Kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2017): Nỗi đau bao giờ kết?

(PLO) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của cuộc chiến vẫn còn đó. Trong đó, nỗi đau da cam vẫn đang hàng ngày hành hạ và giày vò nhiều gia đình Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bà Xuyên bên cô con gái nhiễm chất độc da cam

Cả ba thế hệ phải hứng chịu

Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ ngừng rải chất độc hóa học xuống Việt Nam (tháng 4/1971), nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm đè nặng, tàn phá nhiều gia đình tại Việt Nam. Những người con sinh ra trong thời bình vẫn phải mang trên mình nỗi đau chiến tranh; những ông bố, bà mẹ tóc đã bạc trắng vẫn cặm cụi, chăm bẵm từng ngày cho những đứa con bị dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện nay, nước ta có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn ba triệu người là nạn nhân của thảm họa. Hiện nay, chất độc màu da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba. Đặc biệt, hàng trăm nghìn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, cùng khổ, khó khăn về kinh tế, đau đớn day dứt về tinh thần, bệnh tật giày vò, nợ nần đeo bám, hàng ngày hàng giờ vật vã với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Nhiều gia đình có đến bảy, tám nạn nhân. Nhiều gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân. Có những gia đình chồng mất, để lại cho người vợ những đứa con tật nguyền, ngơ ngẩn, nằm một chỗ... nhưng với tình thương vô hạn các gia đình nạn nhân đều cố gắng vươn lên.

Trở về từ cuộc chiến, ông Hoàng Văn Đởn - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Đồng Phú – Chương Mỹ - Hà Nội  mang trong mình những vết thương của chiến tranh. Những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ hành hạ người cựu chiến binh già. Trong đôi mắt của người cựu chiến binh một thời ngang dọc khắp chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia ẩn chứa sự chịu đựng một nỗi đau đớn không nói nên lời khi nghĩ về cô con gái mang di chứng da cam suốt 40 năm qua: “Suốt 18 năm tôi ở chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia sau đó chuyển về quân khu Thủ đô. Chẳng may bị ảnh hưởng chất độc da cam, để lại di chứng cho cô con gái thứ hai. Đó là điều không ai muốn nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Những đứa trẻ mang bệnh trong “bóng tối”

Bà Hoàng Thị Xuyên (xã Đồng Phú – Chương Mỹ - Hà Nội) có chồng tham gia chiến trường và để lại di chứng da cam cho các con. Vợ chồng ông bà sinh được 8 người con, không may mắn, do ảnh hưởng chất độc hai người con trai của bà mất từ khi còn nhỏ. Hai người con gái út Lại Thị Còm và Lại Thị Thơm đều bị câm, điếc và thiểu năng trí tuệ. Một thời gian sau khi hòa bình lặp lại, người chồng cũng bỏ bà và các con thơ ra đi do di chứng da cam quá nặng. Nén nỗi đau mất chồng, mất con, bà lại gắng gượng vượt qua, làm lụng để nuôi các con thơ dại. Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha, vì suy nghĩ nhiều, làm vất vả cật lực nên cách đây 2 năm bà Xuyên bị tai biến. Đến bây giờ, bà không còn minh mẫn như trước, lúc nhớ nhớ, quên quên, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, mỗi tháng 3 mẹ con bà chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi được nhận. Đã nhiều lần gia đình bà xin xét duyệt vào danh sách hộ nghèo của xã nhưng chưa được chấp thuận.

Dẫu biết ảnh hưởng của chất độc da cam có thể di truyền sang nhiều thế hệ. Tuy nhiên, thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc màu da cam hiện nay đang rất cần được quan tâm, chung tay giúp đỡ. Có một thực tế là, nhiều người không muốn công khai việc con, cháu là nạn nhân của chất độc da cam do họ lo sợ ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc của con, cháu mình. Tất cả những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam bề ngoài nhìn bình thường, không bị sứt môi, thiểu năng trí tuệ hay tâm thần,… nhưng phát bệnh về xương khớp, tim mạch,… nhiều khi được gia đình giấu kín về nguyên nhân.

Theo nhiều cựu chiến binh, rào cản lớn nhất khiến các bậc ông bà, cha mẹ không muốn công khai một phần là do sợ ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của các cháu, phần khác do thế hệ thứ ba, các cháu chưa được hưởng nhiều từ các chế độ chính sách. Đồng thời, việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn một số hạn chế, bất cập. Các chính sách mới chỉ giải quyết được một phần nào đó, mức trợ cấp thấp, đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng, có người vẫn còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách. Và rồi những nỗi đau ấy cứ nối dài từ đời này sang đời khác mang theo sự quằn quại âm thầm, không thể nói hết bằng lời.

Đọc thêm