Lại tiếp tục “thảm họa” tu sửa di tích

(PLVN) - Sau nhiều “thảm họa” tu sửa di tích, mới đây một ngôi đình cổ đã trở thành “nạn nhân” tiếp theo khiến dư luận bất bình.
Chiếc cổng mới “lệch tông” với kiến trúc di tích cổ.

Tu bổ hay tu sửa?

Đình Tây Đằng là một trong những ngôi đình cổ của Việt Nam, nằm ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, được xây dựng vào khoảng 500 năm trước. Năm 2013, đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cổng đình được thay mới với lý do cổng cũ bằng sắt đã hoen gỉ, gãy bản lề.

Tuy nhiên, dư luận bất bình khi cổng cũ của ngôi đình cổ lại được thay bằng cổng sắt sơn màu vàng với thiết kế đậm nét châu Âu. Bên trên cột cổng đình lại treo 2 lồng đèn sắt không phù hợp kiến trúc đình cổ.

Không chỉ chiếc cổng “lệch tông”, nhóm những người yêu mến kiến trúc cổ đình làng Việt còn phát hiện một bộ kèo “nhái” của đình Tây Đằng, nằm ngay không gian chính của đình. Đình Tây Đằng có không gian rất hẹp với 3 gian 2 chái, trong khi đó, bộ vì “nhái” này chiếm mất 1 chái của đình.

Quan sát và so sánh, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, thành viên nhóm đình làng Việt cho rằng: “Kỹ thuật chạm khắc của bộ vì “nhái” này rất kém về kỹ thuật chạm khắc, đường nét thô lậu kém sự tinh tế so với bộ vì “chuẩn” hiện trên nóc đình. Không những vậy, người thợ thế kỷ 21 lại sáng tác thêm các chi tiết mà mảng chạm thế kỷ 16 không có.

Nếu không được hướng dẫn, khách thăm có thể tưởng nhầm đây chính là bộ vì từ thời Mạc. Do vị trí thuận lợi, vừa tầm mắt, họ có thể quay phim, chụp ảnh rồi phổ biến nhầm tinh hoa của đình”, ông Bình lo ngại.

Trước đó, tháng 8/2018, việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trở thành đề tài “nóng” trong dư luận. Đình Lương Xá là công trình được xây dựng từ thế kỷ 17 với những mảng chạm tuyệt đẹp được xem như đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ đã bị phá đi để xây một công trình kiến trúc bê tông mới toanh.

Sự việc gây ngạc nhiên và bức xúc trong dư luận. Xã Liên Bạt bị cho là không thực hiện được các yêu cầu đối với trùng tu, tôn tạo một di tích như báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân về tu bổ di tích tham gia khảo sát đánh giá, xác định nguồn vốn tu bổ.

Tương tự, Di tích quốc gia chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng có tên trong số các di tích bị xâm hại với danh nghĩa trùng tu. Trụ trì chùa Bối Khê đã cho đập hai cổng ngách hai bên gác chuông của chùa để xây dựng mới trái phép. Điều lạ là trụ sở UBND xã nằm đối diện ngôi chùa. Và chính Ban quản lý dự án của huyện Thanh Oai thực hiện lát gạch (không phép) cho nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn mà người dân so sánh "như công viên".

Dư luận cũng từng bàng hoàng, xót xa trước hàng loạt di tích hàng trăm năm tuổi bị xâm hại. Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) ngót ngàn năm tuổi bị nhà chùa tự ý dỡ nhà tổ và gác khánh để xây mới khi chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Hay ở đình cổ Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội), đơn vị thi công tu bổ di tích đã khiến các mảng chạm cổ kính bỗng biến mất, thay vào đó là những mảng chạm lạ lẫm. Hoặc chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội), những mái ngói cổ bị đơn vị thi công vứt bỏ ngổn ngang vỡ nát, tự bổ sung các hạng mục mới. Đình Yên Phụ (Hà Nội) hạ giải toàn bộ cột gỗ thay bằng cột bê tông. Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) sau khi trùng tu giống hệt "cái lò gạch"…

Xử lý lấy lệ?

Giải quyết các vụ tôn tạo chùa “chui”, phá hủy di tích không phải là điều dễ dàng. Một thực tế gây khó hiểu là hầu hết các vụ tôn tạo chùa “chui” đều chỉ được chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương “phát hiện” khi chùa cổ đã bị hạ giải, phá hỏng các kiến trúc cổ… Khi chủ đầu tư bị “tuýt còi”, công trình bị đình chỉ là ngôi chùa cổ kính chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang. 

GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống từng chia sẻ: “Những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Cần nhắc lại, đây là tu bổ chứ không phải tu sửa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình.

Điều này dẫn tới “thảm họa” trùng tu. Nhận thức về di sản của một số người chưa đến nơi đến chốn, nên họ coi các kiến trúc cổ là “mỏ vàng” để kiếm lợi, ngang nhiên phá hủy di tích cổ. Thật đau lòng!”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình: “Tôi bàng hoàng, thậm chí không thể tin vào mắt mình khi thấy đình Lương Xá bị hạ giải và tu bổ một cách bừa bãi và không tuân theo bất cứ quy định nào về bảo vệ di sản.

Đáng tiếc hơn nữa, việc trùng tu sai, trùng tu ẩu, cùng việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đã từng có nhiều ví dụ điển hình, diễn ra muôn hình vạn trạng, không có vụ việc nào giống vụ việc nào và luôn trở thành “sự đã rồi” cuối cùng chỉ có di sản mất đi và không có ai phải chịu trách nhiệm cả”.

Điều buồn và bức xúc hơn là việc xử lý các vụ vi phạm di tích này gần như “hòa cả làng”. Sau sai phạm bê tông hóa ngôi đình 300 tuổi ở Lương Xá, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt và cán bộ văn hóa xã cũng chỉ bị kỷ luật bằng hình thức... khiển trách.

Trước việc “bức tử” di tích, cách đây 5 năm, Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được Chính phủ ban hành.
Trong đó, về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích, Nghị định nêu rõ, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên,  sau 5 năm, Nghị định 61/2016/NĐ-CP dường như chưa đi vào đời sống.
Nhiều vụ việc xâm hại di tích với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn, khiến dư luận bất bình.

Đọc thêm