'Kỳ tích' của cặp vợ chồng mù

(PLO) -Bùi ngùi nhớ lại những ngày khó nhọc đã qua, ông Dũng trải lòng: “Nhiều lúc khó khăn, không có tiền đóng học phí cho con, chúng tôi cũng có ý nghĩ cho con thôi học. Nhưng thấy niềm đam mê học hành của các con lại không nỡ. Thế là cứ cố gắng chạy vạy vay mượn khắp nơi. Cũng may nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con lối xóm nên khó khăn cũng vượt qua”.
Ông Dũng chia sẻ hành trình mưu sinh nuôi các con ăn học.
Ông Dũng chia sẻ hành trình mưu sinh nuôi các con ăn học.

Cùng chịu cảnh mồ côi cha mẹ lại không may bị mù từ nhỏ, số phận đã đưa đẩy ông Nguyễn Văn Dũng (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Kim Hoa (49 tuổi) đến với nhau, nương tựa vào nhau qua những sóng gió cuộc đời.

Vượt qua chất chồng khó khăn trong cuộc sống, điều khiến cặp vợ chồng mù hạnh phúc và tự hào nhất chính là 4 người con đều được học hành đến nơi đến chốn. 

Duyên nghèo

Trong xóm nhiều người mù ở gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), hoàn cảnh vợ chồng ông Dũng, bà Hoa luôn khiến nhiều người cảm phục. Cả hai cùng bị mù, đôi tai người vợ còn bị điếc, nhưng hai người vẫn cần mẫn đội nắng đội mưa đi khắp các khu chợ lớn nhỏ trong thành phố bán vé số và bàn chải, nuôi đàn con ăn học. 

Con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà của đôi vợ chồng mù nằm trên đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM). Gian nhà chỉ chừng 20m2, mái gác lụp xụp, tường vôi bong tróc, những đồ đạc trong nhà cũng cũ kĩ nhuốm màu thời gian.

Thế nhưng, bên trong căn nhà nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Nghe tiếng khách, ông Dũng đưa đôi tay gầy gò vịn chặt vào lan can cầu thang, dò dẫm từng bước từ trên gác xuống.

Ông kể mình vốn quê ở Long Xuyên (An Giang). Năm 3 tuổi, ông bị đau mắt đỏ, sau đó biến chứng giảm thị lực dần rồi trở nên mù lòa. Sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống quá cơ khổ lại thêm tật nguyền, ông Dũng bất hạnh bị gia đình xa lánh. 

“Lớn lên một chút, tôi cũng dần quen với bóng tối, nhưng không được học hành. Mọi người cho rằng tôi bị tàn tật không thể làm được công việc gì, chỉ trở thành gánh nặng cho gia đình. Năm 8 tuổi, ba mẹ đưa tôi lên Sài Gòn, bỏ tôi lại giữa phố. Tôi đi lang thang khắp nơi rồi được người ta đưa vào cô nhi viện”, ông run run nhớ lại.

Mới vào cô nhi viện, cậu bé Dũng e ngại thu mình, ít giao tiếp với những người xung quanh. Nhưng nhờ sự động viên của các cô, Dũng dần dần hòa nhập hơn khi nhận thấy ở đây còn có nhiều người bất hạnh hơn mình.

Ông kể, ngày đó ở cô nhi viện hầu hết là trẻ em mù, mồ côi, bị người thân bỏ rơi. Có người vừa bị mù, tàn tật lại bị liệt chỉ biết nằm một chỗ. Biết mình còn may mắn hơn nhiều người, Dũng không ngừng nỗ lực, cố gắng.

Những năm tháng ở đây, Dũng được các cô dạy chữ Braille, được dạy các kỹ năng sống, những điều hay lẽ phải. Ngoài giờ học, Dũng còn giúp các cô trong cô nhi viện trồng rau, nuôi gà, giúp đỡ các trẻ bị liệt, bị bại não trong việc sinh hoạt thường ngày. 

“Lúc đó, tôi đã quen với bóng tối nên cứ mày mò làm các công việc, dù hơi chậm một chút. Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng người mù cũng có thể làm được việc, không phải là “đồ bỏ đi””, ông ngậm ngùi.

Năm 1975, cô nhi viện giải thể, Dũng cùng bạn bè ra ngoài mưu sinh. Ban đầu, nhóm đi lang thang khắp nơi, sau gia nhập vào hội người mù TP.HCM rồi về xóm người mù này sinh sống. 

Theo ông Dũng, thời đó ông cùng những người bạn đồng cảnh ngộ thay nhau đi lấy bàn chải để bán. Trong một lần tình cờ ông gặp bà Hoa, người vợ bây giờ.

Bà Hoa số phận cũng hẩm hiu không kém. Sinh ra ở một tỉnh nghèo miền Trung, bị khiếm thính từ nhỏ lại hay đau ốm, bà cũng bị cha mẹ bỏ rơi trong rừng sâu. Không được cưu mang, chăm sóc, đôi mắt bà dần mờ rồi mù hẳn. Những người đi rừng bắt gặp bé gái tội nghiệp đã đưa Hoa về cô nhi viện ở Đà Nẵng, sau lưu lạc đến tận TP HCM. 

Ông Dũng cười hiền kể: “Ngày đó, chúng tôi cùng sống chung ở xóm người mù. Chúng tôi thường hay đi bán chung và nói chuyện với nhau nhiều hơn. Hiểu hoàn cảnh của nhau, cảm thấy ai cũng cần một người ở cạnh để an ủi, chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời nên chúng tôi quyết định kết duyên phận”.

Sau khi nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của những những trong xóm người mù, vợ chồng ông Dũng đưa nhau về sống trong một căn nhà nhỏ. “Trước năm 1980, những ngôi nhà ở khu này đều được xây cho những người mù.

Mấy chục năm trôi qua, cuối cùng còn mỗi chúng tôi sinh sống, sau này được đăng ký hộ khẩu tại đây. Nếu không, cả đời thắt lưng buộc bụng, vợ chồng tôi cũng không mua nổi một miếng đất cắm dùi”, người đàn ông cho hay.

Ngày ngày, hai người đưa nhau đi khắp các khu chợ ở quận Bình Tân bán bàn chải và vé số kiếm tiền trang trải. Hình ảnh đôi vợ chồng mù nắm tay nhau đi khắp nơi bán rong mỗi ngày trở nên quen thuộc với những người dân nơi đây. Chiều về, trong căn nhà nhỏ, hai người lại cùng mò mẫm, lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều.

Tổ ấm của hai ông bà ngập tràn hạnh phúc khi những người con lần lượt ra đời khỏe mạnh. Nhưng thêm người thêm chật vật, vợ chồng mù lại nai lưng gánh trên vai nỗi lo ăn học cho đàn con.

Bà Hoa mò mẫm chuẩn bị bữa trưa.
Bà Hoa mò mẫm chuẩn bị bữa trưa.

Bùi ngùi một thời cơ cực

Nhắc nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Dũng không giấu được những giọt nước mắt. Ông bùi ngùi kể, vì cả hai không có bà con thân thích nên không có ai hỗ trợ thêm. Ba người con đầu lần lượt cách nhau một tuổi nên việc chăm con với ông bà càng trở nên khó khăn gấp bội.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Dũng luôn dành cho người vợ những lời nói ấm áp, luôn gọi “bà xã” trìu mến. “Sau khi sinh con đầu, đôi tai của bà xã tôi ngày càng yếu, dần trở nên điếc.

Hàng ngày tôi đi chợ để bán bàn chải kiếm tiền trang trải, nhưng cũng chỉ được bữa nay lại phải lo bữa mai. Bà xã tôi ở nhà trông nom các con. Nhiều đêm con ốm, quấy khóc giữa đêm khuya, hai vợ chồng lúi húi trở dậy, tay ôm con ngủ, tay bế con đi bệnh viện”, ông hồi tưởng.

Khi các con lớn lên một chút có thể gửi trẻ, vợ chồng ông cùng xuống đường tìm kế sinh nhai. Cuộc sống khó khăn, việc buôn bán cũng trì trệ hơn, hai người phải dắt nhau đi xa hơn mới bán được hàng.

Có lúc, ông Dũng phải theo đoàn người lên tận Đà Lạt, hoặc về các tỉnh miền Tây để bán. Đi vài ngày, ông lại tất tả trở về vì không yên tâm để vợ một mình xoay xở với đàn con.

Sau này, khi các con lớn hơn một chút, ngoài giờ học có thể thay nhau dẫn mẹ đi bán vé số, ông Dũng tự lấy nguyên liệu về làm bàn chải tại nhà rồi đi bán. Sản phẩm bán ra có tiền lời nhiều hơn chút đỉnh, song công việc đòi hỏi nhiều công sức và mất nhiều thời gian.  

Dù chịu nhiều mưa nắng nhọc nhằn, trải qua nhiều cay đắng, điều khiến vợ chồng ông Dũng tự hào nhất chính là 4 người con đều được học hành đến nơi đến chốn.

“Nhiều lúc khó khăn, không có tiền đóng học phí cho con, chúng tôi cũng có ý nghĩ cho con thôi học. Nhưng thấy niềm đam mê học hành của các con lại không nỡ. Thế là cứ cố gắng chạy vạy vay mượn khắp nơi. Cũng may nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con lối xóm nên khó khăn cũng vượt qua”, ông Dũng trải lòng. 

Hiểu được những vất vả của cha mẹ, những người con luôn cố gắng đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Căn nhà trở nên sáng vui hơn nhờ những bằng khen của các con treo giày trên tường.

Người cha mù tự hào khoe: “Ngoài đứa thứ hai đã đi làm thì đứa đầu hiện đang học trường trung cấp nghề. Đứa thứ ba đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Sài Gòn. Con gái út đang học lớp 11 nhưng cũng học giỏi lắm”. 

Giờ đây, khi các con đã lớn, đều bận rộn với việc làm việc học, bà Hoa lại theo những người bạn mù đi khắp nơi để bán vé số. Hướng về người phụ nữ đang cùng bà Hoa lúi húi chuẩn bị cơm trưa trong bếp, ông Dũng giới thiệu đó là một người bạn của bà Hoa.

Người này cũng mồ côi, bị mù sống lang thang nay đây mai đó. Bà Hoa thương tình dẫn về sống cùng, xem nhau như chị em. 

Trời đã quá trưa, người con gái út đi học về chưa kịp thay đồ đã vội vào bếp giúp mẹ chuẩn bị cơm. Em tâm sự: “Ba mẹ vất vả vì 4 anh em chúng em nhiều quá. Chúng em đã lớn, phải cố gắng học hành thật tốt, đỡ đần ba mẹ”. 

Ngoài sân, ông Dũng đang sắp xếp những chiếc bàn chải cho gọn gàng để chuẩn bị cho buổi chiều ra chợ. Lẫn trong tiếng nói cười rộn rã của các thành viên trong căn nhà là tiếng gọi “bà xã” thân thương của ông Dũng.

Đọc thêm