Kỳ vọng mới vào Luật Phòng, chống ma túy 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được đánh giá là khắc phục được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; các quy định đã bám sát thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như tính khả thi, góp phần giảm nguồn “cầu” ma túy.
Trung tá Hoàng Văn Hiều
Trung tá Hoàng Văn Hiều

Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã có cuộc trò chuyện với báo chí về những điểm mới của Luật và công tác triển khai, đưa Luật vào cuộc sống.

Phổ biến triển khai đến từng xã, phường

Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) 2021 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 tới đây. Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, chúng ta đã có những việc làm cụ thể như nào, thưa ông?

- Trong thời gian qua, để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, đi vào cuộc sống, Thủ tướng đã ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật PCMT gồm 3 Nghị định và 1 Thông tư.

Đến nay, Thủ tướng đã ký ban hành 3 Nghị định, đó là: Nghị định 105/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCMT (do Bộ Công an chủ trì xây dựng); Nghị định 109/2021/NĐ-CP ngày 8/12/2021 quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy (do Bộ Y tế chủ trì xây dựng); Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật PCMT, Luật Xử lý hành chính về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Bộ Y tế ban hành Thông tư 18/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy.

Ngày 22/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đến UBND cấp xã, triển khai thi hành Luật PCMT năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sau Hội nghị này, các bộ, ngành, UBND các cấp tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng Luật PCMT 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có thể sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0… qua đó giúp từng người dân biết luật, hiểu luật, thực hiện chấp hành đúng các quy định của pháp luật về PCMT.

Đối với Bộ Công an, ngay sau khi Luật PCMT 2021 được Quốc hội thông qua, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật trong toàn lực lượng CAND, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị cũng như công an các địa phương để có hình thức tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, chiến sỹ đảm bảo việc triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trách nhiệm quan trọng của Chủ tịch cấp xã

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật 2021 là đã quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, được cho là lấp lỗ hổng pháp lý bấy lâu nay trong công tác này. Ông có thể cho biết rõ hơn?

- Trong những năm qua, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến khá phức tạp. Trung bình hàng năm phát hiện khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến loạn thần, “ngáo đá” gây ra những vụ thảm án, gây bất an trong người dân.

Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng nên không đủ sức răn đe, ngoài ra, không có biện pháp quản lý nào khác.

Trước thực trạng trên, Luật 2021 đã có 1 chương riêng về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là biện pháp phòng ngừa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy, giúp những người này không tiếp tục vi phạm, góp phần hạn chế việc gia tăng người nghiện, giảm “nguồn cầu” về ma túy, cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ.

Việc quản lý thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Thời hạn quản lý là 1 năm kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch cấp xã. Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.

Cụ thể, Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương. Tổ quản lý sẽ do công an cấp xã làm tổ trưởng, kết hợp với người có uy tín trong dòng họ của người vi phạm.

Tổ quản lý sẽ phân công trực tiếp cho một người làm nhiệm vụ động viên, tuyên truyền, giáo dục để người vi phạm nhận thức ra tác hại của ma túy; đồng thời thực hiện giám sát để kịp thời phát hiện họ có tái phạm hay không. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường.

Quy định sát với thực tiễn và nhân văn

Trong thời gian bị quản lý 1 năm mà cơ quan chức năng phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn tái phạm thì xử lý ra sao?

- Trong thời gian bị quản lý, nếu người vi phạm tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa người đó đi xác định tình trạng nghiện.

Trường hợp kết luận là nghiện thì người đó sẽ phải thực hiện các biện pháp cai nghiện. Trường hợp không nghiện thì Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục ra quyết định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và thời hạn là 1 năm kể từ khi có quyết định mới.

Với người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 2 lần bị xử phạt hành chính và bị lập biên bản hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 6 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã quy định tại Luật Xử vi phạm hành chính.

Một vấn đề đáng quan tâm là tình trạng trẻ hóa người nghiện và công tác cai nghiện cho trẻ em. Vậy trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu phát hiện tình trạng nghiện thì sẽ cai nghiện thế nào?

- Theo thống kê, tính đến tháng 11/2021, toàn quốc có 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm và độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa.

Người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trước tiên là được khuyến khích cai nghiện tự nguyện (giống như các trường hợp trên 18 tuổi) được đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoăc tại cơ sở cai nghiện.

Nhóm người này sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Thời hạn cai nghiện bắt buộc cho đối tượng này là từ đủ 6 đến 12 tháng. Thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện và không bị coi là xử lý vi phạm hành chính.

Luật cũng quy định tại các cơ sở cai nghiện công lập, phải bố trí khu riêng cho người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, đảm bảo tốt nhất về quyền trẻ em trong quá trình cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Trong thời gian quản lý sau cai mà tái nghiện thì tiếp tục được cai nghiện tự nguyện.

Điều này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền trẻ em cũng như bảo vệ trẻ em khỏi ma túy.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm