Ký ức Tây Tiến kiêu hùng

Đã 66 năm kể từ ngày đoàn quân Tây Tiến anh dũng được thành lập vào mùa xuân năm 1947, lính Tây Tiến năm xưa nay đều đã ở tuổi tri thiên mệnh, người còn ở với đời, người đã về với đất. Ở trên đỉnh Mường Lát, chàng trai dân tộc Thái một thời dẫn đường cho bộ đội nay cũng đã ngoài 80 tuổi, nhưng ký ức về những ngày theo bước chân đoàn quân anh hùng và nỗi nhớ đồng đội vẫn còn hằn trong tâm trí. 

Đã 66 năm kể từ ngày đoàn quân Tây Tiến anh dũng được thành lập vào mùa xuân năm 1947, lính Tây Tiến năm xưa nay đều đã ở tuổi tri thiên mệnh, người còn ở với đời, người đã về với đất. Ở trên đỉnh Mường Lát, chàng trai dân tộc Thái một thời dẫn đường cho bộ đội nay cũng đã ngoài 80 tuổi, nhưng ký ức về những ngày theo bước chân đoàn quân anh hùng và nỗi nhớ đồng đội vẫn còn hằn trong tâm trí. 

Giao liên không biết chữ

Cụ Lương Văn Pém là người dân tộc Thái (trú tại xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa). Xuân Quý Tỵ này, cụ Pém bước sang tuổi 84 và tròn 62 năm tuổi Đảng, trí tuệ vẫn minh mẫn, da dẻ vẫn hồng hào. Dưới chân cầu thang của căn nhà sàn ở nơi cách Tp Thanh Hóa gần 300km, cụ Pém pha trà ân cần mời khách, câu chuyện dần trở về với hơn nửa thế kỷ trước. Qua lời kể của người du kích già, cảnh trời “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền thượng du phía Tây xứ Thanh lần lượt được tái hiện. 

Chân dung người giao liên của đoàn quân Tây Tiến
Chân dung người giao liên của đoàn quân Tây Tiến

Theo hướng tay cụ Pém, từ căn nhà sàn nhìn ra phía Tây Nam là núi Pom Chun Khún cao lừng lững. Chân núi có dòng suối Xim, nước vắt ngang uốn lượn theo các thung lũng bắt nguồn từ đất bạn Lào. Xưa kia, trên núi cây Lim, cây Lát to đến 2 – 3 người ôm, ken đặc thành rừng mênh mông, hổ nhiều vô kể. Có đêm đói ăn, hổ gầm rú xông cả đàn vào bản vồ lợn của đồng bào, trai tráng bản Xim phải đốt đuốc, gõ mõ thâu đêm xua đuổi bầy cọp trở lại rừng.

Năm 1947, chàng thanh niên lúc ấy mới 17 tuổi, “khỏe như con trâu mộng, nhanh như con sóc, thạo đường rừng như con dê núi”. Anh tham gia đội du kích Quang Chiểu, thường ngày vẫn dẫn bộ đội lội ven theo suối Xim sang Mường Chanh, rồi sang Lào; từ Xốp Hào, Xiềng Khộp, Hủa Phăn lại xuyên rừng men theo suối Lóng tìm đường cho bộ đội về Chiềng Nưa, bản Lát, Sài Khao, Trung Lý; mật phục tiêu diệt quân địch thuộc đồn bốt của thổ ty thực dân Pháp đóng rải rác trên miền biên giới.

Ngày đó, Trung đoàn Tây Tiến bí mật về Mường Lát. Khi gặp được bộ đội Tây Tiến, Pém lúc đó chưa biết chữ quốc ngữ, vẫn năng nổ tình nguyện làm giao liên cho bộ đội. Ban ngày, giặc đóng ở bản Tam Chung cho lính vác súng đi càn, lùng sục các bản cướp gạo ngô, lợn gà của dân, bắt con gái người Thái, giết du kích và truy quét bộ đội. Bộ đội Tây Tiến phải liên tục di chuyển bí mật trong rừng về hậu cứ làm công tác dân vận, tập hợp lực lượng. Chàng giao liên lúc đó như một “sợi dây liên lạc” truyền khẩu tin tức đến cán bộ ở các lán trại bí mật trong các cánh rừng nguyên sinh của Mường Lát.

Tại các lán trại, đêm đến anh trai làng được bộ đội dạy chữ, bồi dưỡng văn hóa. Cụ Pém nhớ lại, du kích dùng bút chì tập viết vào từng miếng gỗ, viết xong lại mài miếng gỗ thật nhẵn rồi viết lại. Học như thế được hơn hai tháng, người học bắt đầu viết thạo chữ quốc ngữ. Việc Pém biết đọc thông văn bản đã giúp ích lớn cho nhiệm vụ giao liên công văn, thư từ giữa Trung đoàn Tây Tiến với các đơn vị bộ đội đóng quân trên miền Tây biên giới Việt - Lào trải dài từ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An; thông tin giữ được bí mật, đến đúng cán bộ, đúng địa chỉ một cách an toàn, không bị địch phát hiện...

Nỗi nhớ đồng đội

Cầm tập văn bản được cất giữ cẩn thận trong nhà, cụ Lương Văn Pém cho biết đây chính là nguồn tư liệu đã được chắt lọc in thành tập sách “Tây Tiến” sau này. Cụ Pém vẫn còn lưu giữ bức thư động viên của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp gửi bộ đội Tây Tiến trước ngày Trung đoàn chuẩn bị thành lập. Trong thư có đoạn Đại tướng viết: “Các đồng chí thấy rõ nhiệm vụ bảo vệ biên cương phía Tây của chúng ta là quan trọng đến chừng nào. Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không thể để cho địch dễ dàng dẫm lên được…

Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng. Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí…”.

Đối với ông cụ người Thái, mỗi kỉ niệm của thời du kích đều là một niềm vinh dự mà ông còn ghi nhớ như in. Cụ Pém nhớ lại nhiệm vụ đầu tiên được tổ chức giao vào đầu xuân năm 1947, khi Trung đoàn Tây Tiến lên đường nhận nhiệm vụ. Ngày đó anh du kích được tổ chức giao ở lại Quang Chiểu vận động đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây tham gia Cách mạng.

Năm 1952 bộ đội lại hành quân lên Tây Tiến, ông không những tiếp tục tham gia du kích mà còn vận động được 22 thanh niên bản địa giác ngộ Cách mạng, đi theo bộ đội. Cuối năm đó, ông được giao nhiệm vụ làm Phó Công an xã liên tục trong nhiều năm liền, sau đó làm Chủ tịch xã và được đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số biên giới phía Tây Thanh Hóa ra Thủ đô Hà Nội dự mít tinh Quốc khánh. Hai năm sau, cụ Pém lại vinh dự được về Hà Nội dự Đại hội “Bảo vệ trị an toàn miền Bắc năm 1963 – 1964”.

Ông cụ phấn khởi kể lại: “Trong Hội nghị, Bác khen xã Quang Chiểu đoàn kết tốt. Một xã biên giới xa huyện, xa tỉnh, xa Trung ương, nhưng cán bộ một lòng theo Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số với bộ đội, với công an đoàn kết tốt giúp đỡ lẫn nhau. Bác vừa dứt lời, các đại biểu vỗ tay hoan hô rầm cả hội trường. Lúc đó, tôi phấn khởi đỏ cả mặt”.

Ông cụ đang say sưa kể chuyện về những năm tháng tham gia Cách mạng bỗng trầm ngâm. Những nếp nhăn trên gương mặt như xô lại, giọng nói khàn hơn vì xúc động, cụ Pém tâm sự: “Năm đó có xã 20 thanh niên tham gia Đội du kích Tây Tiến, chỉ còn người trẻ nhất là một cậu năm đó mới 14 tuổi là nay còn sống. Còn những du kích và bộ đội Tây Tiến mà tôi đã gặp phần lớn đều đã hi sinh chiến trường, hoặc mất vì bệnh tật. Những đồng đội còn sống thì Xuân Quý Tỵ này cũng đã gần 90 tuổi cả rồi…”.

Ông cụ chợt lặng thinh đưa ánh mắt mờ đục dõi về phía ngọn núi Pom Chun Khún bồi hồi nhớ về những người đồng đội một thời. Không gian yên ắng bỗng như văng vẳng những câu thơ kiêu hùng trong bài “Tây Tiến” của tác giả Quang Dũng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…”.

Lê Trọng Hùng

Đọc thêm