Ký ức về chuyến bay định mệnh và những ngày “sống chung” với tử thi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự việc xảy ra vào năm 1998, đó là chuyến bay số 815 trên chiếc máy bay Tupolev mang số hiệu Tu-134 của Vietnam Airlines thực hiện lịch trình bay từ thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay quốc tế Phnôm Pênh của Campuchia...
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Chuyến bay thảm họa và ba thi thể còn lại

Ngày 3/9/1997, chiếc máy bay đã bị rơi lúc đang hạ cánh, cách đầu đường băng 800m, làm 64 người bao gồm cả phi hành đoàn và hành khách trên máy bay thiệt mạng. Chiếc máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn.

Việc phát hiện các mảnh vỡ, bao gồm hộp đen đã bị cản trở vì thiếu hiểu biết vào lúc bấy giờ của dân chúng địa phương và chỉ duy nhất một hộp đen đã được trả lại cho những người điều tra. Qua thông tin chiếc hộp đen biết được nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đáng tiếc này là do lỗi của phi công.

Cụ thể, chiếc Tupolev tiến gần đến đường băng sân bay Pochentong từ độ cao 2.000 mét thì trời mưa to. Vào thời điểm này, vì gió mà trạm điều khiển yêu cầu phi công cố gắng hạ cánh từ phía tây. Tổ lái sau đó mất liên lạc với trạm điều khiển. Ba phút sau, chiếc máy bay va chạm với cây cối ở tầm thấp làm hư cánh trái. Chiếc máy bay trượt dài 180 mét vào một ruộng lúa khô nước trước khi nổ tung.

Lỗi phi công được xác định là nguyên nhân của vụ tai nạn khi phi công tiếp tục hạ độ cao từ 2.000 mét xuống 30 mét cho dù không nhìn thấy đường băng, bỏ qua lời yêu cầu quay trở lại của người phụ lái chuyến bay và bộ phận không lưu.

Trước khi máy bay đâm vào cây, người phi công mới nhận ra rằng đường băng không nằm trong tầm nhìn và cố gắng hủy bỏ hạ cánh hi vọng có thể bay lên, nhưng máy bay bị mất kiểm soát và liệng qua bên trái, động cơ ngừng hoạt động làm cho máy bay không thể để nâng lên được...

Theo thông tin báo cáo, trên chuyến bay này có nhiều nhóm du khách mang nhiều quốc tịch khác nhau và trong đó có Việt Nam. Sau khi máy bay gặp nạn, các quốc gia có hành khách mang quốc tịch nhanh chóng được thông báo và đến tiến hành giám định nhận thi thể đưa về nước.

Sau khi việc nhận thi thể đã hoàn tất thì vẫn còn lại 3 thi thể chưa được nhận diện. Nước bạn đã đề nghị đoàn Việt Nam hỗ trợ tìm rõ thông tin nạn nhân. Nhiệm vụ đặt ra là phải giám định ngay để trả lại đúng tên cho những thi hài này.

“Tai nạn máy bay thường gây ra nhiều tình trạng tử thi nhưng khó nhất là xử lý tử thi bị cháy. Cả ba tử thi mà đoàn Việt Nam được nhờ để nhận diện đều là những cái xác đã bị cháy đen, biến dạng nặng nề rất khó nhận dạng” – giám định viên Hồ Kim Châu – Viện Pháp y quốc gia người có mặt trong nhóm bác sỹ pháp y Việt Nam khi đó cho biết.

“Đưa” nạn nhân về với gia đình, quê hương

Đó là thành công của nhóm giám định viên Việt Nam, bởi họ đã làm được điều mà nhiều quốc gia khi đến nhận diện nạn nhân tại vụ tai nạn máy bay đã bó tay.

Giám định viên Hồ Kim Châu cho biết, trong 3 thi thể nhận về có đến 2 thi thể chỉ còn nửa thân dưới. Đã phàm làm nghề giám định viên pháp y thì chuyện phải “sống chung” với tử thi trong nhiều ngày để làm sáng tỏ các vấn đề còn khuất tất là điều rất bình thường, dù rằng người ngoài nhìn cảnh ấy không khỏi kinh sợ.

Sự việc xảy ra đã lâu nhưng khi kể lại giám định viên Hồ Kim Châu vẫn không khỏi xúc động. Ông nói khi nhận được công lệnh, cả nhóm đều lo âu vì thời ấy công nghệ xác định gen trong nước còn quá thiếu thốn, gần như chưa có gì. Tỷ lệ thành công không biết sẽ như thế nào thực sự là áp lực lớn đè nặng lên mỗi người trong nhóm.

Để thực hiện nhiệm vụ, nhóm giám định viên ngày ấy đã vận dụng hết các kiến thức chuyên môn để nhận định và áp dụng biện pháp loại trừ hòng có được kết quả nhanh nhất. Căn cứ vào những xác định ban đầu từ các dấu hiệu còn sót lại và một vài chi tiết khác đem đối chiếu với bảng danh sách hành khách, những kết luận đầu tiên đã được đưa ra.

Sau một ngày, giám định viên Hồ Kim Châu đã “trả” được tên cho người phụ nữ châu Á, quốc tịch Macao qua nhận dạng đặc điểm hộp sọ và khung xương. Đến ngày thứ hai, danh tính của cậu thiếu niên Hàn Quốc được ghi nhận qua độ dài của đoạn xương đùi đặc trưng của tuổi 13 – 15.

Đến đây, bằng phương pháp loại trừ, có thể kết luận thi hài cuối cùng theo danh sách nhưng với lương tâm nghề nghiệp, những người giám định viên đã quyết định không làm thế. Tử thi cuối cùng cháy đen và gần như không còn khả năng nhận dạng nên có lúc nhóm giám định viên đã gần như đi vào tuyệt vọng.

Nhưng đến phút cuối, dường như linh tính mách bảo, ông Châu tìm kiếm lại một lần nữa trong những mảnh vụn và phát hiện ra chiếc răng giả bằng sứ. Lần lại hồ sơ theo manh mối này cuối cùng tử thi đã được nhận dạng bởi lẽ “giống như vân tay, sơ đồ tiêu bản răng của mỗi người mỗi khác mà không hề giống nhau” – ông Châu lý giải. Thông tin xác nhận từ gia đình nạn nhân đã giúp nhóm bác sỹ pháp y Việt Nam thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình.

“Khi làm thủ tục để trao trả thi hài cho các nước bạn, chúng tôi ngoài sự xúc động vì trả lại được danh tính cho người đã mất mà còn có chút tự hào về khả năng giám định của nước nhà so với các nước trong khu vực nói chung” – ông Châu nhớ lại

Ngày 14/11/1992, máy bay Yak40 - A449, chuyến bay VN 474 của hàng không Việt Nam rơi tại vùng rừng nguyên sinh xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa. Sau hơn 8 ngày huy động cả ngàn người từ các ngành hàng không, quân đội, công an và chính quyền địa phương tìm kiếm mới thấy xác máy bay rơi.

Công tác giám định pháp y nhận dạng nạn nhân sau đó là một câu chuyện dài ít người biết. Khi máy bay bị nạn được tìm thấy, trong khoang hành khách, các ghế bị bật khỏi vị trí, đảo lộn, thành máy bay rách nát, văng tứ tung, đè lên các tử thi, nhiều tử thi vẫn không rời ghế dù ghế đã bật khỏi sàn máy bay bởi dây an toàn vẫn cài chặt. Hầu hết các tử thi không còn nguyên vẹn.

Trong công tác giám định pháp y để nhận dạng phải kết hợp đồng bộ giữa nhận dạng qua ảnh, vân tay, đặc điểm bên ngoài cơ thể (sẹo, dái tai, mũi, lông mày…); nhận dạng pháp y qua các răng, xương hàm - một đặc điểm rất riêng của mỗi con người; nhận dạng bằng hài cốt, mảnh cơ thể qua ADN, nhưng lúc này Việt Nam vẫn chưa phát triển công nghệ giám định AND nên nhiệm vụ đặt ra với các giám định viên rất nặng nề và không được phép sai sót để xác định chính xác danh tính từng nạn nhân để trả họ về đúng với gia đình, đất nước.

Các giám định viên đã trèo đèo, lội suối đến hiện trường, rồi sau đó là nhiều ngày làm việc cật lực tại hiện trường, dầm mưa trong không khí thâm u ngột ngạt tử khí, dùng đèn pin làm nguồn sáng để giám định, ngủ rừng, ăn mì tôm, cháo, rau rừng… Thế nên mới có câu chuyện cười ra nước mắt vẫn được giới pháp y kể với nhau rằng cái ngày mà bác sĩ pháp y Phạm Xuân Thông –Trung tâm Pháp y Khánh Hòa trở về nhà sau vụ giám định máy bay rơi ở huyện Khánh Sơn, vợ con ông đã bỏ chạy hết.

Theo lời ông kể, khi ông đến hiện trường đã các xác chết bắt đầu phân huỷ trương sình, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bên cạnh xác máy bay vỡ nát. Nhìn cảnh ấy, ai cũng sợ nhưng các bác sĩ pháp y quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ. “Hơn 3 ngày ăn ngủ với tử thi, đó là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên được. Sau hôm khám nghiệm về, vừa bước chân vào nhà, mọi người bịt mũi chạy tán loạn vì mùi của tử thi bám sâu trong quần áo, da thịt. Ba ngày sống với xác rồi sau đó tôi phải thêm 7 ngày ở nhà một mình để tắm đi tắm lại bằng đủ loại dầu thơm. Với một ông chồng như vậy, nếu người vợ không hiểu, không thông cảm thì khó có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra” - bác sĩ pháp y Phạm Xuân Thông cho biết.

Và cũng ít ai biết rằng trong những ngày ở sống cùng tử thi để giám định đó, do vụ tai nạn máy bay xảy ra ở trong rừng sâu, xa dân nên khi đoàn tiếp tế lương thực chưa lên kịp, các giám định viên vừa đói, vừa mệt, nước uống không có, lương thực cũng thiếu. Lúc mệt quá, mắt hoa lên, tay chân run lẩy bẩy họ đành phải nhấp tạm mấy hớp rượu tìm được trong đống vỡ nát của xác máy bay, ăn tạm mấy cái bánh ngọt mà vỏ ngoài vẫn còn vương máu nạn nhân để đỡ khát, đỡ đói để có sức làm tiếp…

Đọc thêm