Kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PLO) - Sáng 24/11, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đồng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất” của UNESCO có giá trị lớn lao. Đây là sự ghi nhận của thế giới, của Liên Hợp quốc – tổ chức quốc tế toàn cầu lớn nhất - đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất.

“Đó còn là nguồn cổ vũ lớn lao, là biểu hiện của tình cảm bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng phấn đấu vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gìn giữ, phát huy, nhân rộng những tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành động có giá trị lâu dài và thiết thực. “Ý thức sâu sắc về những tư tưởng, đạo đức cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, góp phần vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì hoà bình và phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói thêm. 

Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dự Tọa đàm quốc tế “Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới” và Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”. 

Đọc thêm