Lá thư 'thiêng' của Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị

(PLVN) - Ước nguyện cuối của người chiến sĩ ấy gửi cho người vợ yêu thương là “Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về…”

“Biết trước ngày mình hi sinh nhưng vẫn tiến thì đó là một lòng yêu nước nồng nàn”- đó là cảm nhận của một cư dân mạng khi tình cờ đọc được lá thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trước ngày diễn ra một trận đánh trong chiến dịch Mùa hè đỏ lửa năm (1972 – 1973). 

Ký ức về mùa hè đỏ lửa 1972

Gần 50 năm qua, những người lính một thời của chiến trường Quảng Trị vẫn không thôi suy nghĩ về đồng đội, về chiến trường, về những người anh em đã nằm xuống hóa thân vào đất mẹ bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa. 

Quá khứ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng đã lùi vào dĩ vãng, nhưng kí ức về những năm tháng ấy vẫn còn âm vang mãi. Lúc những chàng trai trẻ xách hành trang đi chống giặc Mỹ thì họ đã biết rằng bom đạn đã tàn phá gần hết Quảng Trị. Giữa mưa bom bão đạn chỉ còn lại hoài bão của tuổi trẻ, chỉ còn lại niềm tin hi vọng một chiến thắng vẻ vang ở tương lai và rồi bằng lòng quyết tâm, sự dũng cảm tất cả cùng tiến lên không màng đến tính mạng.

Di ảnh Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh 

Bao nhiêu đau thương sợ hãi đều biến mất, bây giờ chỉ còn lòng yêu nước đang cháy bừng. Cựu chiến binh Nguyễn Viết Nội - nguyên chiến sĩ bảo vệ thành công Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 chia sẻ: ''Bấy giờ giống như cối xay thịt vì bom đạn nó đánh liên tục, mặt đất rung lên bần bật cả một thị xã Quảng Trị rất đẹp đẽ nhưng sau một trận đánh nhau nó tàn sát đến mức độ không còn một viên gạch nguyên vẹn.''

Đây là giai đoạn khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống Mỹ - Ngụy, tuổi thanh xuân của người người gắn liền với máu lửa, mất mát, đau thương.Nhưng những người lính anh hùng vẫn giữ vững niềm hi vọng, tự nhủ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành lấy độc lập tự do cho đất nước và có thể quay về với gia đình.

Bức thư "thiêng" dự cảm trước mất mát, hy sinh 

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm 4, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo tiếng gọi Tổ quốc, anh Lê Văn Huỳnh đã tạm biệt giảng đường, tạm biệt mẹ, người vợ trẻ và quê hương để lên đường vào Nam chiến đấu. Bức thư được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm.

Qua thời gian, Trung tâm Bảo tồn Di tích & Danh thắng tỉnh Quảng Trị đã tiến hành phục chế, sao bản lại bức thư như nguyên bản và tổ chức hành hương về quê hương Kiến Xương (Thái Bình) để trao tặng lại cho gia đình.

Bức thư dự cảm về sự hy sinh của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh 

Câu chuyện về bức thư tiên đoán trước được sự hi sinh của mình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã được nhiều tờ báo đề cập và khen ngợi cho một lòng dũng cảm bất khuất, nhưng bức thư ấy không chỉ nói đến tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng mà nó đã tái hiện lại một thế hệ quên đi cái tôi riêng của mình, đặt nhiệm vụ lên trên cả sự sống mình.

“Quảng Trị, ngày 11/9/1972

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.

Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…

Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh….

Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm.Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh…

Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này…

Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.”

Nếu hỏi bất kì người chiến sĩ nào xông pha nơi trận tiền rằng đâu là điều họ mong ước nhất thì đó là điều dành cho gia đình họ, cho quê hương và cho tương lai phía trước không phải điều dành cho họ. Trong một chốt thường có tổ tam ba người, họ luôn nhắc đồng đội mình rằng: “Nếu không may tôi có hi sinh, thì anh về nói với gia đình tôi rằng tôi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không bỏ trận địa”.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã dự cảm trước về sự hi sinh của mình, anh thậm chí đã bình tĩnh ngồi viết lại những lời cuối dành cho gia đình mình. Mở đầu với hai từ Quảng Trị thân thương, anh có lẽ đã tự hào lắm về đồng đội, về nơi mình sinh ra, dù rằng bom đạn đã tàn phá nơi này, Quảng Trị lúc này chỉ bao quanh bởi máu và lửa nhưng anh tin chắc Quảng Trị lúc anh đã nằm xuống vẫn sẽ là Quảng Trị nhưng là một nơi bình yên, trù phú và hòa bình.

“Đi nghiên cứu trong lòng đất” - một câu đùa vui chắc mọi người đều sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Anh không nhấn mạnh về cái chết của mình, anh cũng không kể những chiến công của mình nơi chiến trường, toàn bộ phần còn lại của bức thư anh cầu mong cho gia đình mình sống thật hạnh phúc trong hòa bình sắp đến. Đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, người anh lo lắng đầu tiên chính là người mẹ của mình. Công lao cha mẹ sao có thể đền đáp khi đất nước cần sức thanh niên, công ơn dưỡng dục sao có thể trả khi hòa bình vẫn chưa được lên tiếng.

Anh hiểu mẹ, anh biết mẹ buồn nhiều, anh biết nỗi đau khi anh mất sẽ không thể xóa nhòa bởi thời gian vì chính nỗi buồn lớn nhất của anh đó là không thể tiếp tục làm con của mẹ, thứ tình cảm thiêng liêng ấy dường như vượt quá mọi giới hạn của con người. Đó không phải là cảm giác, đó không phải là nhiệm vụ nữa nhưng đó là máu thịt, anh là một phần xuất phát mẹ và mẹ là tất cả trong tâm hồn anh. Chắc có lẽ chính lúc này anh đã không còn cảm giác an toàn nữa vì chính mẹ là tấm khiên che chở tinh thần anh nơi chiến trường, là động lực cho sự dũng cảm, nhưng bây giờ anh đã làm mẹ buồn. Tổ quốc mai sau đã có công con một phần, mẹ đừng buồn nữa vì con vẫn ở đây ngay bên cạnh mẹ, cầu mong mẹ khỏe mạnh đến trăm tuổi.

Sau chữ Hiếu chính là chữ Tình, người vợ anh yêu thương, anh mong được gặp lại để ôm để an ủi và tự hào nói rằng chúng ta đã thắng rồi, anh đã thắng rồi, Việt Nam đã thắng rồi. Những bức thứ từ vợ là niềm an ủi lớn cho anh, lo lắng cho nỗi buồn và sự cô đơn của vợ, “tiến thêm bước” là điều anh muốn vợ làm để được sự chăm lo, để vẫn tiếp tục hạnh phúc.

Trong cả bức thư không hề có từ “hi sinh”, anh xem cái chết của mình như một sự tự nhiên, một điều sẽ xảy ra vì tương lai đất nước và cho một Việt Nam độc lập như ngày hôm nay. Những người lính trẻ năm ấy cũng thế, họ sẵn sàng dùng xương máu mình để đổi lấy điều quí giá hơn cho người khác, họ biết mình sẽ hi sinh nhưng vẫn tiến vào trận tiền, thì thật đó là một sự dũng cảm. Một tâm thếbất khuất sẵn sàng hy sinh vì quê hương dân tộc.

Chiến tranh mang đến cho những người trẻ thời ấy sự dũng cảm và để cho những người trẻ thời nay sự hòa bình, một Việt Nam có thể tự do sáng tạo, một Việt Nam rất hiện đại và hội nhập. Tự hỏi nếu người trẻ thời nay liệu có được sự dũng cảm ấy, liệu có được sức cam chịu và niềm tự tôn dân tộc đến thế, xin trả lời rằng có vì dòng máu một Việt Nam hào hùng, kiên cường, anh dũng vẫn đang chảy trong mỗi người, ông cha đi trước như một nhịp cầu dẫn đến sự hòa bình, người trẻ thời nay tiếp tục dựng xây đất nước đến với sự hiện đại và tiên tiến. Mỗi thời kì, mỗi thế hệ đều có những mục tiêu riêng nhưng chung quy lại đều hướng đên một Việt Nam tươi đẹp, phồn vinh.

Đọc thêm