Ký ức người ở lại…

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người viết bài này cũng như nhiều thế hệ người Việt Nam đều đã được học các bài thơ Tố Hữu – nhà thơ của dân tộc. Và, cũng bởi lẽ  này mà khi được người bạn rủ đến nhà riêng của nhà thơ trên con phố Phan Đình Phùng rủ bóng cây xanh, tôi đã rất e ngại, cho đến khi gặp được nụ cười hiền hậu của bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ – hiện ra sau khuôn cửa…

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người viết bài này cũng như nhiều thế hệ người Việt Nam đều đã được học các bài thơ Tố Hữu – nhà thơ của dân tộc. Và, cũng bởi lẽ  này mà khi được người bạn rủ đến nhà riêng của nhà thơ trên con phố Phan Đình Phùng rủ bóng cây xanh, tôi đã rất e ngại, cho đến khi gặp được nụ cười hiền hậu của bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ – hiện ra sau khuôn cửa…

Bức ảnh hai vợ chồng nhà thơ Tố Hữu được bà Vũ Thị Thanh tặng  tác giả bài viết năm 2002
Bức ảnh hai vợ chồng nhà thơ Tố Hữu được bà Vũ Thị Thanh tặng tác giả bài viết năm 2002

Ấn tượng không quên

Lần ấy, người bạn của tôi đến gặp nhà thơ Tố Hữu để nhờ ông chỉnh lý lại một số câu chữ trong tuyển tập thơ sắp tái bản của ông mà bạn tôi chịu trách nhiệm biên tập. Đó là những ngày cận Tết Nhâm Ngọ 2002, cách đây vừa chẵn mười năm.

Mời khách vào căn phòng khách ấm cúng nhìn ra cây táo trong vườn nhà đã từng đi vào thơ ca “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt/Nắng soi sương giọt long lanh... – Mừng xuân 1961”, bà Vũ Thị Thanh chép miệng lo lắng với bạn tôi: “Dạo này ông ấy (nhà thơ Tố Hữu - PV) không được khỏe, nhưng vẫn không ngừng viết, đọc cô ạ, tôi lo quá”. Nói xong bà lên phòng mời nhà thơ xuống gặp khách.

Nhìn hai ông bà dìu dẫn nhau đi vào phòng, nét mặt rạng ngời hạnh phúc mặc cho tuổi tác, thời gian, bên tai tôi bỗng những văng vẳng những câu thơ tôi từng yêu thích trong những năm tháng học trò: “Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy/Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy/Như buổi đầu hò hẹn, say mê/Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về/Mà nói vậy: "Trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:/Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ, và phần để em yêu..."/Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"/Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí…”

Trong câu chuyện về thơ ca với người bạn tôi, nhà thơ có khoe ông vừa sáng tác bài thơ “Cảm nghĩ đầu xuân 2002” để chào xuân Nhâm Ngọ. Rồi ông cất giọng đọc. Trong buổi chiều hôm ấy, giọng đọc “nhà thơ của dân tộc” dù đã 82 tuổi vẫn vang vang, dường như quy luật của trời đất, tuổi tác không thể nào tác động. Trong những câu thơ của ông, người nghe lại như thấy được cái không khi hào hùng, hừng hực khí thế của những bài thơ “Chào xuân 67”, “Chào xuân 68”… đã từng đi vào lòng người suốt một chặng dài năm tháng…

Khi tôi ngỏ ý được viết về cảm xúc của nhà thơ khi viết bài thơ “Cảm nghĩ đầu xuân 2002”, ông cười vang, nhìn sang vợ mình và nói: “Đấy bà xem, cô nhà báo bắt nhà thơ bình thơ mình, ai lại thế bao giờ”. Bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ -  từ nãy giờ vẫn ngồi im lặng lắng nghe cuộc trò chuyện, tủm tỉm cười nhìn chồng nhỏ nhẹ: “Nếu mình không mệt thì giúp cô ấy…”

Thế rồi, chẳng hiểu có phải  do lời động viên của vợ hay do cái nghiệp trời định mà chẳng mấy chốc nhà thơ đã bị cuốn hút vào câu chuyện thơ ca: “Trong cuộc đời làm thơ của mình, chưa có bài thơ nào tôi viết vất vả như bài này. Chẳng phải vì tuổi tác, cũng chẳng phải vì tôi đã nản thơ, nhưng tôi nghĩ thơ ca sao mà khó cất lời giữa một thế giới đang buồn rười rượi, rối ren đến vậy. Nhưng rồi tuyệt vời thay lại chính trong cái rối rắm, bàng hoàng hỗn loạn ấy đã bật lên một Việt Nam yên bình, an toàn và phát triển….

Trong bài thơ, tôi tâm đắc nhất đoạn thơ  “Tự hào thay Việt Nam ta đang có mặt trên đời... ” bởi tôi nghĩ dẫu sao thì mình cũng phải biết tự hào về đất nước, về Đảng, về dân của mình. Đừng bao giờ vì một sự cục bộ, tiêu cực nào đó mà quên đi những điều chủ yếu, quên đi những đóng góp hy sinh của toàn dân để Việt Nam có được ngày hôm nay.

Chẳng có đất nước nào, cá nhân nào mà tự nhiên có được như vậy nếu không có quá khứ, nên tự mỗi người phải biết tôn trọng quá khứ của chính mình, của cả dân tộc Đối với tôi được vui sống với đồng chí anh em bè bạn, gia đình và được tin ở một chân trời xán lạn Việt Nam là một niềm hạnh phúc không gì sánh nổi. Và Đời chính là dân, là Đảng, đã cho tôi điều đó. Tôi xin cảm ơn Đời…” – nhà thơ say mê nói…

Bà Vũ Thị Thanh tại Lễ khai trương Nhà lưu niệm Tố Hữu ở Làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 4/10/2009
Bà Vũ Thị Thanh tại Lễ khai trương Nhà lưu niệm Tố Hữu ở Làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 4/10/2009

Ký ức tình yêu

Để yên tĩnh cho người bạn tôi và nhà thơ Tố Hữu bàn công việc câu chữ xung quanh tập thơ sắp tái bản của ông, tôi đã đi ra vườn cùng bà Vũ Thị Thanh. Tôi ngập ngừng nói với bà: “Ngày nhỏ, khi cháu học thơ của bác trai, cháu cứ mơ ước được một lần gặp nhà thơ. Nào ngờ hôm nay được gặp cả hai bác trong một khung cảnh thật nhẹ nhàng, giản dị thế này..” .

Thấy bà Vũ Thị Thanh cười hiền, tôi mạnh dạn đề nghị: “Bác có thể kể cho cháu nghe lần đầu bác gặp bác trai được không ạ?” mà chẳng dám mong mong ước của mình được đáp ứng. Thế rồi, bằng chất giọng nhẹ nhàng, trong buổi chiều khu vườn yên tĩnh, tôi đã được nghe vợ nhà thơ kể chuyện. 

“Chính cách mạng đã đưa tôi đến với anh Tố Hữu. Ngày đó, mới 26 tuổi nhưng anh Tố Hữu đã là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Tôi được biết anh qua các lớp chính trị mà anh là giảng viên hay qua các hội nghị mà anh tới dự với tư cách Bí thư tỉnh uỷ. Trong lòng tôi cũng có tình cảm thầm cảm mến anh.

Còn về phần anh sau này khi đã yêu nhau nghe anh kể lại rằng, một nữ đồng chí là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, biết đồng chí Bí thư tỉnh ủy tức là anh chưa một lần yêu, mới giới thiệu cho anh người nữ đồng chí của mình: "Cái Thanh đấy. Nó học ở Đồng Khánh về rất ngoan mà cũng xinh nữa. Nó hoạt động hăng lắm đấy, chịu không?...". Từ lời giới thiệu ấy, Tố Hữu đến với bà Vũ Thị Thanh -  cô gái xứ Thanh, cũng là một Huyện ủy viên trẻ tuổi và rồi sau đó, họ nên vợ nên chồng, đi với nhau suốt chặng đường cách mạng và đường đời...

Trong câu chuyện kể lại bà Thanh cười hóm hỉnh:  “À mà lúc đầu khi tôi xin phép được lấy anh Tố Hữu để đi cùng anh lên Việt Bắc theo lệnh điều động của trung ương, năm đó là năm 1947, tôi 19 tuổi,  mẹ đẻ tôi nào đã ưng. Bà bảo bà không thể thuận cho tôi lấy một người xa lạ quê quán tận đẩu tận đâu, rồi thì dòng tộc chưa biết ra sao. Anh lại đang ốm yếu nhiều do tù đày kham khổ... Nhưng rồi uối cùng vì tôi, mẹ tôi đã đồng ý.

Một đám cưới đơn sơ được tổ chức ở làng Đại Tài, huyện Hoằng Hoá. Đám cưới chúng tôi chỉ có đại diện chính quyền. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hỏi anh và tôi có đồng ý lấy nhau không. Mẹ tôi cho đôi áo lụa cánh nâu gọi là cho con gái lấy chồng...” .  Chìm sâu trong dòng sông hồi ức, giọng kể của bà Lê Thị Thanh nho nhỏ nhiều lúc lẫn trong tiếng chim trong vườn, tôi lắng nghe mà thấy khóe mắt mình rưng rưng…

Ước mơ giản dị của một người vợ

Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng ông rất ít làm thơ tình. Dù vậy, ông cũng có nhiều vần thơ rất xúc cảm tặng người vợ yêu quý của mình qua những vần thơ: “Mưa rơi dầm lá cọ /Mái tóc em ướt rồi/Đôi má em bừng đỏ/Muốn hôn qúa mà thôi..” rồi “Có khổ đau nào đau khổ hơn/Trái tim tự xát muối cô đơn/Em ơi, nghe đó trong đêm lạnh/Đằm thắm bên em một tiếng đờn... Ở trong thơ là vậy, ở ngoài đời, hạnh phúc của họ lồng trong hạnh phúc của nhân dân, cách mạng, đất nước.

Bà Lê Thị Thanh có một ước muốn rất nhỏ những cũng rất nhuần nhị, thắm đẫm tình cảm của những người phụ nữ Việt Nam hết lòng vì chồng, con. Đó là “được sống lâu để chăm sóc chồng, được là người đi sau để lo hậu sự cho chồng Để rồi bà cũng thanh thản khi bà là người đi sau để theo nhà thơ Tố Hữu về nơi vĩnh hằng.

Trong những năm tháng vắng ông, bà đã dành hết phần đời còn lại của mình làm được nhiều phần việc rất có ý nghĩa với người chồng yêu quý.Đó là  sưu tầm và in trọn bộ tuyển tập thơ ca cùng những vấn đề lý luận về Văn học Việt Nam trong suốt những năm nhà thơ Tố Hữu là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác Văn học Việt Nam của Đảng, đó là những quan điểm kinh tế, đường lối chỉ đạo của Tố Hữu suốt nhiều năm trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, đó là việc xây dựng Nhà lưu niệm Tố Hữu trong khuôn viên của gia đình cố nhà thơ tại D9, làng Quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 4/10/2009 nhân kỷ niệm 89 năm ngày sinh của ông (4/10/1920 – 4/10/2009)...

Và, cuối cùng (sở dĩ nói cuối cùng vì ngày 19/4/2012 sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ Tố Hữu đã từ trần, hưởng thọ 86 tuổi) là cuốn hồi ký hơn 300 trang với tên gọi “Ký ức người ở lại”  mà bà đã viết bằng tất cả trái tim của một người đồng chí thủy chung và nước mắt của người vợ hiền nhớ thương người chồng yêu quý của mình...

CẢM NGHĨ ĐẦU XUÂN 2002

(trích)

…Tự hào thay! Việt Nam ta đang có mặt trên đời

Đẹp như một chàng trai vạm vỡ

đánh giặc suốt 30 năm, đã toàn thắng, chẳng bao giờ run sợ

Có thể nào quên? Mới đó 25 năm

Gột sạc bùn và máu, ta đứng lên từ nghèo đói, tối tăm

Xây dựng lại đời ta phá vòng vây kẻ xấu

Thêm một cuộc trường chính, cho ánh sáng văn minh xoá bóng đêm lạc hậu

Tự tay ta khai thác thiên nhiên, khám phá cả chính mình

Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh

Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại

.....

Cảm ơn Đời đã cho ta, 82 tuổi bạc đầu

Được vui sống một thời đáng sống, dài lâu

Với đồng chí,anh em, bè bạn

Với chân lý sáng ngời và niềm tin ở chân trời xán lạn!

Hồng Minh

Đọc thêm