Chữa “bệnh” bằng tục “ngủ thăm”
Ông Lô Quốc Hợi (SN 1952, quê huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho biết ông vào Tây Nguyên lập nghiệp từ lúc còn trai trẻ. Khi đó, vùng đất này còn hoang sơ, chưa có nhiều người đến ở. Điều kiện sống gặp không ít khó khăn nhưng ông vẫn tin rằng đây là nơi “đất lành, chim đậu”.
Cũng từ năm 1991 đến nay, nhiều hộ dân khác ở quê cũng theo chân ông vào đây khai hoang lập nghiệp. Khoảng tháng 3 năm 1995, chính quyền xã Ea Kuêh quyết định thành lập buôn Thái với 30 hộ dân.
Đến nay toàn buôn có tổng cộng 191 hộ dân, với 742 khẩu trong đó, có tới hơn 90% là người dân tộc Thái. Bởi vậy, buôn Thái còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như: Lễ hội mừng lúa mới, múa xòe, múa xạp… đặc biệt là tục “ngủ thăm”.
Tương truyền, từ xa xưa, có nhiều trường hợp khách đến “ngủ thăm” như: Người thân trong gia đình lâu ngày không gặp, quý mến nhau đến nhà trò chuyện và ngủ lại để thắt chặt tình cảm.
Cũng có khi người trong nhà đau ốm, những người thân ở xa đến thăm hỏi ngủ lại. Trường hợp này, chủ nhà có thể chọn ra người khỏe mạnh và mời họ ngủ lại. Sau đó, gia chủ sẽ giết gà (hoặc heo) tổ chức lễ “làm vía” (còn gọi là lễ cúng). Trong lễ này, người được chọn “ngủ thăm” sẽ tiến hành buộc sợi dây màu đen vào tay người bệnh. Thường thì phải cho tới khi nào người bệnh khỏe lại, người đến “ngủ thăm” mới ra về.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngân Hoài Lu, Phó chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho biết: “Ngủ thăm là một tập tục văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Bởi người Thái rất mến khách, mỗi khi có khách tới nhà, họ tiếp đón rất cẩn trọng. Trên giường khách ngủ bao giờ cũng là những đồ dùng mới. Trong trường hợp gia đình không có điều kiện, gia chủ sẽ nhường luôn chỗ ngủ của họ cho khách.
Đặc biệt vào mùa đông, gia chủ còn cử một người khỏe mạnh trong nhà lên giường nằm trước cho ấm, khi vị khách chuẩn bị đi ngủ thì người này sẽ được ra tín hiệu đi ra để nhường chỗ cho khách vào nằm”.
“Ngủ thăm” để thử thách tình cảm
Ngoài thể hiện tình cảm giữa anh em, bằng hữu, ngủ thăm còn được áp dụng để thử thách những người đang yêu nhau. Đôi trai gái có đến được với nhau hay không phải vượt qua thời gian “ngủ thăm”.
Tuy nhiên, theo quan niệm cũ, tục ngủ thăm chỉ được áp dụng trong trường hợp cặp đôi đó đã được hai bên gia đình đồng thuận cho tiến đến hôn nhân. Và chỉ được áp dụng sau khi nhà trai làm “đám cưới nhỏ” (gần như lễ ăn hỏi) với nhà gái.
Trong đám cưới nhỏ này, nhà trai sẽ phải chuẩn bị các sính lễ như: Hai con gà trống tơ (một trắng, một đỏ), năm chai rượu… để đặt lên bàn thờ gia tiên của nhà gái. Sau khi nhận lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ báo cáo lên tổ tiên việc con cháu trong nhà sắp thành gia thất, gia đình sắp có thêm thành viên mới, mong các cụ phù hộ cho đôi trẻ được ấm êm, hòa thuận, con cháu đầy nhà, thóc lúa đầy kho.
Tiếp đó, hai bên sẽ cùng nhau hẹn ngày lành tháng tốt, cho chàng trai đến “ngủ thăm” tại nhà gái. Được biết, sau đám cưới nhỏ, nếu hai bên không có điều kiện tổ chức lễ cưới, nhưng chỉ cần họ vượt qua được thời gian “ngủ thăm” thì đôi trai gái này sẽ danh chính ngôn thuận được mọi người coi như vợ chồng.
Ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo chỉ có tại buôn Thái |
Cũng từ ngày ra mắt tổ tiên, hai bên có thể đến nhà nhau chơi, giúp đỡ gia đình hai bên lao động, sinh hoạt như vợ chồng. Về tập tục này, các cụ xưa có câu “10 ngày bên gái, 20 ngày bên trai”. Thường thì người con trai phải qua nhà gái trước, hết 10 ngày thì hai người lại thu xếp qua nhà trai”.
Tục “ngủ thăm” chính là thời gian thử thách tình cảm của đôi trai gái. Đồng thời giúp hai bên có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về nhau, đồng thời tập thói quen cho hợp với lối sống gia đình đối phương.
Sau thời gian diễn ra tục ngủ thăm, nếu người nhà một trong hai bên cảm thấy không ưng “thành viên mới” có thể góp ý. Nhưng nếu đôi trai gái vẫn quyết định đến với nhau thì đa phần vẫn được chấp thuận. Còn trong trường hợp đối phương không vượt qua được thử thách, người còn lại có thể đổi ý. Có thể có nhiều lý do như nhận thấy tính tình người này không tốt, hai người không hợp nhau…
Nếu sau khi “ngủ thăm”, cô gái không lấy được người đó làm chồng thì danh dự của cô gái sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, khó lòng chọn được người con trai tiếp theo. Trên thực tế, những trường hợp “đứt gánh giữa đường” như vậy không phải hiếm. Thậm chí, có nhiều trường hợp cô gái đã mang bầu nhưng vẫn phải “chia đôi đoạn đường” với chàng trai.
Từ xa xưa, giữa nhà trai với nhà gái luôn có sự dẫn dắt, “đưa đường chỉ lối” của ông mai, bà mối. Những ông tơ, bà nguyệt này có vai trò làm cầu nối, thông tin liên lạc giữa hai họ. Đặc biệt, trong trường hợp giữa hai bên có trục trặc, thì người mai mối là những người đầu tiên phải đứng ra xem xét, giáo dục nhằm giải quyết mâu thuẫn.
Do đó, vai trò của hai vị này rất quan trọng, người đồng bào dân tộc Thái thường chọn những ông mai, bà mối “mát tay”, khéo léo để gửi gắm con cháu, tránh việc hôn nhân đổ vỡ.
Đừng “ngủ thăm” quá giới hạn
Thời gian “ngủ thăm” thường diễn ra trong vòng 1 năm. Qua đó, đôi trai gái có thể được gần gũi, hiểu rõ hơn về họ hàng hai bên, đồng thời thể hiện sự biết ơn công lao của các đấng sinh thành. Tuy nhiên, ở một bộ phận giới trẻ ngày nay đã lạm dụng điều đó, dẫn đến những biến tướng đáng buồn cho tục “ngủ thăm”.
Để hiểu rõ hơn về tục ngủ thăm của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi tìm đến gia đình ông Lương Hồng Tâm (SN 1948, ngụ buôn Thái, xã Ea Knuêh). Theo ông Tâm, ngủ thăm là một trong những tập tục độc đáo của cha ông để lại và cần được lưu giữ, tránh hiện tượng bị mai một.
Nhà nào có càng nhiều người đến ngủ thăm, càng thể hiện sự hiếu khách, cũng như sự ổn định, sung túc của gia chủ. Ngoài ra, đối với các đôi trai gái sắp cưới thì điều đó lại càng có ý nghĩa to lớn.
Tuy nhiên, ngày nay, tục ngủ thăm của đồng bào Thái dù còn được lưu giữ nhưng không còn nguyên vẹn như thời sơ khai. Đặc biệt trong một bộ phận giới trẻ. “Chúng tôi vẫn luôn khuyên con cháu không được đi quá giới hạn nhưng trên thực tế, không phải ai cũng nghe theo. Êm ấm thì không sao, nhưng lỡ có chuyện thì lại khổ cả đời. Từng có những trường hợp thanh niên ở nơi khác vào làng, lợi dụng tục ngủ thăm dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho người con gái rồi bỏ đi”, ông Tâm cho hay.
Còn bà Lương Thị An (SN 1949, vợ ông Tâm) tâm sự: “Ngày trước, khi cưới chồng, tôi cũng từng trải qua tục ngủ thăm. Nhưng ở cái thời ấy, phải đến sau khi báo cáo gia tiên, tôi mới dám đến nhà chồng. Sau khi cưới, tôi mới dám ngủ chung. Thời gian ngủ thăm, tôi ngủ với các cô, chị, em gái nhà chồng để trò chuyện, tâm sự. Lớp trẻ bây giờ tư tưởng có phần thoáng hơn nên đa phần “ngủ thật” luôn, thậm chí là từ trước khi cưới. Tôi không cho rằng quan điểm của mình là đúng hoàn toàn nhưng cũng không đồng tình với cách cư xử vội vàng, thái quá của một bộ phận lớp trẻ ngày nay”.
Mặc dù đã ngoài tuổi 60 mươi, nhưng ông Tâm và bà An vẫn luôn chung sống hòa thuận, yêu thương, trân trọng nhau như thủa ban đầu. Tạm biệt ngôi nhà nhỏ của ông bà, tôi thầm chúc ông bà luôn khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc bên nhau mãi như thế để gìn giữ, truyền lại những tinh hoa, nét độc đáo của đồng bào dân tộc Thái cho thế hệ sau.