Người phát hiện tê giác
Vườn Quốc gia Cát Tiên được nhiều người biết đến bởi là khu bảo tồn động vật hoang dã và từng có loài tê giác Java Việt Nam tồn tại, trong khi đó loài này đã tuyệt chủng ở khu vực đất liền Đông Nam Á. Điều đáng buồn là, vài năm trước chú tê giác cuối cùng cũng đã gục ngã trước tiếng súng của đám săn bắn.
Ít người biết, đằng sau đó là câu chuyện cảm động giữa già Điểu K’Giang và con tê giác cùng dự án bảo tồn còn dang dở. Vượt gần 200km tới đây, chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên giới thiệu tới gặp già Điểu K’Giang (68 tuổi) người đồng bào S’Tiêng là người duy nhất gắn bó và hiểu rõ về con tê giác Java.
Già Điểu K’Giang sống sát cánh rừng, giáp ranh giữa ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai. Nơi đây còn là quê cha đất tổ của người S’Tiêng hàng trăm năm qua.
Khi gặp chúng tôi, già làng S’Tiêng dáng người cao, mảnh khảnh với làn da ngăm đen vui vẻ đón tiếp. Già Điểu K’Giang nói ngay: “các anh muốn tìm hiểu về Pai ro mhai (tiếng người S’Tiêng gọi con tê giác) thì phải gặp già, già gắn bó với nó lắm! Nhưng Pai ro mhai chết rồi! người ta bắn chết nó rồi! già thương nó lắm, nó như người bạn thân thiết của người S’Tiêng!”.
Những tay thợ săn vào rừng săn bắn không thương tiếc. Khi con tê giác bị bắn chết, già rất tức giận, nhiều ngày liền không ăn, không ngủ, nằm mơ cũng thấy tê giác”- già Điểu K’Giang buồn bã nói.
|
Máy chụp ảnh cùng tài liệu quý giá của già Điểu K’Giang khi cùng các chuyên gia nghiên cứu về con tê giác Java. |
Gia đình già Điểu K’Giang có 3 người con, hai con gái lớn đều đã lập gia đình, còn con trai thì làm kiểm lâm bảo vệ rừng. Riêng già Điểu K’Giang, quanh năm sống trong căn chòi nhỏ nằm lọt thỏm giữa vườn điều, xung quanh là cánh đồng ruộng bao la và khu rừng già Cát Lộc- nơi tê giác đã từng sinh sống, để nuôi gà, nuôi vịt và trông coi đàn bò.
Nhắc đến tê giác, già Điểu K’ Giang nói với giọng khàn khàn: “nó đã bị người ta bắn chết rồi, tôi chẳng còn được nhìn thấy nó nữa! tôi nhớ nó lắm! Các anh không biết nó gần gũi với tôi như thế nào đâu”.
Tại căn chòi, già Điểu K’ Giang kể chúng tôi nghe rất nhiều về con tê giác Java, những lần con tê giác giáp mặt với con người, nhiều lần con tê giác từ rừng về căn chòi của già và người S’Tiêng nơi đây.
“Lần đầu tiên tôi phát hiện con tê giác khi nó xuất hiện với đàn trâu làng, tôi đứng từ trên đồi nhìn xuống chỗ vũng sình lầy thì thấy đàn trâu làng đông hơn mọi khi, quá ngạc nhiên tôi vội vàng lại gần để xem và phát hiện có con Pai ro mhai (tiếng người S’Tiêng gọi con tê giác). Nó có một sừng, mình dài, nhưng thấp hơn con trâu, bước đi chậm rãi. Nó thấy tôi nhưng không bỏ đi. Từ đó người dân mới biết ở cánh rừng Cát Lộc có tê giác sinh sống”, già Điểu K’Giang kể.
Dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng, già Điểu K’ Giang chỉ tay về phía - nơi con tê giác từng dừng chân uống nước, kiếm thức ăn, nghỉ ngơi.... Bên trong đôi mắt già lúc nào cũng nặng trĩu ký ức về con tê giác đã gắn bó với già và dân làng.
|
Cuốn sách về dự án bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên của WWF. |
Mong có ngày gặp lại
Già Điểu K’Giang nói: “tê giác Java là loại thú quý hiếm, khắp núi rừng chỉ có loài này là lạ nhất, sống mạnh mẽ đơn phương như một dòng dõi động vật lớn, không bầy đàn... Pai ro mhai rất hiền lành, là loài thú không ăn thịt động vật, chỉ ăn đọt mây, măng tre, và một số lá cây khác để sinh sống”.
Các chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã thuộc Quỹ bảo tồn động vật hoang dã (WWF), Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng đã thành lập đoàn nghiên cứu, tìm hiểu để bảo tồn. Trong những chuyến đi đó, già Điểu K’ Giang luôn có mặt để cung cấp nhiều tài liệu quý, những bức ảnh về con tê giác Việt Nam. Già Điểu K’ Giang đã giúp cho điện ảnh những thước phim vô cùng giá trị về tê giác Java ở Vườn Quốc gia Cát Tiên.
“Già biết rõ nơi con tê giác thường xuyên xuất hiện nên chỉ đường để các chuyên gia của WWF biết chỗ đặt máy ảnh, ghi lại được hình ảnh con tê giác sống động nhất”- già Điểu K’ Giang vui vẻ kể lại. Những ngày đó, già Điểu K’ Giang đã cùng một số cán bộ địa phương, đội tuần tra, đoàn chuyên gia trong nước và cả WFF ròng rã nhiều lần, nhiều tháng ăn nằm trong rừng sâu để tiếp cận với con tê giác Java.
Lãnh đạo xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên cho biết: “Cát Lộc là cánh rừng mà một phần bị tàn phá trong cuộc chiến tranh, bây giờ là khu bảo tồn động vật hoang dã. Chính nơi đây, con tê giác cuối cùng đã bị bắn chết bởi những tay thợ săn vô tâm. Người dân địa phương chỉ biết con tê giác bị bắn chết khi các cán bộ kiểm lâm phát hiện bộ xương của tê giác Java. Và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tuyên bố, Tê giác chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam”.
Một cán bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên tiết lộ: trước đây, con tê giác Java ở Việt Nam được bà Sarah Brook (một nhà bảo tồn của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã) theo dõi sát sao để thu thập mẫu phân trong thời gian dài. Đến tháng 4/ 2010, bà Brook nhận một cú sốc khi xem bức ảnh một bộ xương và sọ tê giác từ cán bộ kiểm lâm.
Vào tháng 9/2010, đoàn điều tra gồm nhóm các chuyên gia từ các nước Hoa Kỳ, Anh... cùng tập hợp tại vườn Quốc gia Cát Tiên và được các cán bộ kiểm lâm nơi đây dẫn đến vị trí phát hiện bộ xương để tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của con tê giác Java Việt Nam. Sau một thời gian nỗ lực điều tra, nhóm chuyên gia đã xác định con tê giác đã bị kẻ săn bắt động vật hoang dã trái phép dùng súng bắn chết.
|
Nơi con tê giác Java lần đầu tiên già Điểu K’Giang phát hiện. |
Những dự án đang được các chuyên gia phác thảo trên giấy tờ, những khóa học kỹ năng nhằm bảo tồn, bảo vệ con tê giác cho đội tuần tra đang được triển khai phải ngưng lại. Nhiều tiền bạc dồn vào đây giờ chỉ là số không khi các chuyên gia thế giới tiến hành phân tích và xác nhận phân tê giác mà bà Brook thu nhặt được trước đó và bộ xương tê giác do cán bộ kiểm lâm phát hiện là của một con tê giác.
Đối với WWF, con tê giác Java đã vĩnh viễn biến mất. Và với già Điểu K’ Giang thì đó là một cú sốc lớn. Đằng sau nỗi đau, tiếc nhớ của già dành cho người bạn hiền tê giác, sau dự án bảo tồn, bảo vệ tê giác không thành công là tình yêu thương của con người dành cho động vật hoang dã, nhất là những loài có nguy cơ bị tiệt chủng.
Sau nhiều ngày nghiên cứu trong rừng sâu để tiếp cận với con tê giác ở khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên. Các chuyên gia xác định, đây là con tê giác cái đơn độc (con tê giác cuối cùng trong phân loài của nó).
Con tê giác Java này có tên khoa học là rhinoceros sondaicus annamiticus hay còn gọi là tê giác một sừng được cho là tuyệt chủng ở khu vực Đông Nam Á. Theo các chuyên gia, trong môi trường hoang dã thì tuổi thọ của tê giác Java khoảng 40-45 năm.