Thực trạng này cũng đã cho thấy phần nào sự lúng túng của cha mẹ trong giáo dục con cái. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là các người mẹ cần được trang bị kiến thức về cách làm cha mẹ, cách giáo dục con. Bản thân cha mẹ cần hiểu được trẻ em có bao nhiều quyền, hay trẻ cần có sự phát triển lành mạnh như thế nào, hiểu được những vấn đề này thì cha mẹ mới nuôi dạy con hiệu quả.
Khảo sát gần đây của tổ chức Plan International và Hội LHPN Việt Nam tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, đa số cha mẹ tham gia khảo sát có mong muốn được hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ (56,1% người mẹ và 68,6% người cha). Nhu cầu về nội dung giáo dục làm cha mẹ cũng khá đa dạng, cho thấy rất cần quan tâm xây dựng và triển khai nội dung chương trình giáo dục làm cha mẹ. Đa số cha mẹ đều mong muốn được cung cấp, hỗ trợ các kiến thức và hướng dẫn thực hành cách chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục con phát triển, đáp ứng theo yêu cầu độ tuổi của trẻ; quan tâm cung cấp thông tin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, cung cấp thông tin sớm cho thanh niên trước khi bước vào hôn nhân. Đồng thời, mong muốn được hướng dẫn các thực hành tốt trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phù hợp với bối cảnh văn hóa, điều kiện thực tế ở gia đình địa phương.
Từ tháng 11/2019, TW Hội LHPN Việt Nam đã có hội thảo tham vấn dự thảo chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ giai đoạn 2020-2030, với sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, chuyên giao liên quan đến lĩnh vực giáo dục làm cha mẹ, công tác trẻ em. Theo đó, tất cả cha mẹ đều có cơ hội học tập để làm một người cha mẹ tốt. Cần thiết phải có Chương trình quốc gia giáo dục làm cha mẹ đã được nhiều cơ quan đề xuất và đặt ra.
Một số chỉ tiêu cụ thể Chương trình xác định như phấn đấu ít nhất 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp được tiếp cận các nguồn thông tin giáo dục làm cha mẹ; 50% cha mẹ, người chăm sóc được tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, bảo vệ trẻ, định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ; 50% nam nữ trong độ tuổi kết hôn được tập huấn kiến thức về giáo dục tiền hôn nhân/giáo dục làm cha mẹ...
Mỗi xã ít nhất có 1 tình nguyện viên hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại cộng đồng; Mỗi xã phường rà soát, xây dựng ít nhất 1 mô hình/dịch vụ hiệu quả về giáo dục làm cha mẹ (nhóm cha mẹ, CLB mẹ - con nuôi dạy con tốt, điểm tư vấn về giáo dục làm cha mẹ...); Hàng năm, các địa phương tổ chức đánh giá, chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm, củng cố chất lượng, quy mô các mô hình tại cơ sở…
Tuy vậy đã gần hai năm trôi qua, nhưng Chương trình vẫn “án binh bất động” chưa thể triển khai vì nhiều lý do. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều bậc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc, dạy bảo con khiến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đối diện sự phát triển không toàn diện, thì việc xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ… là vô cùng cấp thiết, cần được sự vào cuộc sớm của các cơ quan có trách nhiệm.