Làm cha mẹ - “nghề” cần học!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước khi làm cha mẹ, chúng ta cũng từng là trẻ con, từng bức xúc khi có những khúc mắc với cha mẹ của mình và giờ chúng ta lại gặp phải vấn đề đó với chính con mình. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự lắng nghe của bố mẹ mình…
Đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự lắng nghe của bố mẹ mình. Ảnh minh họa

Đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự lắng nghe của bố mẹ mình. Ảnh minh họa

Cha mẹ quên mất mình cũng từng là trẻ con

“Ba mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em, em muốn học nghề nhưng cha mẹ lại muốn em học đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi nhưng không khả quan. Em chưa có giải pháp gì” (em nam ở Đắk Lắk); “Khi con đã cố gắng rồi mà điểm vẫn không được như mong muốn của bố mẹ, có cách nào để bố mẹ không đặt áp lực không ạ?” (em nam ở Hải Phòng); “Em mong bố mẹ không ép con trong học tập, thay vào bố mẹ nên lắng nghe và giúp con sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với con” (em nữ ở Lào Cai)…

Những câu nói này hẳn là rất quen và nhất là trong thời gian gần đây khi nó được xới xáo bằng hai vụ học sinh tự tử vì áp lực học hành làm xã hội bàng hoàng, xót xa. Ý kiến của những đứa trẻ trên đây được ghi nhận tại chuỗi hội thảo năm 2021 để chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam tại 7 tỉnh, thành phố. Nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình rằng các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí…

Có một thực tế thường thấy các bậc mẹ thường lấy lý do “vì con” và “cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con” để ngụy biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Nếu như chính những cha mẹ đó nhớ lại hồi mình còn trẻ, thì hẳn họ sẽ nhớ ra rằng khi đó họ cũng đã từng rất mong muốn được cha mẹ hiểu mình và bản thân họ hồi bé cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập với cha mẹ, có ước mơ và có những định hướng riêng cần được tôn trọng.

Nhưng tiếc rằng không nhiều cha mẹ nhớ lại được điều đó, họ mới chỉ dừng lại ở việc chăm con, cho con ăn uống đầy đủ, tạo điều kiện tối đa cho con học hành, mà quên mất đi sâu, đi sát, trở thành người bạn để hiểu được mong muốn, diễn biến tình cảm, về tâm lý, đạo đức của con. Thế nên, mới có tư duy “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ.

Từ suy nghĩ đó đứa trẻ sẽ bị đem con so sánh hay định khuôn mẫu con khiến trẻ bị “phủ nhận bản thân”, tức là nghĩ bản thân của hiện tại không có giá trị, dẫn đến những hậu quả tất yếu về tâm lý và tinh thần. Thông qua nghiên cứu một số trường hợp trẻ em có dấu hiệu sang chấn tâm lý, dấu hiệu dẫn đến hành vi mong muốn hoặc đã xảy ra như tự sát, tự tử thì có thể thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã bị đứt gãy.

Cha mẹ cần học hỏi, thực hành mỗi ngày

Còn nhớ, trong một buổi tọa đàm về vấn đề làm cha mẹ, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL đã từng có câu đúc kết: “Việc làm cha mẹ giống như thả diều, nếu giữ quá chặt thì diều không thể bay lên, nhưng nếu thả tay ra thì diều sẽ bay đi mất. Giữ từng nào, thả ra sao chính là điều mà cha mẹ cần học hỏi và thực hành mỗi ngày, đặc biệt là khi có mâu thuẫn xảy ra”.

Chính vì thế “phụ huynh phải học cách làm cha mẹ để dạy trẻ em” là một thực tế cần chấp nhận và đó cũng là quan điểm của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH trong trao đổi với truyền thông mới đây. Theo ông Đặng Hoa Nam, phụ huynh, cha mẹ có có vị trí, vai trò chăm sóc và bảo vệ con mà không ai thay thế được. Đầu tiên, cha mẹ là người gần gũi con nhất, hiểu con nhất. Cha mẹ phải là người mà trẻ em sẵn sàng chia sẻ những tâm tư tình cảm, biến động trong suy nghĩ, tình cảm, cuộc sống hằng ngày, chứ đừng để đến khi đọc được thư tuyệt mệnh của con thì lúc đó là sự ăn năn muộn màng.

“Các bậc cha mẹ, ngoài việc học cách chăm con về mặt dinh dưỡng, sức khỏe thì phải học làm cha mẹ. Không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay. Để học làm cha mẹ, các phụ huynh có thể chọn lọc những thông tin trên mạng (website của những cơ quan uy tín, các trang fanpage, kênh youtube mà mình cho là hữu ích); mua sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn; thông qua các khóa học; trải nghiệm cuộc sống hằng ngày tiếp xúc với con.

Cho nên, trước khi cha mẹ đổ lỗi cho việc áp lực học tập quá nặng nề từ phía ngành Giáo dục chậm giảm tải thì các phụ huynh phải học làm cha mẹ trước. Cha mẹ tự cứu con mình trước khi trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài đang thay đổi, tất nhiên nếu có sự hỗ trợ của các dịch vụ thì rất tốt và lý tưởng. Đó là câu chuyện mà các bậc cha mẹ phòng ngừa sớm được để hiểu con hơn, để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình của mình” – theo ông Nam.

Đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, giáo dục các kiến thức làm cha mẹ

Trong việc dạy phụ huynh làm cha mẹ, các cơ quan chức năng cũng đóng vai trò quan trọng. Từ góc độ Vụ Gia đình, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng cho biết, để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em… Bên cạnh đó, Vụ cũng phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em và làm cha mẹ.

“Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em được lên tiếng về những ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng - bình đẳng - yêu thương. Chúng tôi cũng đang mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc để cha mẹ có thể tham khảo đồng hành cùng con khôn lớn một cách hiệu quả” – ông Khuất Văn Quý cho biết.

Còn theo ông Đặng Hoa Nam, về phía các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, giáo dục các kiến thức làm cha mẹ, đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ con về mặt tâm lý, tình cảm. Qua đó giúp cha mẹ nắm bắt tâm lý, tình cảm của con, nhu cầu của con một cách tích cực hơn, sớm hơn, để giảm thiểu những vụ việc tự sát, tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, để không phải ân hận, nuối tiếc khi sự việc xảy ra.

Đọc thêm