Xuống Tràm Chim mùa nước nổi có lắm chuyện thú vị. Tỉ dụ như chèo ghe dọc triền đê hái rau dại về nấu canh; ra mé sông câu cá, hay vào tràm chim ngắm chim cò bay lượn và hoa sen, hoa súng khoe sắc thắm giữa vùng nước ngập phù sa và lắng lòng nghe kể những huyền thoại của vùng sông nước này...
Thú vị rau dại miền Tây
Bỏ lại phía sau mùa nắng nóng nứt nẻ đồng ruộng, miền Tây những ngày tháng 8 mưa nhiều đã dâng nước cao mấp mé lề đường. Cảnh tượng mây nước mênh mông xa thẳm càng rõ rệt khi xuống vùng Đồng Tháp Mười. Phía trước mặt mênh mông là nước, là những cây dại mọc vượt lên để tìm kiếm sự sống.
Cây dại hấp dẫn chúng tôi nhất khi mùa lũ dâng cao đó là bông điên điển. Lần đó, chúng tôi sống trong căn nhà của một gia đình người Chăm mà mình quen khi đi viết bài. Một ngày ở đây là nghe đủ năm lần tiếng kinh Coran vang vọng khắp làng khi người dân đạo Hồi làm lễ.
Tiếng loa lớn đến nỗi dù bạn có mệt mỏi say ngủ cỡ nào thì cũng sẽ phải giật mình thức giấc nằm nghe vài câu kinh, rồi sau đó mí mắt lại khép lại trong cơn ngủ chập chờn. Tiếng đọc kinh vẫn đều đều vang giúp tâm hồn bạn cảm thấy bình an dù đang ở một nơi xa lạ.
Người Chăm không ăn thịt nên bữa cơm của họ chỉ toàn cá. Bữa cơm chiều người dân đãi khách là mớ rau điên điển và những cọng súng non chấm nước cá kho.
Cá cũng được bắt dưới sông lên còn tươi ngon nên thịt rất ngọt. Nồi canh chua điên điển với mớ cá linh đầu mùa còn nhỏ bằng ngón tay, mớ tép sông vỏ còn chưa cứng đậm đà hương vị đồng quê khiến ai một lần được ăn sẽ nhớ mãi.
Không gian càng trở nên ấm cúng khi bên ngoài, trời cứ mưa rỉ rả, húp một chén canh chua cảm nhận vị chua, vị cay, vị ngọt bùi của cá linh đầu mùa cũng đủ khiến ai đã từng tới miền Tây mùa nước lũ sẽ cứ muốn quay lại đây hoài.
Lần quay lại mới đây, cũng vào tháng 8 nước lên, chúng tôi ở trong nhà của hai chị em tu đạo Hòa Hảo ở huyện Tam Nông – Đồng Tháp mà chúng tôi gọi thân mật là dì Chín và dì Út. Hai dì có nghề làm đậu hũ nên từ sáng chúng tôi được mời uống sữa đậu nành nguyên chất, ăn tào phớ có nước gừng ấm bụng. Bữa trưa được dẫn đi Tràm Chim Tam nông và nghe kể về câu chuyện sếu đầu đỏ, cây lúa ma thú vị.
Dù không có thịt cá nhưng bữa chiều có mưa do cơn bão số 6 ảnh hưởng, ngồi trong căn nhà sàn nhỏ nhắn của hai dì, chúng tôi được đãi một nồi lẩu chay ngon nhất mà ở thành phố tôi chưa từng cảm nhận được trong các nhà hàng chay khác.
Nồi lẩu chay đơn giản chỉ là nấm, đậu hũ, rau nhưng độc đáo đó được làm nên từ người quen đáng tin cậy. Nấm rơm thì to bằng cườm tay em bé sơ sinh, màu đen óng, dì Chín nói loại nấm này trồng bằng rạ, ăn dai và ngọt thịt lắm.
Rau ăn lẩu là bông bí vườn nhà, ngó sen dưới ao, rau nhút, rau muống, đậu bắp tươi non mơn mởn và điên điển thì chèo ghe đi hái về không cần rửa, dì Chín nói điên điển trên cây hái xuống chỉ cần bỏ vào rổ sàn cho nó rớt cám thôi, nếu rửa qua nước thì bông mất chất ngọt nguyên sơ của nó. Nồi lẩu chay dù chỉ toàn là rau nhưng lại ngọt ngào, thanh tao, khiến chúng tôi sì sụp bên nồi lẩu, còn người nấu thì cười mãn nguyện vì đã làm hài lòng khách phương xa.
Sếu đầu đỏ và những cây lúa gặt trước khi mặt trời mọc
Đến vùng Đồng Tháp Mười không thể bỏ qua khu bảo tồn rừng ngập mặn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Vì tới đây vào mùa nước nổi nên chúng tôi không có cơ hội để ngắm nhiều chim, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ. Nhưng bù lại được một nhân viên của Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim kể nhiều chuyện thú vị về khu rừng ngập mặn này.
Ngồi trên chiếc tắc ráng dẫn đoàn khách tham quan khu rừng tràm, chị chỉ tay về phía cánh đồng cỏ có lá giống lá lúa, chị bảo đó là cây lúa ma. Lúa ma là giống lúa trời nhưng do có sức sống mãnh liệt cũng như những kì bí trong chuyện thu hoạch lúa khiến người dân thêu dệt nên những huyền thoại chung quanh cây lúa này.
Lúa ma bây giờ chỉ có ở những nơi mà con người ít lui tới. Cả vùng Đồng Tháp Mười giờ chỉ còn thấy bóng dáng của loại lúa huyền thoại này ở VQG Tràm Chim. Khi mùa mưa bắt đầu, lúa ma sinh sôi lẫn lộn cùng cây cỏ dày đặc tại đây. Đến khoảng tháng 8, lúc nước lũ dâng cao, lúa ma với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ thường khác để ngoi lên. Bất kể nước dâng tới đâu, lúa cũng vượt lên khỏi mặt nước để làm đòng, trổ bông.
Khoảng tháng 9, lúa sẽ trổ bông thơm bát ngát. Tới mùa khô lúa sẽ chết. Khi thu hoạch, người dân chèo xuồng vào cánh đồng, chiếc thuyền được thiết kế giữa xuồng được dựng lên tấm mê bồ cao từ 1 - 1,5 mét, xuôi từ trước ra sau. Phía trước tấm mê bồ là cây sào cao. Hai bên mạn xuồng được cột hai cây sào.
Vào đồng lúa ma ít nhất phải hai người. Người đứng lái xuồng ra sức chống xuyên qua khu vực lúa chín. Người ngồi trước hai tay cầm hai cây sào gạt bông lúa vào tấm mê bồ. Hạt nào chín sẽ vào thuyền, hạt xanh sẽ không rụng và đặc biệt là phải “gặt" lúa trước khi mặt trời mọc, nếu không lúa sẽ tự động rụng hết “Vì vậy nên tụi tui gọi nó là lúa ma” – nhân viên VQG giải thích.
Sau khi đã dẫn khách vào căn nhà sàn mái lá mát rượi giữa bốn bề nước ngập ở Tràm Chim, chúng tôi vừa ăn vừa nghe chị kể tiếp câu chuyện về loài sếu đầu đỏ - một loài hạc rất khôn.
Sếu đầu đỏ bay từ Campuchia về Việt Nam kiếm ăn vào mùa khô, khoảng tháng 2. Năm nay, sếu về Tràm Chim Đồng Tháp ít đi, chỉ có hai mươi mấy con. Nguyên nhân là do thức ăn chính của sếu là đồng cỏ năn ở đây dần bị thu hẹp. Vì lo ngại hạn hán gây cháy rừng nên Ban quản lý buộc phải lên đê bao dự trữ nước cho Tràm Chim khiến cho đồng cỏ nhiều nước, không khô ráo để sếu bay về kiếm ăn.
Sếu đầu đỏ cao trung bình 1m6-1m7, mỗi lần bay về đây, sếu kêu rất to, tiếng kêu vang vọng khu tràm chim. Sếu rất kén ăn. Thức ăn chính của sếu là cỏ năn, cỏ cú nhỏ bằng ngón tay trẻ sơ sinh, có vị ngọt nên sếu rất thích. Khi ăn xong, sếu sẽ bay sang bãi uống là nơi có nhiều sen mọc.
Vì nước ở đây trong và sạch nhờ có cây sen, cây súng lọc nước. Muốn chụp ảnh được sếu, các nhiếp ảnh gia phải dậy thật sớm, tầm 4h ngụy trang bằng cây cỏ di chuyển tới gần cánh đồng sếu đang ăn. Nếu phát hiện tiếng động lạ, con sếu đầu đàn sẽ vỗ cánh và cả đàn bay đi mất hút trên trời. Cơ hội thứ hai chỉ đến khi chúng bay sang ao sen uống nước. Và cơ hội cuối cùng là lúc sếu bay đến ăn chiều, tầm 14h. Nhiều nhiếp ảnh gia đã tới đây rình chụp nhưng không phải ai cũng có “duyên”.
Sếu tuy đi theo đàn nhưng thực chất là sống theo gia đình. Mỗi năm sếu đẻ 2 trứng, một gia đình sếu chừng 3-4 con. Nơi ấp trứng của sếu ở tận Campuchia. Vì loài sếu không sống được ở xứ lạnh mà mùa này ở Việt Nam thì mưa nhiều.
Ngay cả cái tổ của chúng cũng rất lạ: giữa cánh đồng khô cằn nứt nẻ có một vũng nước nhỏ, hai quả trứng nằm trong vũng nước mà không bị hư hỏng gì. Trứng sếu to hơn cả trứng ngỗng, vỏ có đốm hoa . Nơi ấp trứng vô cùng yên tĩnh và hầu như không có loài vật nguy hiểm xâm nhập.
Câu chuyện ly kì về loài sếu cũng như nhiều chuyện hấp dẫn khác của cư dân vùng nước nổi ở miền Tây luôn khiến người lữ hành tò mò, say mê đến độ cứ muốn quay lại khi mỗi năm nước lũ tràn về.
Ngọc Lê