Sau cuộc gặp gỡ với Phan Bội Châu, cả nhóm tiến vào Quảng Nam, cùng mưu đại sự cho một mai. Vào thượng tuần tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), cả nhóm đến nhà Tiểu La Nguyễn Thành để cùng nhau thương hội.
Hội trưởng Duy Tân
Cuộc thương nghị ấy, theo hồi ức của cụ Phan trong “Phan Bội Châu niên biểu”, có hơn 20 người. Vốn nhà cụ Tiểu La, còn gọi là Nam thinh sơn trang bấy lâu người ra vào rất nhiều, nên hào dịch trong làng cho là việc thường, không để ý. Cuộc thương nghị diễn ra trong một ngày, bắt đầu từ buổi sáng, qua chính trưa thì xong.
Bởi làm việc chính trị tối quan trọng, nên “Tên hội chỉ người trong hội biết, không lập sổ sách, không biên chép họ tên; chương trình kế hoạch chỉ miệng trao lòng nhớ mà thôi”. Các thành viên tham dự nhất trị “Đặt Kỳ ngoại hầu làm hội chủ, hễ lúc xưng hô chỉ gọi bằng ông chủ, cấm không được hở chữ “Hội” ra.
Nơi “Ngục trung thư”, cụ Phan cho biết, việc đảng tử hai tỉnh Nam Nghĩa trở vào Nam cho Tiểu La Nguyễn Thành gánh vác, còn từ hai tỉnh Bình Trị trở ra Bắc thì do cụ Phan đảm nhận. Hội ấy, lâu nay ta được biết tới với tên gọi Duy Tân hội, ấy nhưng theo trí nhớ của Kỳ Ngoại hầu Cường Để trong “Cuộc đời cách mạng của Kỳ ngoại hầu Cường Để”, thì đó là Việt Nam quang phục hội.
Những yếu nhân đầu tiên là hội viên của hội, được Trần Huy Liệu điểm tên trong “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” gồm những tên tuổi ở đời cả, họ là Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Thái Thân, Nguyễn Thành, Đặng Tử Kính, Đỗ Tuyển…
Và mục đích của hội được chỉ rõ: “Với cái tên “Duy tân”, các chí sĩ trong giai cấp phong kiến bấy giờ đã muốn nhằm vào một hướng mới, nhưng mục đích của hội vẫn là dùng bạo động đánh đuổi giặc Pháp. Có khác là lần này không nổ ra cuộc khởi nghĩa ở một địa bàn nào đó do một văn thân nào đứng đầu, mà là vận động ở trong nước và phái người đi ra học ở nước ngoài để trù định kế hoạch bạo động”.
Về việc được bầu làm hội chủ của tổ chức, Kỳ Ngoại hầu cho hay, chủ ý của ông là cứu nước chứ không nghĩ đến ngôi đế vương. Bởi trước đó, khi định phế Thành Thái, chính người Pháp đã đến gặp ông để mời lên ngôi chí tôn, nhưng “bỉ nhân cự tuyệt”.
Giữ cương vị hội trưởng, dẫu biết sẽ có nhiều gian lao, vất vả, hiểm nguy ở phía trước, nhưng với lòng yêu nước vô bờ, Kỳ ngoại hầu sẵn lòng nhận nhiệm vụ ấy. Dĩ nhiên ta biết, một tay xoay vần cho hoạt động của Duy Tân hội cũng như phong trào Đông Du sau đó, vẫn là Phan Bội Châu lèo lái. Và tiêu biểu cho hoạt động của hội, chính là phong trào Đông Du.
Đông tiến xứ Phù Tang
Phong trào Đông Du, được khởi phát từ năm 1905. Trong “Việt Nam thời Pháp đô hộ” cho hay, vào thời điểm đầu thế kỷ XX, với chiến thắng của Nhật trước Nga của Sa hoàng ở eo biển Đối Mã năm Ất Tỵ (1905), đã làm cho người châu Á nức lòng bởi “đồng văn, đồng chủng” của mình quật ngã được người da trắng.
Lúc này “ý thức quốc gia của người Việt Nam và phong trào quốc gia Việt Nam được phối hợp với một phong trào rộng lớn hơn, phong trào Liên Á. Đông Kinh (Tokyo) thủ đô của cường quốc Á châu đầu tiên đã thắng được người da trắng, trở thành niềm hi vọng và biểu tượng của các nhà cách mạng”. Thế nên cụ Phan trong bài “Gọi tỉnh quốc dân” (Đề tỉnh quốc dân ca) có câu tán rằng:
“Cờ độc lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vẫn nước đồng văn.
Á Đông mở hội duy tân,
Nhật hoàng là đấng anh quân ai bì.
Giòng thần vũ chung về một họ,
Vầng Phù Tang, soi đỏ góc trời”.
Đó chính là một trong những lý do quan trọng dẫn tới phong trào Đông Du, và những tên tuổi như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Cường Để là những người tiên phong để rồi sau đó, trong thời gian 1905-1908, tổng số du học sinh sang đất Nhật du học khoảng 200 người.
Nơi “Việt Nam thời Pháp đô hộ” cho hay, năm Bính Ngọ (1906), Kỳ Ngoại hầu Cường Để đến Tokyo cùng Phan Bội Châu. Nhưng thực tế, vị hoàng thân này đến thủ đô của xứ Phù Tang trước năm Bính Ngọ (1906). Nguyên do cho việc Đông tiến sang Nhật Bản của vị hầu tước, được ông kể lại.
|
Phan Bội Châu (ngồi) và Cường Để |
Theo đó khi cụ Phan tiền trạm sang Nhật trước, có thương nghị với Lương Khải Siêu, rồi nhờ Siêu mà bắt mối được với bá tước Đại Ôn và Khuyển Dưỡng, qua đó mà cụ Phan gặp được nhiều yếu nhân khác của Nhật. Khi có người hỏi về tổ chức Duy Tân hội là theo quân chủ hay dân chủ, cụ Phan trả lời là theo quân chủ, mà vị hội chủ là Kỳ ngoại hầu, một người của hoàng tộc.
Từ ấy, mới tỏ thêm cái ý gợi của người Nhật, là “nếu vị hoàng thân ấy sang được Nhật Bản thì đôi bên liên lạc và giao thiệp sẽ tiện lợi”. Thế là việc Đông du của Cường Để được thực hiện. Phan Bội Châu về nước đón vị hội chủ.
Tháng 8 năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính bí mật về nước. Cụ Phan náu mình nơi đất Nghệ, còn Đặng Tử Kính cầm thư vào diện kiến Kỳ ngoại hầu, bày tỏ hết mọi lẽ mời hội chủ sang Nhật, thế nên “Cận đại Việt sử diễn ca” mới có câu:
“Giao phần Tử Kính đảm đương,
Phò trì Cường Để lên đường trốn sau“.
Mùng Ba Tết năm Bính Ngọ (1906), Kỳ ngoại hầu cất bước ra đi, trải qua biết bao khó khăn, lại phải thay đổi kế hoạch, từ Đà Nẵng đi Hải Phòng, rồi sang Hong Kong, Quảng Châu, cuối tháng 4 năm ấy, Kỳ ngoại hầu đến Nhật, bắt đầu hoạt động không biết mệt cho công cuộc vì nước, vì dân.
Động lực tinh thần của Đông Du
Nói về ảnh hưởng của phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX đối với tình hình chính trị - xã hội của nước nhà, “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi đôi câu:
“Đông du ngọn gió thổi tràn,
Nam Kỳ nhân sĩ nhiều trang nhiệt tình”.
Đầu thế kỷ XXI, khi đánh giá về phong trào Đông Du, đã có rất nhiều chuyên luận, hội thảo được tổ chức, trong đó, vai trò của Kỳ ngoại hầu được đề cập đến với thái độ trân trọng. Trong chuyên luận “Phong trào Đông Du ở miền Nam”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã đánh giá “Cường Để, động lực tinh thần thúc đẩy phong trào Đông Du ở Nam Bộ”.
Đánh giá về ông, ta thấy, quả thật, dù tồn tại thời gian ngắn, nhưng phong trào Đông Du có hiệu ứng mạnh mẽ đối với nước nhà dạo ấy, từ những hoạt động nhiệt thành của Phan Bội Châu và Cường Để. Chủ tâm của cụ Phan và Kỳ ngoại hầu, như “Việt Nam thời Pháp đô hộ” ghi, là đưa những thanh niên yêu nước sang Nhật để “họ được huấn luyện về mặt quân sự và chính trị, ngõ hầu sau này có thể giữ vai trò lãnh đạo trong việc chống Pháp và cổ động dân tâm, nâng cao dân trí”.
Trong thời gian ở Nhật, hai nhà chí sĩ yêu nước này đã soạn nhiều tài liệu bằng văn xuôi, văn vần bằng chữ Hán, chữ Nôm rồi nhờ người bí mật đưa về nước phổ biến, vì thế mà tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của lớp phú hào và thanh niên yêu nước.
Tỉ như cá nhân Kỳ ngoại hầu, đã làm bài “Phố cáo lục tỉnh” gửi cho đồng bào Nam Kỳ, để từ đó nhiều gia đình giàu có nơi đất này, từ nhiều đời mang ơn nhà Nguyễn, đã quyên góp nhiều tiền bạc cho Duy Tân hội, ủng hộ Đông Du. Khắp ba miền đất nước dạo đó, nhiều gia đình địa chủ, tư sản tình nguyện cho con Đông Du, tình nguyện đóng góp tiền bạc… gây nên một sức sống mới bấy giờ cho hoạt động cứu nước.
Hay như bài “Tuyên cáo quốc dân” của Cường Để, được cho là do Phan Bội Châu thảo ra, đã tố cáo dã tâm xâm lược, tiêu diệt dân tộc ta của thực dân Pháp. Đồng thời kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân… Đồng thời, với gốc gác sẵn có của mình, vị hầu tước đã cùng cụ Phan liên hệ, cầu viện đến nhiều nhân vật có quyền thế trong chính quyền đất Phù Tang…
Có thể thấy rằng, vị hoàng thân họ Nguyễn, vị hội chủ của Duy Tân hội như một người bạn đồng hành đáng tin cậy của cụ Phan Bội Châu trên con đường hoạt động cho độc lập, tự do của xứ sở vậy.
Nếu như Phan Bội Châu là trụ cột của Đông Du, hoạch định đa phần mọi sách lược, chiến lược cho phong trào, thì Kỳ ngoại hầu Cường Để lúc ấy, như một lãnh tụ tinh thần, nơi tập hợp sự tin tưởng, hướng về của những ai quan tâm, ủng hộ phong trào. Tiếc rằng sau đó, thực dân Pháp và nhà cầm quyền Nhật đã bắt tay thỏa hiệp với nhau, phong trào Đông Du vì thế mà “đứt gánh giữa đường”…/.