Chiếu đèn 7 màu trồng cần sa
Ngày 28/10, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an phường 9 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bất ngờ kiểm tra căn hộ trên đường Nguyễn Du (phường 9). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện bên trong nhà vệ sinh căn hộ có nhiều chậu trồng cần sa.
Căn hộ này do ông Đ.H.S. thuê rồi cho thuê lại. Tại thời điểm kiểm tra, căn hộ có ba người đang sinh sống, gồm: Huỳnh Thanh Tiến (27 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), Trần Nhật Vy (22 tuổi, ngụ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và một người đàn ông quốc tịch Italia.
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong nhà vệ sinh có 8 chậu cây cần sa cao từ 50cm - 150cm và 4 chậu cây cần sa nhỏ. Ngoài ra, trong nhà vệ sinh này có hệ thống đèn chiếu sáng nhiều màu sắc.
Trong phòng ngủ của Tiến và Vy, lực lượng công an còn phát hiện 123 chiếc hộp rỗng, bên ngoài có dán hình vẽ hoa cây cần sa; hai cân tiểu ly và hàng trăm dụng cụ để sử dụng ma túy. Vy khai đã mua các mặt hàng này về bán lại để kiếm lời.
Làm việc với cơ quan điều tra, Tiến khai nhận đã mua 12 hạt cần sa ở TP HCM về trồng hơn hai tháng nay; riêng 2 hộp đựng hoa cần sa cất giấu trong phòng ngủ thì mua ở đường Bùi Viện (TP HCM). Tiến cho biết, hệ thống đèn chiếu sáng trong nhà vệ sinh có công dụng giúp cây cần sa phát triển nhanh.
Các đối tượng Huỳnh Thanh Tiến và Trần Nhật Vy. |
Riêng người đàn ông quốc tịch Italia, Tiến khai người này là bạn của mình và được Tiến cho một ít cần sa để cùng sử dụng. Qua kiểm tra nhanh, cả Tiến và Vy đều dương tính với ma túy.
Thượng tá Lương Đình Chức - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, hệ thống đèn mà các đối tượng sử dụng là đèn led 7 màu chiếu sáng, kích thích sự tăng trưởng của cây. Hành vi nghiêm trọng trong vụ án này không phải chỉ số lượng cây cần sa, mà nguy hiểm, phức tạp chính ở chỗ các đối tượng tàng trữ, mua bán hàng trăm dụng cụ để sản xuất, sử dụng ma túy trái phép với đủ loại kiểu dáng, mẫu mã.
Hiện, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ để khởi tố các đối tượng về tội: “Trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” theo Điều 247 và tội: “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 17/3 vừa qua, lực lượng công an cũng phát hiện một đối tượng trồng cần sa trong vườn nhà, sau đó mua máy móc về chế biến, phân loại và đóng gói, chất đống trong nhà.
Theo đó, vào khoảng 22h ngày 17/3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với lực lượng công an địa phương tiến hành kiểm tra và bắt quả tang Lê Duy Khánh (34 tuổi, ngụ thôn Mỹ Hà, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) đang cất giấu tại nhà nhiều túi nilon và những túi màu bạc, bên trong có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa.
Một số tang vật lực lượng chức năng thu giữ tại nơi ở của Tiến và Vy. |
Tang vật lực lượng công an thu giữ, gồm: 10 túi nilon, 75 túi bạc (kích thước 20 x 30cm, hàn kín 2 đầu, dán nhãn Vương Bảo), 78 túi giấy bạc không có nhãn mác, tất cả được cất giấu trong thùng giấy, kiểm tra bên trong đều có chứa thân, cành, lá thực vật khô, nghi là cần sa; hàng trăm ống giấy cuốn chứa bột nghi cần sa; một túi đựng hạt màu xanh, nghi hạt cần sa.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ một máy hàn màu xanh để hàn miệng túi bạc, một cân điện tử màu xám, một máy nghiền không rõ chủng loại, một máy sấy, một thùng gỗ bên trong có chứa các chất bột màu xanh, một thùng xốp bên trong có chứa các chất bột nhiều màu, máy ảnh, điện thoại và nhiều vật dụng liên quan khác.
Tại cơ quan điều tra, Khánh khai nhận toàn bộ số tang vật là cần sa do Khánh trồng tại vườn nhà ở thôn Mỹ Hà từ tháng 8 đến 11/2019 thì thu hoạch. Sau đó, đối tượng này chế biến, chia vào các túi nilon và túi màu bạc, mục đích để sử dụng. Quá trình chế biến, Khánh mua một số máy móc về sấy khô cần sa, hàn miệng túi màu bạc chứa cần sa, còn túi nilon thì cột lại. Ngoài ra, đối tượng này còn xay nhỏ cần sa thành bột mịn, bỏ vào trong các ống giấy cuốn cất giấu.
Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe
Thời gian gần đây, giới trẻ có xu hướng đua nhau sử dụng cần sa. Dưới cái mác là “thảo mộc” nhưng thực chất, cần sa là một loại ma túy nằm trong danh mục cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng.
Trước tình trạng một số đối tượng tự trồng và rao bán cần sa mà cơ quan chức năng đã phát hiện được trong thời gian vừa qua cho thấy, cần sa đang trở nên khá phổ biến trong giới trẻ. Đáng lo ngại là nguồn cung cấp cần sa rất có thể từ những đối tượng trồng cần sa nhỏ lẻ như nêu trên.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy là phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
Còn điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” thì những đối tượng đã được giáo dục hai lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; đối tượng trồng với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm.
Tại Khoản 4 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định, người nào phạm tội nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu đối tượng trồng cần sa nhưng phát hiện thấy có thể bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, chủ động tiêu hủy trước thời điểm đó cũng không bị xử lý hình sự. Nếu không có chế tài xử lý mạnh các đối tượng trồng cần sa, kể cả những đối tượng trồng với quy mô nhỏ thì sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Cần sa là một loại ma túy nguy hiểm, gây nghiện, nằm trong danh mục cấm của Nhà nước. Từ cần sa có thể biến tướng thành kẹo mút cần sa, socola trộn cần sa, kẹo cao su chứa cần sa, hoặc lọc tinh dầu từ cần sa để trộn với bia, rượu.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng tự ý trồng cần sa tại nhà, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường nhiều biện pháp để truyền thông cho người dân biết, hiểu, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc trồng cây cần sa. Đặc biệt, tuyên truyền sâu rộng đến giới trẻ về hiểm họa khôn lường khi sử dụng cần sa.