Hơn nửa triệu LĐTE tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc
Ngày 4/1/2021, ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch thị xã Sapa cho hay, trung bình mỗi năm, thị xã Sapa đón hơn 3 triệu du khách và tình trạng một số trẻ em đi lang thang, đeo bám khách bán hàng rong ở thị xã diễn ra lâu nay. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp song chưa giải quyết dứt điểm, khiến cho hình ảnh khu du lịch Sapa xấu đi trong mắt du khách.
“Gần đây, giữa thời tiết 3 độ C, các cháu bé phải đi bán hàng. Người lớn dùng trẻ em để đánh vào lòng trắc ẩn của du khách, nhìn rất đáng thương. Chúng tôi đã thông qua các tổ chức đoàn thể để vận động phụ huynh. Tuy nhiên, sau một thời gian dài vẫn không có chuyển biến” – ông Quốc trao đổi với truyền thông và cho hay từ thực tế đó, thị xã quyết định giao Phòng Văn hóa thông tin soạn nội dung kêu gọi và chuyển cho các tổ tuần tra phát thanh trên xe lưu để vận động du khách.
Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Trên địa bàn thị xã Sapa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em… Mỗi du khách chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế không cho tiền và không mua hàng. Bởi con chim còn biết cõng mồi về mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương...”.
Cầm mirco nói và kêu gọi du khách hành động để bảo vệ quyền trẻ em, ông Trần Văn Thơ - cán bộ đội tuyên truyền cho truyền thông biết rất buồn trước tình trạng trên địa bàn thị xã Sapa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ bị ép đi ăn xin và bán hàng.
Có thể nói, cách tuyên truyền cùng bài kêu gọi với ngôn từ mạnh mẽ của chính quyền thị xã Sapa không chỉ thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mà còn cho thấy một bức tranh thực tế về lao động trẻ em (LĐTE) ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả cuộc điều tra do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được công bố ngày 18/12/2020 cho thấy LĐTE tại Việt Nam tuy thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, nhưng vẫn có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là LĐTE.
Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Cụ thể là có gần 520.000 LĐTE tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, là những công việc có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ.
Cuộc điều tra cũng cho thấy đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, 84% LĐTE tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. LĐTE làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng.
Số giờ làm việc của LĐTE làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần. Khoảng 40,5% LĐTE là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.
Ngoài những nguy cơ về sức khỏe và sự an toàn của trẻ, cuộc điều tra đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tham gia các hoạt động kinh tế đến việc đi học của trẻ. Khi mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của các em càng tăng thì tỉ lệ trẻ được đến trường càng giảm. So sánh với tỉ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4% thì chỉ có một nửa số LĐTE được đi học, con số này trong nhóm LĐTE làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm còn thấp hơn, chỉ có 38,6%.
Kêu gọi, tuyên truyền chưa đủ!
Cũng theo kết quả điều tra thì số liệu cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể. “So sánh với kết quả Điều tra quốc gia về LĐTE lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018” - bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết. Số liệu điều tra cũng cho thấy có xu hướng tiến triển tích cực trong tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường là 63%, so với con số này năm 2012 chỉ là 43,6%.
“Tuy kết quả của cuộc điều tra cho thấy những tín hiệu tiến triển tích cực từ năm 2012 đến năm 2018, LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế, xã hội” – bà Hà bày tỏ lo ngại.
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng LĐTE như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội. Đồng thời, do hậu quả tàn phá của các trận lũ lụt miền Trung gần đây, nguy cơ các gia đình bị ảnh hưởng phải đối mặt với gánh nặng kép của cả đại dịch lẫn thảm họa thiên nhiên.
Quay lại với câu chuyện ở Sappa, trước việc làm của chính quyền thị xã để giải quyết tình trạng LĐTE, cũng có một số ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của cách làm trên, đặc biệt là có một bộ phận trẻ em vừa đi học vừa tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền thì cũng cần kết hợp thêm nhiều giải pháp khác nhằm giải quyết tận gốc và căn bản nhất là sinh kế của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, theo quan điểm của ILO thì các quốc gia trong đó có Việt Nam cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp LĐTE. Những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ LĐTE dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện.
2021 là Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em
Để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ LĐTE, khẩn cấp hơn bao giờ hết, Đại hội đồng LHQ đã chọn năm 2021 là Năm quốc tế về xóa bỏ LĐTE. Để có thể vượt qua những thách thức và thực hiện vai trò là quốc gia tiên phong, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 và Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021 - 2030.
“LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu” - TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh.