Kỹ thuật chép Kinh Phật trên lá sắp hóa hoài niệm

Tại vùng núi Cấm (An Giang) từ nhiều đời nay đã lưu truyền một loại hình nghệ thuật văn hóa và tín ngưỡng đặc biệt: chép kinh Phật trên lá buông bằng tiếng Khmer. Hiện, truyền nhân đời thứ chín và cũng là cuối cùng vẫn còn miệt mài theo đuổi loại hình này. Đó là Hòa thượng Chau Ty, tuổi đã 65, ở chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. 

ĐBSCL có nhiều dân tộc sinh sống hòa thuận, trong đó đồng bào Khmer chiếm một phần không nhỏ. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và nghệ thuật … với nhiều hình thức khác nhau, góp phần làm giàu nền văn hóa Việt Nam. 

hdchb
Hòa thượng Chau Ty, truyền nhân thứ 9 và có thể  là người cuối cùng viết kinh lá.

Tại vùng núi Cấm (An Giang) từ nhiều đời nay đã lưu truyền một loại hình nghệ thuật văn hóa và tín ngưỡng đặc biệt: chép kinh Phật trên lá buông bằng tiếng Khmer. Hiện, truyền nhân đời thứ chín và cũng là cuối cùng vẫn còn miệt mài theo đuổi loại hình này. Đó là Hòa thượng Chau Ty, tuổi đã 65, ở chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn. 

Báu vật kinh lá

Tháng Bảy – mùa Vu Lan, chúng tôi có dịp về vùng núi Cấm và ghi lại câu chuyện có một không hai này. Thông thường khi nghe đến kinh, nhiều người nghĩ kinh được viết hoặc in trên giấy, bởi vậy kinh Phật viết trên lá càng khiến nhiều người muốn tìm hiểu. Và cũng bởi vậy, kho kệ kinh chép trên lá lưu truyền tại chùa Soài So thực sự là báu vật của tất cả mọi người chứ không riêng gì đồng bào Khmer Nam bộ.

Theo lời giải thích của Hòa thượng Chau Ty, đây là loại kinh của Phật giáo Nam tông Khmer, được những bậc tiền bối đạo hạnh cao thâm và rất đỗi tài hoa viết bằng chữ Khmer trên lá cây buông qua nhiều thế hệ rồi được truyền giữ nên giá trị tinh thần văn hóa là vô giá. Tiếng Khmer gọi kinh lá là slấc-rich (nghĩa là một kiểu viết như in ấn, khắc họa trên lá Sa-T’ra (cây buông). Đây là loại cây trước đây mọc nhiều ở vùng núi Cấm nhưng hiện nay thì rất hiếm. 

Theo lời truyền lại của các sư sãi, kinh lá ra đời cách đây hàng trăm năm. Ban đầu,  kinh lá xuất hiện một phần do điều kiện thiếu giấy mực, các sư ở chùa nghĩ ra cách dùng lá để ghi chép, để thuyết pháp và lưu truyền. Tất nhiên, việc chọn nguyên liệu lá để viết sách cũng rất công phu nên những bộ kinh thư trên lá được bảo quản lâu cho đến tận ngày hôm nay. Và, hiện tại chùa Soài So còn lưu truyền những bộ kinh lá khá đồ sộ.

Hòa thượng Chau Ty cũng cho biết, công việc viết chữ trên lá không kém phần công phu và kỹ thuật sáng tạo bởi nó không giống như cách viết trên giấy thông thường. Kinh lá được viết bằng loại bút có ngòi sắt nhọn gọi là Đék-cha, thân bút bằng gỗ được bào tiện, trau chuốt cho vừa tay người cầm, còn ngòi bút là đoạn thép được đính chắc chắn vào thân gỗ và mài giũa rất bén.

“Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Khi viết ngón tay cái sẽ điều khiển đầu bút. Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, không đơn giản như chữ viết trên giấy” -  Hòa thượng Chau Ty nói.

Khắc chữ trên lá xong, công đoạn tiếp theo là tẩm mực lên lá để mực thấm vào nét khắc chữ; chờ cho khô mực, lau sạch lá để kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách. Bởi vậy, nghệ thuật viết kinh trên lá không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi người thực hiện phải có tấm lòng kiên trì… thể hiện câu từ hết sức xúc tích, cô đọng trong khuôn khổ mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, mỗi dòng được khoảng 20 từ.

Sau khi hoàn thành các công đọan này, việc kết lá kinh thành quyển phải tuân thủ qui tắc riêng để khi mở kinh ra đọc, nội dung không bị xáo trộn. Theo hòa thượng Chau Ty, nội dung trong kinh lá là những điều răn dạy, giáo lý nhà Phật dạy con người biết tu tâm, dưỡng tánh; sống hiền lành, thân thương; những câu chuyện ngụ ngôn dạy người đời lòng thương người, cách sống tốt.

Chính vì kỹ thuật, công phu khi làm kinh trên lá nên việc truyền thụ từ đời này sang đời khác không phải dễ dàng, những người theo được công việc làm kinh trên lá - nói như nhà Phật - là phải “có duyên”. Vì vậy, đến thời của Hòa thượng Chau Ty là đời thứ 9 nhưng vẫn chưa tìm được người “có duyên” nên “bộ môn nghệ thuật” viết kinh trên lá có nguy cơ thất truyền.

Thất truyền

Hiện nay, nhiều chùa Khmer ở vùng Bảy Núi của An Giang còn lưu trữ khá nhiều bộ kinh lá đã ra đời cách nay từ 60 đến 100 năm. Những bộ kinh lá thường được đem ra đọc, rao giảng trong các ngày lễ, tết cổ truyền như Chol Chnăm Thmây, Dolta…

Kho tàng kinh lá thì còn đó, việc bảo quản có tốt đến mấy nhưng kinh lá không thể trường tồn theo thời gian, vì vậy đòi hỏi phải có người kế tục để phát huy hoặc chí ít cũng giữ gìn được bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Tuy nhiên, để chọn được “đệ tử” kế tục rất khó do tốn quá nhiều công sức, thời gian để tạo ra một quyển kinh lá nên ít người muốn theo học.

Mặc khác, tương truyền rằng, từ khi vị tổ sư khai sinh ra kinh lá đến nay, mỗi đời như thế các sãi cả cũng chỉ truyền dạy loại nghệ thuật này cho một đệ tử tâm phúc có đủ đức độ. Hòa thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ chín và cũng là người cuối cùng ở Bảy Núi biết viết kinh trên lá buông bằng tiếng Khmer.

Hòa thượng Chau Ty tâm sự: “Đã hơn 40 năm viết kinh lá và hơn chục năm nay, khi tuổi đã cao tôi tìm một đệ tử để truyền nghề nhưng vẫn không tìm được. Buồn quá nên đã lâu lắm rồi tôi không còn viết kinh lá nữa. Bọn trẻ bây giờ không muốn học, cho nên nguy cơ nghề làm kinh lá sẽ thất truyền là khó tránh khỏi”.

Dẫu biết rằng xu thế phát triển của xã hội, qui luật đào thải của tự nhiên thì những gì không phù hợp sẽ bị quên lãng nhưng trong lòng chúng tôi, ai cũng hụt hẫng và nuối tiếc. Bởi, kinh lá không những là bộ môn nghệ thuật mà còn là tâm linh, tín ngưỡng, giáo dục đạo lý làm người, là chiều sâu tâm hồn của mỗi con người. Thế mà, vốn quý ấy giờ đây lại đang đứng trước nguy cơ thất truyền…

Trần Nam

Đọc thêm