Tuy nhiên, như Báo PLVN đã phản ánh, xung quanh vụ án này còn nhiều vấn đề cần làm rõ khi dư luận đang nghi ngờ về các dấu hiệu oan sai.
Cố “buộc án, gán tội”?
Như Báo PLVN đã phản ánh, việc ông Lê Hải Nhị, bà Đinh Thị Quỳnh Dao và ông Nguyễn Quyết Thắng - nguyên là cán bộ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng bị TAND huyện Cát Tiên tuyên phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đều khẳng định bản án của TAND huyện Cát Tiên đối với họ có nhiều dấu hiệu oan sai, nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Trong quá trình điều tra vụ án gần 2 năm, ngay các cơ quan liên quan điều tra đều đã không đồng tình với việc truy cứu trách nhiệm hình sự các thành viên Ban GPMB. Cụ thể ngày 14/4/2012, Công an huyện Cát Tiên đã có Báo cáo số 382/BCCAH về kết quả điều tra, xác minh công tác thống kê, tính toán bồi thường trái pháp luật cho hộ ông Cảnh xác định: trong quá trình kiểm tra hiện trường thu hồi đất đợt 1, hiện trường bị xáo trộn, thay đổi. Một số khu vực bị đốt cháy, san ủi không còn hiện trường để điều tra xác minh, do vậy không có căn cứ tính giá trị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ Ban GPMB gây ra.
Ngày 24/4/2012, Công an huyện Cát Tiên tiếp tục có Báo cáo số 427/BC-CAH do Trung tá Hoàng Hoa Cầm – Phó Trưởng Công an huyện Cát Tiên ký gửi Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, xác định số cây chênh lệch tổng cộng là 300 cây với số tiền thiệt hại hơn 77 triệu đồng, không đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đáng nói, ngay tại buổi làm việc ngày 7/9/2012 với Thanh tra huyện Cát Tiên, ông Đỗ Đức Thu, Viện trưởng VKSND huyện Cát Tiên xác định: “Kết quả làm việc của Thanh tra và Công an huyện chưa đủ yếu tố, cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án”. “Trong quá trình điều tra, Thanh tra và CQĐT đã tính ra tới 6 kết quả thiệt hại khác nhau, lúc 553 triệu đồng, hơn 192 triệu đồng, hơn 618 triệu đồng, hơn 77 triệu đồng, hơn 559 triệu đồng và hơn 395 triệu đồng? Phải chăng cơ quan tố tụng huyện Cát Tiên đang cố “buộc án, gán tội” cho chúng tôi”, ông Nhị cho biết.
Không chứng minh được thiệt hại, thu thập thiếu chứng cứ
Liên quan đến vụ án này, LS. Vũ Văn Biển (bào chữa cho bị cáo Thắng) và LS. Huỳnh Tho (bào chữa cho bị cáo Giao) - Đoàn LS tỉnh Lâm Đồng phân tích: Trong vụ án này các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cát Tiên đã hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính.
Theo hợp đồng kinh tế đã ký giữa Ban GPMB với Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Cát Tiên (Trung tâm QL&KT) thì công việc Ban GPMB phải thực hiện là lập phương án đền bù, GPMB, khi phương án được UBND huyện Cát Tiên duyệt là hoàn tất hợp đồng. Nếu phương án không được UBND huyện Cát Tiên duyệt thì Ban GPMB vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng kinh tế đã ký, chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Các bên trong hợp đồng nếu có tranh chấp thì sẽ khởi kiện thành vụ án kinh tế.
Mặt khác, khi UBND huyện Cát Tiên ban hành Quyết định số 400/QĐ – UBND ngày 26/12/2011 phê duyệt phương án mà Ban GPMB đã xây dựng và căn cứ vào quyết định này, chủ đầu tư (Trung tâm QL&KT) đã chi tiền đền bù cho hộ ông Cảnh. Như vậy, số tiền đền bù này hiện nay hộ ông Cảnh đang giữ, nếu có căn cứ cho rằng việc đền bù cho hộ ông Cảnh là sai thì UBND huyện Cát Tiên là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh Quyết định số 400/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 để thu hồi số tiền mà các cơ quan cho rằng bị thất thoát về cho ngân sách nhà nước từ hộ ông Cảnh.
Điểm mấu chốt trong vụ án này chính là việc CQĐT đã không chứng minh được thiệt hại, việc thu thập chứng cứ không được đầy đủ và thiếu chính xác.
Trong vụ án, việc xác định định lượng về thiệt hại hậu quả là dấu hiệu bắt buộc phải chứng minh do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, nhưng theo văn bản có giá trị pháp lý để xác định giá trị thiệt hại xảy ra là các Biên bản kiểm tra hiện trường từ ngày 22 đến 24/2/2012 được sử dụng làm chứng cứ xác định thiệt hại trong vụ án này đều thể hiện hiện trường bị xáo trộn, một số cây trên hiện trường đã bị chặt hạ, bị đốt cháy, một số vị trí hiện trường đã bị san ủi...
Mặt khác, thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường không có chứng kiến của kiểm sát viên là vi phạm nghiêm trọng Điều 150 BLTTHS, do đó không thể sử dụng các biên bản kiểm tra hiện trường này để xác định giá trị thiệt hại vì không có giá trị pháp lý chứng minh trong vụ án. Việc sử dụng các biên bản này để làm chứng cứ buộc tội các bị cáo hoàn toàn không có căn cứ.
Một thiếu sót nghiêm trọng nữa là trong quá trình kiểm tra hiện trường đã không có mặt của người sử dụng đất là ông Lê Quang Cảnh nên việc xác định ranh giới, vị trí chính xác của hiện trường không đảm bảo, CQĐT đã vi phạm khoản 4 Điều 143 BLTTHS quy định về thủ tục phải có mặt đương sự cần thiết liên quan khi khám nghiệm hiện trường vụ án.
Do hiện trường không còn nguyên vẹn (bị đốt, chặt hạ, san ủi trắng), không thể đo đếm được số lượng cây Dó Bầu trên diện tích giải tỏa nên phần chênh lệch giữa Ban GPMB và CQĐT xác minh là 1.533 cây, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 395 triệu đồng. Để xử lý số liệu tính ra số lượng cây Dó Bầu đã trồng, CQĐT đã áp dụng phương pháp mật độ bình quân của số cây còn sót lại tại hiện trường để áp đặt lên phần đã bị san ủi trắng là hết sức mâu thuẫn khi chính CQĐT kết luận việc Ban GPMB áp dụng phương pháp này là trái pháp luật, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cát Tiên lại sử dụng chính phương pháp này để vận dụng buộc tội các bị cáo.
Do đó, “Từ các dẫn chứng trên, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, LS Vũ Văn Biển nhận định.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này.