Làm báo - khi vinh quang phải đánh đổi bằng tính mạng

(PLVN) - Để có được bản tin hay, độc cũng như giữ được sự độc lập của ngòi bút, nhà báo không chỉ phải thức khuya, dậy sớm, sẵn sàng đi tác nghiệp bất cứ lúc nào mà nhiều khi còn phải đánh đổi cả tính mạng của bản thân.
Hình ảnh nhà báo Jamal Khashoggi do phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố

Ngày 19/6 vừa qua, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc Agnes Callamard đã công bố chi tiết bản báo cáo độc lập đầu tiên về cái chết của nhà báo người Ả rập Xê-út Jamal Khashoggi. Ông Khashoggi đã thiệt mạng sau khi bước vào Lãnh sự quán Ả rập Xê-út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chiều 2/10/2018.

Ban đầu, Ả rập Xê-út khẳng định nhà báo này đã khỏe mạnh rời khỏi tòa nhà lãnh sự trước khi biến mất nhưng về sau phải thừa nhận ông đã chết do một vụ ẩu đả. Song, bản kết luận điều tra của Liên Hợp quốc cho rằng vụ sát hại đã được lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện bởi các quan chức làm việc trên danh nghĩa nhà nước Ả rập Xê-út. 

Theo luật pháp quốc tế, điều đó có nghĩa Hoàng gia Ả rập Xê-út mà đứng đầu là Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Bản báo cáo nêu rõ, kế hoạch sát hại nhà báo Khashoggi được đưa ra từ ngày 28/9/2018, là ngày ông này tới tòa lãnh sự của Ả rập Xê-út ở Thổ Nhĩ Kỳ xin xác nhận tình trạng độc thân để kết hôn với vị hôn thê. Tại cuộc gặp này, ông Khashoggi đã hẹn với nhân viên lãnh sự sẽ quay lại lấy giấy xác nhận vào ngày 2/10/2018.

Ngày 1/10/2018 - một ngày trước khi ông Khashoggi bị sát hại, giới chức Ả rập Xê-út trong tòa lãnh sự đã thảo luận về kế hoạch thủ tiêu ông này. Ngày 2/10, ông Khashoggi bị đánh thuốc mê và làm ngạt thở bằng túi nilon. Vẫn theo kết luận điều tra của Liên Hợp quốc, giới chức Ả rập Xê-út đã thảo luận về kế hoạch phân hủy xác ông Khashoggi. Điều này được thể hiện ở một đoạn băng ghi âm mà báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc đã được nghe.

Là một nhà báo kỳ cựu, ông Khashoggi làm việc cho nhiều cơ quan báo chí ở Ả rập Xê-út. Ông từng có mặt ở nhiều điểm nóng trên thế giới, 3 lần phỏng vấn thủ lĩnh tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qeada Osama bin Laden. Sau khi Ả rập Xê-út có sự thay đổi về quyền lực, ông Khashoggi trở thành cây viết mạnh mẽ phản đối các chính sách của Hoàng gia Ả rập Xê-út, đặc biệt là những biện pháp hạn chế tự do báo chí và các vấn đề liên quan đến nhân quyền. Năm 2018, vì nhiều lý do, trong đó có việc lo ngại tính mạng bị đe dọa, ông Khashoggi di cư sang Mỹ, làm việc cho tờ Washington Post. 

Vụ sát hại dã man nhà báo nói trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nói chung và giới báo chí, truyền thông nói chung. Nó cũng phần nào cho thấy những hiểm nguy mà các nhà báo phải đối mặt. Không chỉ phải đối mặt với bom đạn nơi chiến trường, tử vong khi đưa tin biểu tình…, ở một số nơi trên thế giới, việc nhà báo bị hành hung, bắt cóc hay giết hại xảy ra không phải là điều hiếm gặp.

Ủy ban bảo vệ các nhà báo trong một báo cáo được cho biết, năm 2018, số nhà báo thiệt mạng trong quá trình chiến đấu hay do đạn lạc trên khắp thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, còn 11 người.

Tuy nhiên, ngược với xu thế này, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 14/12/2018, trong số 53 nhà báo thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp có ít nhất 34 trường hợp là các vụ giết người để trả thù. Theo báo cáo này, số lượng nhà báo bị nhắm mục tiêu sát hại để trả thù vì những bài viết của họ trong năm 2018 đã tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.

Còn theo Tổ chức phóng viên không biên giới, kể từ đầu năm 2019 đến nay đã có 17 nhà báo bị sát hại, 174 nhà báo bị tống giam trong quá trình tác nghiệp. Thống kê của Ủy ban bảo vệ nhà báo cho biết, trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2018, tổng cộng đã có 1.290 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp. 58 người khác đã mất tích trong cùng thời gian. 

Từ kinh nghiệm 21 năm làm báo, nhà báo Shafqat Ali ở Pakistan đúc rút ra rằng có những lằn ranh mà chính phủ, các đảng phái chính trị, các nhóm tôn giáo và các tổ chức vạch ra mà nếu nhà báo vượt qua sẽ nhận được cảnh cáo ngay lập tức. “Mỗi khi bước ra khỏi nhà, chào tạm biệt người thân để đi làm, tôi vẫn luôn cảm thấy trĩu nặng lo âu”,  Ali kể và cho biết thêm rằng gia đình đã nhiều lần khuyên anh bỏ nghề để tìm kiếm một nghề khác phù hợp hơn. 

Tuy nhiên, sứ mệnh của nhà báo là đưa tin đầy đủ, khách quan và trung thực tới cộng đồng nên bất chấp hiểm nguy, hàng triệu nhà báo ở khắp nơi trên thế giới vẫn đang chấp nhận đương đầu với những thử thách để xông pha trên khắp các “mặt trận”, từ chiến trường gian nan cho tới những ngóc ngách khác của đời sống chính trị - xã hội. Họ chắc chắn đôi khi không tránh khỏi khỏi sợ hãi nhưng vẫn luôn tin vào công lý, sự vinh quang mà nghề nghiệp của họ được trao cho để đi đến cùng của sự thật. 

Đọc thêm