Lặn nước, đổ chì nóng vào tay “giải oan”
Một trong những luật tục đã được loại bỏ cách đây vài chục năm là tục “lặn nước giải oan” và “đổ chì nóng tìm kẻ gian”. Đến nay, đồng bào người J’rai ở các huyện Krông Pa, Đăk Đoa, Ia Pa, Chư Prông… tỉnh Gia Lai vẫn còn nhớ đến những tục này. Người trẻ thì chỉ được nghe kể lại, còn người đã từng tham gia, chứng kiến những kiểu giải oan trong những vụ trộm cắp thì có lẽ chỉ có những người già tuổi từ 70 trở lên.
Già làng Kpă Hai (SN 1928, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) cho biết trước kia mỗi khi có nạn trộm cắp, người ta không đưa nhau lên công an, tòa án như bây giờ mà họ tìm đến hội đồng các già làng để phân xử. Trường hợp người bị hại đưa ra được đầy đủ nhân chứng, vật chứng chứng minh ai là người trộm cắp tài sản của mình thì hội đồng này sẽ xử phạt kẻ trộm theo quy định. Còn nếu người mất cắp tài sản không đưa ra chứng cứ nào nhưng một mực khẳng định thủ phạm là ai đó trong làng thì họ phải tìm đến cách phân xử khác.
Theo đó, các già làng sẽ đứng ra làm trọng tài chứng kiến cuộc thách đố giữa bên bị mất trộm và bên nghi phạm. Nhờ sự hỗ trợ của thần rừng, thần nước… các cuộc thách đố sẽ diễn ra theo các mức độ từ thấp đến cao: Bẻ cây rừng, lặn nước và đổ chì nóng vào lòng bàn tay để tìm ra thủ phạm…
Trước khi bắt đầu, hai bên sẽ lập giao kèo: Nếu như người bị nghi ngờ thua, tức là anh ta chính là thủ phạm. Ngoài việc đền những gì đã ăn trộm, anh ta phải đền thêm tùy theo thỏa thuận (thường là 5 con bò). Ngược lại, người bị nghi ngờ thắng, thì người bị mất trộm sẽ phải bồi thường danh dự như đã thỏa thuận…
Già Hai kể về tục tìm kẻ gian |
Cửa ải đầu tiên là thách đố bẻ cây rừng. Hai người liên quan đến vụ việc sẽ được hội đồng già làng đưa đến khu rừng thiêng của làng. Sau đó, mỗi người sẽ bẻ một cành cây và chờ một khoảng thời gian nhất định. Cành cây trên tay người nào héo trước, chứng tỏ người đó vô tội. Theo cách giải thích của những già làng thì thần rừng sẽ làm cho cành cây tươi kể cả khi cành cây rời khỏi thân cây để chỉ ra kẻ phạm tội.
Nếu như người cầm cành cây tươi nhận tội thì chỉ bị phải trả 1/2 số thỏa thuận cá cược. Tuy nhiên, nếu như người này còn ngoan cố, các già làng sẽ đưa họ ra bờ sông và bắt đầu thử thách thứ hai, thử thách lặn nước để giải oan. Theo đó, người bị mất trộm và người bị nghi ngờ sẽ lặn thi. Ai ngoi lên trước là người thua cuộc. Ngoài ra, nếu người bị mất trộm tự tin về sự nghi ngờ của mình và cho rằng kẻ kia chính là thủ phạm thì sẽ thực hiện lặn một mình, còn người kia chỉ việc cầm một cây H’Lă (cán bằng gỗ dài hơn 1m, lưỡi bằng kim loại nhọn) nhúng xuống nước. Nếu nghi can nhấc cây gậy trước khi người lặn ngoi lên là thua và ngược lại. Người ta cho rằng thần nước sẽ khiến những người có tâm gian ác không chịu được mà phải ngoi lên trước. Trường hợp kẻ gian chỉ phải đứng trên bờ cầm cây H’Lă, nếu chính hắn là thủ phạm, thần nước sẽ khiến hắn thấy những ảo ảnh như con gà, con hoẵng, con nai rừng… chạy tung tăng nhởn nhơ bên cạnh, kẻ gian lúc đó sẽ không kìm được lòng mà rút cây H’Lă lên khỏi mặt nước để đâm ảo ảnh con vật. Người thua ở thử thách thứ hai này sẽ phải đền 100% số của cải đã thỏa thuận với nhau.
Nếu nghi can vẫn ngoan cố không nhận tội thì thử thách đổ chì vào lòng bàn tay sẽ được thực hiện. Theo đó, chì sẽ được nấu tan chảy. Hai người tham gia thử thách sẽ được lót một chiếc lá khoai nước (lá môn) vào trong lòng bàn tay sau đó già làng sẽ tiến hành đổ chì nóng lần lượt vào tay mỗi người. Nếu như lá khoai nước không cháy, hoặc người bị đổ chì không cảm thấy nóng thì người đó vô tội. Ngược lại, người nào bị chì nóng ăn mòn tay hoặc làm bỏng thì người đó chính là thủ phạm. Nếu như trước khi đổ chì một trong hai bên sợ mà nhận thua thì cũng được chấp nhận và xử phạt như đã thỏa thuận.
Hủ tục đã được loại bỏ
Được biết, cách thức nguyên thủy của tục đổ chì vào tay và lặn nước rất dã man chứ không thay đổi như già Hai đã kể. Theo đó tục này khi đổ chì nóng vào tay trực tiếp chứ không hề có lá lót, ai đổ chì cũng bị chì nóng ăn mòn cả lòng bàn tay rất đau đớn. Còn tục lặn nước thì ai ngoi lên trước thì bị làng… giết. Nhiều người vì không muốn thua nên cố nhịn thở dưới nước đến bất tỉnh nhân sự, hy hữu có trường hợp còn chết cả dưới nước… vì ngoi lên cũng chết.
Ông Rơ Ma Hul, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giáo cho biết: Thời xưa, người đồng bào J’rai thời bấy giờ rất tin vào thần rừng và thần nước. Chính vì thế các thử thách bẻ cây rừng hay lặn nước để tìm thủ phạm trộm cắp được người dân cho là chính xác. Tuy nhiên, sau này họ nhận thức ra rằng không phải ai cũng có sức khỏe để nhịn dưới nước lâu, nên có những kẻ gian hơi nhiều, lặn lâu mà thắng. Có những cuộc đổ chì mà cả đôi bên đều bị hỏng bàn tay… Sau này pháp luật được phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, những hủ tục như vậy dần được gỡ bỏ nhưng phải mất thời gian dài.
Ông Rơ Ma Hul chỉ ra những cái sai của hủ tục |
Cũng theo ông Rơ Ma Hul, ngày trước các cán bộ xã nghe thấy ở đâu đang có vụ thách thức đổ chì là phải điều động một lượng lớn nhân sự đến. Để cho người dân nhận ra cái sai trong thách thức này, các cán bộ đã yêu cầu đổ chì nóng vào tay các già làng, các thầy cúng trước đã. Vì họ là người vô can trong vụ trộm cắp nên nếu họ không bị làm sao tức là luật tục đúng, còn như nếu họ bị bỏng thì nên loại bỏ. Khi được yêu cầu như vậy, các già làng đều rụt tay lại. Từ đó trở đi, tục lặn nước và tục đổ chì chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện mà thôi…