Đó là chiếc áo len bà Dương Thúy Liên - phu nhân bác sĩ Lê Văn Chánh, người chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - đan tặng sau khi Người lên chiến khu Việt Bắc và chiếc khăn len do bà Marie Louise - phu nhân Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch - tặng. Xung quanh hai người phụ nữ đan len tặng Bác này cũng có nhiều chuyện để kể
"Ngôi sao may mắn đã chiếu vào tôi"
Bà Dương Thuý Liên tên thật là Thạch Thị Mai, con gái cụ Thạch Quang Tuấn, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Hùng Vương, một trường trung học nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Phú Thọ.
Ngày 23/9/1947, đúng ngày kỷ niệm hai năm Nam Bộ kháng chiến, tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Yên Luật, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ diễn ra lễ thành hôn giữa con gái cụ Thạch Quang Tuấn với con trai một người bạn của cụ từ ngày hai người còn ở Viên Chăn, Lào, trước năm 1945.
Con rể của cụ Tuấn là bác sĩ Lê Văn Chánh, quê Sài Gòn, nhưng theo cha mẹ sang Lào từ nhỏ, sau đó học và tốt nghiệp bác sĩ tại Hà Nội.Khi còn học đại học, ông Lê Văn Chánh đã tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước ở Hà Nội. Tháng 8/1945, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lê Văn Chánh gia nhập quân đội, làm bác sỹ quân y và tình nguyện sang mặt trận Lào chiến đấu.
Khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông được điều động về nước, công tác tại chiến khu Việt Bắc. Từ giữa năm 1947, ông được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giới thiệu làm nhiệm vụ đặc biệt chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau ngày cưới, Thạch Thị Mai, con gái vị Hiệu trưởng Trường Hùng Vương từ biệt cha mẹ, theo chồng đi kháng chiến. Dọc đường từ Hạ Hoà, qua Vũ Ẻn, Đoan Hùng, Phú Thọ vượt Đèo Khế sang Đại Từ, Thái Nguyên, vợ chồng bác sĩ Lê Văn Chánh được tin Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Bác sĩ được lệnh trở về đơn vị gấp, nên đành phải gửi vợ theo gia đình ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, theo giao liên chuyển sang đi đường vòng, tiếp tục lên Việt Bắc.
Đầu tháng 10/1947, lên đến Bản Mù, xã Thanh Định, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, bà Thạch Thị Mai được nhận làm văn thư của Tiểu đội IBT (mật danh của cơ quan Liên chi uỷ Đảng của Bộ Quốc phòng) do Đổng lý Văn phòng Bộ là Bế Văn Quý (bí danh của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) phụ trách.
Chiếc áo len bà Dương Thúy Liên tặng Bác Hồ |
Công tác ở IBT một thời gian ngắn, cuối năm 1948 sau một trận ốm, bà Mai được cơ quan cho nghỉ phép về thăm gia đình ở Phú Thọ.Tháng 3/1949, bác sĩ Chánh về Phú Thọ đón vợ trở lại chiến khu Việt Bắc. Dọc đường, bác sĩ mới cho vợ biết, lần này bà không về cơ quan cũ mà sẽ chuyển công tác đến cơ quan mới. Và để giữ bí mật, bà Thạch Thị Mai phải đổi tên thành Dương Thúy Liên.
Đến Thác Rẫng thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, bà Dương Thuý Liên mới biết mình được về công tác tại một cơ quan rất quan trọng, mang mật danh là Ban Kiểm tra 12. Đó chính là Văn phòng Thủ tướng phủ, cơ quan trực tiếp phục vụ Chính phủ, phục vụ Bác Hồ, Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ.
Đây là Chủ tịch phủ và Thủ tướng phủ thời kháng chiến. Từ đó cả hai vợ chồng bà đều có vinh dự lớn được phục vụ gần Bác Hồ. Kể với báo chí về giai đoạn này, bà Dương Thúy Liên gọi đó là "ngôi sao định mệnh may mắn đã chiếu vào tôi!".
“Bác trỏ tay cho chúng tôi thấy Bác đang choàng cái khăn quàng cổ má tôi đan”
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7 tháng 5 nǎm 1909, học Đại học Y Hà Nội từ nǎm 1928, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris nǎm 1934. Tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn từ thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3 nǎm 1945. Từ tháng 3/1945, là một thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền tháng 8 nǎm 1945.
Từ 27/8/1945 là Bộ trưởng Y tế đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủy viên ủy ban Nhân dân Nam Bộ, rồi lần lượt Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng, Thứ trưởng Y tế (1954-1958), từ 1958 là Bộ trưởng Y tế. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hy sinh trên chiến trường miền Nam ngày 7/11/1968.
Khăn len phu nhân Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tặng Bác Hồ |
Năm 1936, một vài tháng sau khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trở về Sài Gòn, bà Marie Louise - một y tá người Pháp làm việc nơi ông công tác trước đây - đã tìm đến Việt Nam và nhận lời kết hôn cùng ông.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, với mong muốn các con được sống trong hoàn cảnh thuận lợi hơn, bà Marie Louise cùng con gái là Colette Như Mai và con trai là Alain Phạm Ngọc Định đã trở về Pháp. Tháng 12/1968 sau khi bác sĩ Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch hy sinh ở chiến trường miền Nam, lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.
Hai người con của ông, Colette Như Mai và Alain Phạm Ngọc Định, đã thay mẹ về nước dự lễ truy điệu cha và mang theo trong hành trang của mình chiếc khăn len do bà Marie Louise đan tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng liên quan đến sự kiện chiếc khăn, con gái bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - bà Colette Như Mai - đã có những hồi ức cảm động về người cha anh hùng của mình: “Ba má tôi gặp nhau ở Hauteville tỉnh Ain, Pháp vào những năm 1934-1935.
Ba tôi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa về phổi và lao, làm việc ở bệnh viện điều trị lao, nơi mẹ tôi làm y tá. Rất nhanh chóng, họ cảm mến nhau, rồi yêu nhau thực sự. Nhưng ba nhất quyết phải về nước và có ý định mở phòng mạch ở Sài Gòn. Ba ngỏ ý muốn kết hôn với má nếu má đồng ý sang Việt Nam.
Song ba cũng thổ lộ: “Em phải hiểu cho anh là đối với anh, mục đích tối thượng là đất nước độc lập. Nếu em đồng ý như thế thì chúng ta sẽ kết hôn ở Sài Gòn”. Má tôi nhận lời, và năm 1936, bà đáp tàu thủy sang Việt Nam. Ba má tôi thành hôn ngày 27 tháng 1 năm 1937, mấy năm sau hai chị em tôi ra đời…
Tháng 7/1968, lá thư cuối cùng ba gửi cho tôi nghe như một lời từ biệt: “Ba đi chuyến này rất lâu. Con gái của ba hãy dũng cảm và xứng đáng”. Bốn tháng sau, ba mất tại Tây Ninh. Tháng 12/1968, lễ truy điệu trọng thể được tổ chức tại Hà Nội. Alain và tôi về dự, thay mặt cho cả gia đình. Trong nỗi đau, má không đủ sức đi.
Má đan một chiếc khăn quàng len tặng Bác Hồ. Đến Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là nhờ chuyển ngay món quà má tặng Bác. Ngày lễ tang, trông thấy chị em chúng tôi, Bác Hồ nước mắt rưng rưng, trỏ tay cho chúng tôi thấy Bác đang choàng cái khăn quàng cổ má tôi đan…”.