Chương trình nghệ thuật đặc sắc
Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch.
Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía sân khấu là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.
Chương trình được dàn dựng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca, múa, nhạc, ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại, tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình.
Đặc biệt, phần trình diễn của hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.
Ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, kinh phí tổ chức chương trình kỷ niệm "990 năm Thanh Hóa" chủ yếu được xã hội hóa chứ không dùng ngân sách.
Khắc họa chiều dài lịch sử xứ Thanh trong 90 phút
Với kinh nghiệm viết kịch bản và dàn dựng cho hơn 50 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại Việt Nam và quốc tế, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một chương trình đặc biệt khó nhưng rất thú vị”.
Thứ nhất là mốc thời gian 990 năm chỉ xác định sự hình thành tên gọi Thanh Hóa cho một vùng đất có tiến trình lịch sử hàng triệu năm gắn với sự xuất hiện của người Việt cổ. Bởi vậy chỉ riêng việc thể hiện lịch sử 990 năm Thanh Hóa trong một chương trình lễ kỷ niệm 90 phút sao cho đầy đủ, tinh tế, không thiếu, không thừa đã là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào.
Hơn thế, lễ kỷ niệm 990 năm không thể chỉ nhắc tới giai đoạn lịch sử từ khi xuất hiện tên gọi Thanh Hóa đến nay mà còn cần phải nhắc tới cả cội nguồn lịch sử ở Thanh Hóa từ trước đó rất nhiều, để làm nổi bật ý nghĩa to lớn của sự xuất hiện tên gọi Thanh Hóa trong bức tranh toàn cảnh của một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Thứ hai, chỉ riêng quãng thời gian 990 năm (1029 - 2019) từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh, nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Chương trình đặt ra yêu cầu to lớn là phải đảm bảo được chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa trong công tác xây dựng kịch bản và dàn dựng chương trình.
“Với chương trình kỷ niệm mang tính sử thi, tôi làm theo phương pháp đổi mới, không theo kịch bản, mà từ sự nghiên cứu, khảo sát thực tế, đạo diễn sẽ phải tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu từ truyền thống, từ người dân bản địa, tìm ra những điểm gì lạ, độc đáo nhất của vùng đất đó. Chính từ quá trình nghiên cứu ấy sẽ tạo nên cảm xúc, có sự rung động, rồi bật ra ý tưởng hay để viết kịch bản nên các câu chuyện sẽ rất khác nhau”- người được mệnh danh là “ông vua lễ hội” chia sẻ.
Đạo diễn Lê Quý Dương hào hứng: “Tôi thấy càng ngày càng cần có nhiều những chương trình sự kiện về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc trên mọi miền đất nước để các thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc về tổ tiên nòi giống và các thế hệ cha ông của chúng ta đã sống, chiến đấu, dựng xây đất nước như thế nào. Chương trình này là cơ hội vô cùng ý nghĩa cho chính tôi được học hỏi và chiêm ngưỡng một dân tộc Việt Nam lạc quan, cần cù, chịu khó, anh hùng, bất khuất đến nhường nào”.