“Thần dược” nhan sắc?
Được biết đến như một “tiên dược” cải lão hoàn đồng, dược phẩm tiêm botox được khai thác tối đa trong vấn đề làm thon gọn khuôn mặt, góc hàm và tăng khả năng hấp dẫn của tổng thể khuôn mặt. Thời gian thực hiện chỉ mất khoảng 20 phút, không cần chế độ chăm sóc đặc biệt, người làm đẹp có thể trở về sinh hoạt bình thường vì vùng da điều trị rất khó nhận biết.
Thoạt đầu, botox được dùng để trị chứng căng cơ hoặc sử dụng trong các cuộc phẫu thuật nhằm làm tê liệt các cơ bắp tránh co giật. Tác dụng chính của botox là làm yếu phần cơ ở mặt dưới da. Dù đã có mặt từ lâu nhưng phải đến 10 năm trở lại đây, botox mới được nhắc đến nhiều trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Botox được ưa chuộng bởi sử dụng không quá phức tạp, ít tác dụng phụ lại ít gây đau đớn (nếu biết dùng đúng liều lượng).
Botox đạt hiệu quả tốt sau khi tiêm từ 7 - 10 ngày khiến nhiều người nhầm lẫn tác dụng thực sự của botox. Thực tế, botox chỉ có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa tạm thời để duy trì sự tươi trẻ. Nó làm thả lỏng các cơ trong một thời gian nhất định chứ không làm biến mất các nếp nhăn và làm quá trình co cơ không diễn ra trong thời gian tiêm.
Sau 4 - 6 tháng hoặc lâu nhất là 1 năm, gương mặt lại xuất hiện các nếp nhăn như cũ và đôi khi các nếp nhăn xuất hiện lại lớn hơn trước nhiều lần: “Bơm botox là phải làm hoài, cứ 6 tháng phải tiêm lại, tiêm tới già thì thôi, ngưng thì sẽ chảy xệ ra, còn xấu hơn trước khi tiêm” - Cô H. (45 tuổi, Cầu Giấy) chia sẻ. Cô cũng cho biết đó là cách khắc phục duy nhất và đợt trị liệu sau kéo dài hơn đợt trị liệu trước. Việc này dễ dẫn đến tâm lý “nghiện” tiêm botox để bảo trì sắc đẹp, ngăn chặn tiến trình lão hóa.
|
Một phụ nữ đang tiêm để nâng mũi. |
Gần như trái ngược với botox, dược phẩm tiêm filler nói riêng và các chất làm đầy khác nói chung không làm tê liệt và tác động trực tiếp vào hệ thống mô cơ tự nhiên mà lại là hợp chất tiêm riêng biệt nhằm làm đầy khu vực muốn tác động để làm đẹp.
Theo thông tin từ một viện thẩm mỹ tại Quần Ngựa - Ba Đình, các chất làm đầy có tác dụng trẻ hóa làn da và nâng mô vùng mặt. Chúng được đưa vào cơ thể bằng những mũi kim siêu nhỏ để xóa nhăn vùng trán, đuôi mắt, khóe miệng; tác động nâng mũi bằng cách làm đầy, làm thẳng sống mũi, làm nở cánh mũi hay tạo hình cằm, nâng ngực, tạo đường cong như độn mông...
Hiện, có 3 loại filler thường được dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ: Chất làm đầy vĩnh viễn (chính là silicon dạng lỏng có tác dụng vĩnh viễn và thường dễ dể lại di chứng trên cơ thể con người - hiện nay đã bị cấm); chất làm đầy không vĩnh viễn (có tuổi thọ kéo dài từ 4 - 18 tháng) và chất làm đầy bán vĩnh viễn (sự kết hợp giữa collagen và chất làm đầy vĩnh viễn).
Với những lời quảng cáo hào nhoáng: không phẫu thuật, không đau đớn, không chảy máu, không biến chứng... đã làm bùi tai các người đẹp, họ tiến hành làm cao sống mũi, bơm mông, độn cằm... bằng các chất làm đầy không vĩnh viễn đang rất phổ biến ở các thẩm mỹ viện và trung tâm làm đẹp. Tất cả các dạng chất làm đầy này có tác dụng trẻ hóa làn da và nâng mô vùng mặt, đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm).
Vì vậy, nếu ngưng sử dụng sẽ hình thành nếp nhăn nhiều hơn vì cấu trúc da đã bị thay đổi, mất độ đàn hồi, quá trình lão hóa tự nhiên của tế bào phát triển mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, làm đẹp cấp tốc bằng chất làm đầy sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nó cho đến lúc già.
Không thể đánh lừa thời gian
Nếu phẫu thuật thẩm mỹ cần chi phí khá cao lại tiềm ẩn các nguy cơ có thể gặp như nhiễm khuẩn vết mổ, sẹo xấu... đôi khi cần phải phẫu thuật lại thì trước ưu điểm của việc làm đẹp nhờ thủ thuật là hiệu quả nhanh, ít rủi ro với chi phí bỏ ra chừng 10 triệu đồng khiến việc chọn lựa phương pháp này được rỉ tai nhau nhanh chóng. Theo tìm hiểu, về cơ bản, botox hay các chất làm đầy vẫn là những loại hóa chất có chứa độc tố mạnh. Do đó, nó chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng với liều lượng hợp lý, độ sâu và vị trí tiêm chính xác.
Trong khi đó, ngay cả ở những nước tiên tiến nhất, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác liều lượng thực tế đối với từng loại da mặt. Thêm vào đó, ở mỗi cơ địa khác nhau lại đòi hỏi việc xác định vị trí tiêm khá phức tạp và tay nghề của bác sĩ thẩm mỹ phải rất cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo rằng, về lâu dài, thẩm mỹ bằng phương pháp tiêm sẽ trở nên miễn dịch với các dược phẩm đó bởi lẽ khi tiêm quá liều, hệ thống miễn dịch của một số người sẽ tự tạo ra kháng thể kháng lại.
Với botox, chỉ cần vượt quá liều lượng và tiêm sai vị trí có thể dẫn tới nguy cơ bị méo miệng, xếch mắt, sụp mí mắt, sụp chân mày, thậm chí rối loạn thị giác. Tiêm quá liều sẽ khiến các cơ mặt bị đơ, trông như hình nộm. Do tác dụng chính của botox là làm yếu phần cơ dưới da, việc lạm dụng botox để làm giãn nếp nhăn trên khuôn mặt lâu dần sẽ khiến cho búi cơ bị tê liệt. Còn đối với các nếp nhăn tồn tại thường trực trên khuôn mặt ngay cả khi không cười, không nhăn nhó hay cau mày thì botox không thể nào xóa đi được.
|
Ảnh trước và sau khi tiêm chất làm đầy để độn cằm V line. |
Tương tự như botox, việc sử dụng chất làm đầy cũng như một “con dao hai lưỡi”, khi sử dụng phương pháp này cũng cần phải tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định nếu không muốn gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tiêm chất làm đầy có thể gây ra những hậu quả khó lường trong các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tự miễn, dị ứng hoặc nhạy cảm với thành phần của chất, nhiễm trùng do viêm, phụ nữ có thai và cho con bú. Sau khi được tiêm vào cơ thể, tác dụng của chất làm đầy cũng không kéo dài vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng và khi đã sử dụng sẽ phải tiêm định kỳ mỗi năm 1 - 2 lần nếu không muốn ngoại hình bị biến dạng.
Khi ngừng dùng, da có thể còn bị lão hóa nhanh hơn do có tác động hóa học khiến cấu trúc da thay đổi và việc quá lạm dụng trong một thời gian dài sẽ dẫn đến rất nhiều hiểm họa. Một số biến chứng khi sử dụng chất làm đầy như di chuyển sang vị trí khác, nhiễm trùng, phản ứng viêm (thường gặp với các chất làm đầy vĩnh viễn) hay biến chứng nặng có thể gây hoại tử da do tiêm chất làm đầy vào trong mạch máu.
Người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng có nước da vàng, khuôn mặt trái xoan tròn phúc hậu và chiếc mũi tẹt ngộ nghĩnh thì nay tất cả những nét đặc trưng đó mải miết thay đổi thành làn da trắng phoóc - đôi khi trông như ủ xanh ốm bệnh cùng khuôn mặt với chiếc cằm, chiếc mũi nhỏ dài nhọn hoắt có phần chẳng ra sao. Khi ở thời đại mà ra đường trông ai cũng giống ai, chẳng có nét đặc trưng riêng mới thấy thời của thẩm mỹ đang lên cao đến mức nào.
Thẩm mỹ để khắc phục những khiếm khuyết hay những vẻ đẹp được cho là chưa hoàn hảo không phải là xấu nhưng lạm dụng thẩm mỹ, đặc biệt là những phương thức “ăn xổi” thì cần phải nhắc kĩ càng.