với Internet và đặc biệt là thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin của trẻ em, nam giới và phụ nữ trên khắp Việt Nam. Mặc dù có hơn 80% người từ 15-49 tuổi sử dụng Internet nhưng chỉ có hơn 30% người biết sử dụng máy vi tính. “Nếu Việt Nam mong muốn chuyển đổi số, chắc chắn sẽ cần phải tập trung giải quyết vấn đề này”, bà Rana Flowers nói.

Điểm nổi bật thứ ba là ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng nguy cơ trẻ em không đi học tăng dần theo cấp học và độ tuổi. Theo đó, bậc tiểu học (cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em không đi học. Nhưng đến cấp THPT (cấp 3), tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh không đi học ở cấp học này là 21,6%.

Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng có xu hướng giảm, với tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3%; giảm xuống còn 86,8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp trung học phổ thông. Từ những con số này, có thể thấy trong bối cảnh khó khăn kinh tế, nhiều trẻ em phải bỏ học, đi làm từ rất sớm, khi điều kiện tài chính của bố mẹ không đảm bảo.

Điểm nổi bật thứ tư là tình trạng kỷ luật trẻ em bằng phương pháp bạo lực trong hộ gia đình vẫn là một thực hành phổ biến ở Việt Nam. “70% trẻ em từ độ tuổi 1 đến 14 đều bị ảnh hưởng. Đây là một mối lo ngại lớn, bởi lẽ nó sẽ để lại hậu quả lâu dài trong suốt cuộc đời của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tâm lý cũng như dẫn đến tỷ lệ nguy cơ cao hơn, ví dụ như có hành vi bạo lực ở trẻ em trong tương lai hoặc lạm dụng chất an thần, gây nghiện trong tương lai và từ đó nó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng một xã hội gắn kết tại Việt Nam” - bà Rana Flowers cảnh báo.

Điểm thứ năm là khủng hoảng về nước sạch vì trên khắp Việt Nam, có tới 50% người dân đang sử dụng và uống nước không đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng. “Đây là lĩnh vực đòi hỏi chúng ta phải hành động khẩn cấp và chúng ta sẽ cần phải giám sát định kỳ, thường xuyên”, bà Rana Flowers nói.

Nhấn mạnh việc chỉ còn khoảng 8 năm nữa để Việt Nam hoàn thành thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển bền vững, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers kêu gọi Chính phủ Việt Nam tập trung thu thập dữ liệu về phụ nữ và trẻ em liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững thường xuyên hơn và công khai rộng rãi cho tất cả mọi người để có thể chứng minh được những thay đổi đã và sẽ đạt được.

“Đây là thời điểm không chỉ cần có những giải pháp tình thế mà chúng ta cần phải có đầu tư dài hạn về mặt bảo trợ, trợ giúp xã hội để chúng ta có thể đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả các nhóm đối tượng khác nhau, trong đó có phụ nữ và trẻ em với các dịch vụ xã hội. Từ đó, chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”, bà Rana Flowers nói.

Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên hai mô-đun về sức khỏe sinh sản của Điều tra Nhân khẩu học và Sức khỏe đã được lồng ghép, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA).

Cuộc điều tra đã được thiết kế đặc biệt để đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) về trẻ em và phụ nữ, với tổng số 169 chỉ tiêu, trong đó có 35 chỉ tiêu thuộc khung Mục tiêu PTBV quốc gia. Là nguồn số liệu duy nhất và đầu tiên cho một số chỉ tiêu PTBV, cuộc điều tra đóng vai trò then chốt trong việc theo dõi tiến trình thực hiện các Mục tiêu PTBV và các mục tiêu quốc gia của Việt Nam.

Đọc thêm