Ký ức đau buồn của già làng từng đi săn đầu người ở Katu

Người Katu ở vùng cao Quảng Nam vốn hiền hòa thân thiện. Nhưng trong quá khứ, do niềm tin tâm linh thần bí, họ có tục săn đầu người làng khác về cúng tế thần linh sau mỗi vụ mùa. Làng có người bị săn phải săn lại đầu người của làng đối thủ theo số lượng tương xứng. Bị mất một, phải lấy lại một. Từ niềm tin tâm linh, tập tục này gây ra những hận thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác giửa các ngôi làng và số người bị giết cứ tăng lên…

Người Katu ở vùng cao Quảng Nam vốn hiền hòa thân thiện. Nhưng trong quá khứ, do niềm tin tâm linh thần bí, họ có tục săn đầu người làng khác về cúng tế thần linh sau mỗi vụ mùa. Làng có người bị săn phải săn lại đầu người của làng đối thủ theo số lượng tương xứng. Bị mất một, phải lấy lại một. Từ niềm tin tâm linh, tập tục này gây ra những hận thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác giửa các ngôi làng và số người bị giết cứ tăng lên…

 Những năm 1930, Le Pichon, một người lính viễn chinh của Pháp đã đặt chân vào vùng đất huyền bí người Katu. Người lính Pháp này đã mở to đôi mắt xanh lơ của mình để nhìn ngắm những người dân “bản địa” qua lăng kính của một nhà dân tộc học.

Bài viết Les chaseurs de sang (Những kẻ săn máu) của Le Pichon  công bố trên tập san B.A.V.H vào năm 1936 về người Katu làm chấn động giới chuyên nghiên cứu các nền văn minh trên thế giới. Trong đó những câu chuyện rùng rợn về chuyện săn đầu người để cúng tế của người Katu làm người ta phải rùng mình.

Nhà Gươl của người Katu trang trí bằng xác một con rắn độc treo trên nóc nhà.
Nhà Gươl của người Katu trang trí bằng xác một con rắn độc treo trên nóc nhà.

“Tế thần” sau mỗi vụ mùa

Săn máu trong quá khứ là một tập tục có thật của người Katu ở Quảng Nam, gắn liền với một tín ngưỡng về thần linh và mùa màng. Nó xuất phát từ thời xa xưa, thời đại của các chiến binh rừng rậm diệt ác thú trên rừng, bắt thuồng luồng cá sấu dưới sông dưới suối, kiêu hãnh mang về đặt dưới chân những cô gái đứng trước sân nhà gươl. Đó là thời kỳ mê muội con người làm theo sự sai khiến của các đấng thần linh tối cao, mà cao nhất là Giàng (Trời).

Người anh hùng thời ấy không hề mở miệng nói lời nào xưng tụng mình tài giỏi, mà những chiến công nói lên tất cả. “Tôi ở làng này! Một ngôi làng có nhà gươl lớn nhất, trên đầu hồi của nhà gươl là hình ảnh hai con chim T’ring (đại bàng) với chiếc mỏ dài cong vút uy lực không hề giấu giếm!”.

Dần dà, niềm kiêu hãnh đó lan ra cả làng và không ai khác hơn là người anh hùng phải gánh vác một công việc trọng đại do già làng giao phó: Săn máu tế thần!

Nạn nhân là một người Katu ở làng khác, làng bên cạnh hoặc xa hơn. Bất kể ở đâu, nhưng phải có nạn nhân để tế thần với niềm tin là thần linh sẽ ủng hộ cho mùa màng tươi tốt, cả làng không bị dịch bệnh và tai ương. Tục săn máu của người Katu còn gọi là “tục đầu tôi”, thường diễn ra vào tháng 1 - 2 - 3 âm lịch và tháng 6 - 7 - 8 hàng năm, khi cây lúa trên rẫy đã thu hoạch hết hoặc vỉa tỉa xong… Những người thực hiện cuộc săn máu đối phương gọi là “giặc mùa”.

Ký ức đau buồn của già làng từng tham gia săn máu

Alăng Pưnh ở làng Pơrning (huyện Tây Giang, Quảng Nam) nói: “Mình đã một trăm mùa. Những người đẻ ra cùng mình hoặc sau mình bây giờ đã thành con ma ngoài rừng hết rồi”. Biết vị già làng bảo 100 mùa tức là 100 mùa rẫy, nhưng tôi vẫn “giả vờ” hỏi liều: “Ama bảo là 100 mùa săn máu à?”. Khuôn mặt vị già làng chợt chùng xuống. Ánh mắt dõi nhìn xa xăm xuống dưới thung lũng. Ở tít dưới kia, có một cái bóng trắng đang di động từ từ. Cái bóng trắng đó đã gây cho con người uy tín bậc nhất làng này sự chú ý.

“ À! Giặc mùa à? Đó là hồi đồng bào mình còn sống nguyên thủy, chưa có chính quyền! Làng Pơrning này cũng có thời từng có giặc mùa!”. Không nhìn khách, Alăng Pưnh chỉ nói bâng quơ như nói vào không khí. 

Theo bài viết Les chaseurs de sang (Những kẻ săn máu) của Le Pichon  công bố trên tập san B.A.V.H vào năm 1936: “Người Katu sống trên núi cao, trong những nóc nhà sàn hình chiếc mu rùa, vắt vẻo lưng chừng dãy Trường Sơn. Những người đàn ông Katu da đen, môi dày, mắt trắng, mặc khố len lỏi trong rừng như con sóc. Những người đàn bà Katu quấn quanh mình những tấm tút dệt bằng thổ cẩm có nhiều hoa văn sặc sỡ che lấp những bộ ngực phồn thực đầy sức sống. Đó là một dân tộc mạnh mẽ, mê săn bắn, hội hè và đặc biệt hiếu khách”. Theo thống kê mới nhất, người Ka-tu có khoảng 5 vạn người, chủ yếu tập trung ở cánh rừng nhiệt đới ở Quảng Nam thuộc các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang.

Già Alăng Pưnh luôn nhắc đến từ caham (máu) trong câu chuyện kể của mình. Đó là một ký ức không vui. Một ký ức được trả giá bằng máu.

Làng Pơrning bây giờ nằm trên một ngọn núi thật cao nhìn bao quát toàn bộ thung lũng Lăng ở đầu nguồn con sông Avương. Cả làng có khoảng hai chục nóc nhà xúm xít quanh nhà gươl. Buổi sáng hôm đó, thấy có người lạ đến, con trai con gái bu quanh khách lạ. Tôi lấy chiếc máy chụp hình kỹ thuật số chụp ảnh mọi người và đưa họ xem, ai cũng trầm trồ kinh ngạc nhìn ngắm mình trong máy và xuýt xoa như thấy phép lạ “thấy mình liền”.

Già Alăng Pưnh nói lửng lơ bí hiểm: “Hồi trước, anh đến đây vào mùa này, thấy làng cắm cây chéo đầu làng mà vẫn leo qua bờ rào là chô ăy jơ đơl”.  Tôi hỏi một thanh niên đang đứng bên cạnh “chô ăy jơ đơl” là gì? Anh ta bảo gọn lỏn: “Về âm phủ!”. Tôi nghe mà rợn tóc gáy.

Làng Pơrning trước kia không phải ở chỗ bây giờ mà trên cao hơn nữa. Làng có nợ đầu với một làng bên. Cả hai săn qua săn lại suốt gần bốn mùa rẫy và mất hết bốn mạng người. Alăng Pưnh có một người thân cũng bị lấy máu tế thần... Caham, caham... những từ đó sẽ còn ám ảnh mãi những chứng nhân của một thời săn máu như vị già làng này. Bây giờ, người Katu đã thay đổi nhiều. Khi tiếp cận với văn minh hiện đại, người ta ước giá như không có những câu chuyện đó.

Từ tục lệ tâm linh đến mối thù truyền kiếp

Ông Nguyễn Tri Hùng, thành viên Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam, người nghiên cứu rất kỹ về các tập quan của dân tộc Katu cho biết: Giữa hai làng Ka-tu có tục “nợ đầu tôi” với nhau, cuộc chiến trong mùa săn máu diễn ra thật quyết liệt. Bất kể già, trẻ trai gái của làng này đều có thể trở thành vật tế thần cho làng kia. Những ngày như thế rất căng thẳng. Thật rủi ro cho những người nào rơi vào bẫy mai phục giữa rừng, hoặc một vị khách lạ nào đó tự dẫn xác đến.

Việc săn máu tưởng chừng như luật rừng nhưng thực ra có luật chơi hẳn hoi. Giữa hai làng với nhau, trong mùa săn máu kéo dài chừng hai tháng, nếu không lấy đầu được của nhau thì phải chờ đến mùa săn máu sang năm, không được lấy đầu quá tỉ lệ 1 – 1... Người ta không dám vi phạm luật này vì sợ… Giàng phạt. Ban đầu vì thần, vì tâm linh, nhưng sau này, cuộc săn máu đã thấm đẫm oán thù nợ máu giữa hai cộng đồng  với nhau. Oán thù dắt dây oán thù, nợ máu dắt dây nợ máu từ đời này sang đời kia. Trong chút bản năng tự vệ mơ hồ, người Katu thời hiện đại được trang bị nhiều sự hiểu biết để tìm cách làm cho oan hồn những chiếc đầu vô tội trong thuở mông muội đó “thất truyền” đi như  một quá khứ đáng quên lãng.

Chủ tịch huyện Tây Giang, ông Arất Le nói: ““Tục đầu tôi” đã mất hẳn trong cộng đồng người Katu từ lâu rồi!”. Theo những cứ liệu chính xác còn lại, mùa săn máu cuối cùng của người Katu ở huyện Nam Giang chấm dứt vào năm 1952.

Nguyễn Minh Sơn

(Còn tiếp)

Đọc thêm