Công văn “tìm” nhân vật để viết bài tôn vinh được Bộ Tài chính hồi âm đề xuất ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực thuế.
Nhà báo Thanh Lan và ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). |
Trong bối cảnh Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ra đường phải có giấy đi đường, tôi đã nghĩ đến phương án phỏng vấn qua internet. Cuối cùng, qua trao đổi, hai bên thống nhất gặp trực tiếp. Chốt lịch vào cuối giờ chiều hôm trước cho buổi sáng hôm sau, tôi không khỏi lo lắng: “Gặp nhân vật bằng cách nào?”.
Sau khi báo cáo và Tòa soạn cấp giấy đi đường, tôi quyết định nhờ Tòa soạn chụp hình giấy đi đường gửi qua điện thoại mà không đến lấy “bản cứng”. Bởi thời gian quá gấp, quãng đường từ nhà đến Tòa soạn còn xa hơn đến Tổng cục Thuế, trong khi Tòa soạn nằm trong vùng xanh, có chốt kiểm soát, chắc gì mình đã được vào. Tình hình kiểm soát giấy đi đường rất căng, tôi tự an ủi mình đã có hình chụp của giấy, bản chụp phiếu tiêm vaccine 2 mũi (nhờ chụp gấp từ tối hôm trước) cùng Thẻ nhà báo, các chốt có thể “châm chước”.
Sáng hôm sau, buổi làm việc với nhân vật kéo dài tới trưa với đầy ắp thông tin. Vẫn còn nỗi lo khác là làm sao qua các chốt về nhà? Bất ngờ trời mưa tầm tã, tôi qua các chốt về nhà mà không bị xét giấy, dù người ướt mèm.
Với đề cử Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI, nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trước khi gặp ông, tôi đang cách ly trong bệnh viện chăm con ốm.
Hà Nội khi ấy đang bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách. Tuy nhiên, tôi không khỏi băn khoăn khi mình vừa ở bệnh viện ra. Bốc điện thoại liên hệ với ông, rụt rè trình bày vừa ở bệnh viện chăm con, rằng vào đây vẫn được bệnh viện “ngoáy mũi” thường xuyên (test nhanh COVID-19)… và đề nghị cuộc hẹn ở một chỗ không phải nhà riêng để phòng rủi ro, ông Huỳnh cười lớn, nói sẽ có chỗ thoáng đãng trên sân thượng nhà ông.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh là một nhân vật tầm cỡ, là một nguồn tư liệu phong phú. Nhưng cái khó là khai thác kho tư liệu đó để tìm ra mạch của bài viết, trong khi một bài báo có giới hạn.
Tôi và ông đã trò chuyện trên sân thượng lộng gió đến chiều tối, tôi về nhà với túi rau “cây nhà là vườn” do ông trồng trên sân thượng. Rất nhiều chi tiết thú vị lần đầu tiên được đề cập đến về vị luật sư đáng kính này được tôi gói ghém trong một bài viết. “Em đọc Facebook của anh đi. Bài viết đã lên tới hàng nghìn like, bình luận và chia sẻ. Quả là không uổng công anh em mình”, ông nhắn tin chia sẻ.