Rắc rối ly thân
Dư luận không ít lần bắt gặp những người nổi tiếng có mối quan hệ tình cảm “ngoài vợ ngoài chồng” trong thời gian ly thân. Ly thân dường như trở thành một “tấm khiên” cho những người đang trong hôn nhân những vướng phải những rắc rối từ quan hệ “ngoài luồng”.
Những sự việc này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận, rằng vợ chồng có thể có mối quan hệ tình cảm riêng trong thời gian ly thân hay không, và nếu có thì có vi phạm pháp luật gì hay không?
Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn LS TPHCM, ly thân vốn không phải là một khái niệm có trong quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình. Pháp luật hiện hành không có quy định nào về điều kiện ly thân hay thủ tục ly thân.
Ly thân thường là do các cặp vợ chồng tự thoả thuận với nhau khi xảy ra các mâu thuẫn trong hôn nhân. Khi lựa chọn ly thân, vợ chồng có thể sống riêng hoặc có thể vẫn tiếp tục sống với nhau dưới một mái nhà như trước.
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quan hệ hôn nhân chỉ được coi là chấm dứt khi có bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc điểm vợ hoặc chồng chết (hoặc được toà tuyên án là đã chết).
Ly thân chỉ là thoả thuận riêng của vợ chồng, vì vậy không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng, vợ chồng vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật. Trong đó, chung thuỷ, một vợ một chồng là một trong những nghĩa vụ của những người đang trong một cuộc hôn nhân. Việc “mượn cớ” ly thân để duy trì mối quan hệ tình cảm khác ngoài hôn nhân, sống chung với người khác như vợ chồng là hành vi có nguy cơ hoặc đã vi phạm pháp luật.
Phép thử của hôn nhân
Ly thân, một giai đoạn đặc biệt trong hôn nhân vốn có ý nghĩa hoàn toàn khác, đó là “bước đệm” trong một cuộc hôn nhân. Đó là giải pháp thường được nhiều đôi vợ chồng lựa chọn khi hôn nhân đang gặp trục trặc, mâu thuẫn. Bằng cách xác định ly thân, hai người bạn đời “lui” lại một bước để có thời gian mà tỉnh táo và thấu đáo nhìn lại cuộc hôn nhân đang tồn tại những bất ổn của mình. Để rồi, từ “khoảng lặng” giữa cuộc hôn nhân mà nỗ lực giải quyết những rắc rối, mâu thuẫn ấy, rồi mới đi đến quyết định sẽ tiếp tục chung sống bên nhau hay “đường ai nấy đi”.
Thực tế, cũng đã có không ít cặp vợ chồng quyết định ly hôn sau thời gian dài ly thân. Nhưng cũng có phần đông quyết định hoà giải, quay lại, nắm tay nhau cùng đi tiếp trên chặng đường đời.
Năm 2019, anh Nguyễn Cao Đạt và chị Ngô Thị Thanh Hương (ngụ quận 3, TPHCM). Sau khi lấy nhau, sinh con gái đầu lòng được 4 tuổi thì cả hai vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, cảm thấy không hợp và khó sống chung với nhau. Vì còn nuối tiếc tình cảm trước kia, cộng với con gái còn nhỏ tuổi, cả hai quyết định tạm thời ly thân một năm để “xem xét lại”.
Trong thời gian này, chị Hương đưa con về nhà bố mẹ sống. Sau một thời gian, nhớ con, anh Đạt vẫn thường xuyên qua lại thăm con, rồi từ việc cùng nhau đưa con đi chơi, cùng có mối quan tâm chung về sức khoẻ, sự phát triển của con, hai vợ chồng tìm thấy được điểm kết nối, hoá giải mâu thuẫn và quyết định quay về sống với nhau. Đến nay, họ đã sinh bé thứ hai và sống hạnh phúc.
Rõ ràng, ly thân mang nhiều ý nghĩa, mục đích tốt đẹp, có thể góp phần hàn gắn hôn nhân, cứu vãn lại hạnh phúc gia đình. Mượn việc đang trong giai đoạn ly thân để yêu đương tự do, chung sống với người khác là hành vi trái với đạo vợ chồng và có nguy cơ vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.