Làm gì để chấm dứt tình trạng trẻ em, thanh thiếu niên tự tử bằng lá ngón?

(PLO) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tử tự bằng lá ngón ở lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên như: thất bại trong chuyện tình cảm; các vấn đề ở trường học (bị bắt nạt, trêu chọc, điểm kém…); các vấn đề trong gia đình (cha mẹ không đồng tình với con về lựa chọn bạn đời, tảo hôn…).
Người Mông xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cùng nhau chặt phá cây lá ngón mọc xung quanh bản. Ảnh: Baodienbienphu.com
Người Mông xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cùng nhau chặt phá cây lá ngón mọc xung quanh bản. Ảnh: Baodienbienphu.com

Độ tuổi 15-19 là độ tuổi có nhiều người tìm đến cái chết nhất 

Tháng 10/2014 cả xã Tìa Dình huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên sững sờ vì tin cô gái G.T.D (19 tuổi) tự tử bằng ăn lá ngón tại nương lúa. Nhiều người thương tiếc một cô gái ở tuổi thanh xuân xinh đẹp, nết na, chịu khó lao động vậy mà tìm đến cái chết vô lý. Điều đáng nói, chuyện tự tử bằng lá ngón ở Tìa Dình không phải là hiếm.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết, cũng trong tháng 10/2014, xã Tìa Dình có 11 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó 3 trường hợp chết, 8 trường hợp khác được phát hiện kịp thời nên cứu sống. Em M.A.G (học sinh lớp 8 xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông) hiền lành, học khá, hòa nhã với  mọi người. Bỗng nhiên một buổi trưa đi học về sau khi ăn cơm, ngủ  trưa  như mọi khi, cậu bé nhúm vài hạt muối rồi đi thẳng ra vạt rừng sau nhà, bứt  mấy chiếc lá ngón, cho vào miệng. G tử vong vì ăn lá ngón và không ai hiểu vì sao cậu bé lại tự tử.... 

Trên đây chỉ là một số ví dụ phản ánh tình hình dùng lá ngón tự tử ở trẻ em và thanh niên thiểu số ở Điện Biên. Trong Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh, thành phố Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc Unicef đã có tóm tắt về tình hình tự tử ở trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng các dân tộc thiểu số tại Điện Biên (gọi tắt là Nghiên cứu).

Theo đó, ở xã Keo Lôm từ năm 2007-2015 có 40 ca tự tử, trong đó nữ giới là 24/40 người; độ tuổi 15-19 là độ tuổi có nhiều người tìm đến cái chết nhất 14/40 người. Ở huyện Điện Biên Đông số liệu từ tháng 1-6/2016 tổng số ca toan tự tử là 53 người (39 nữ), tử vong 25 người (15 nữ). Độ tuổi có nhiều ca tự tử nhất vẫn là là 15-19 tuổi...

Làm gì để chấm dứt?

Theo nhận định của Nghiên cứu thì nguyên nhân của việc hình thành ý nghĩ tự tử, đặc biệt đối với các em gái ở Điện Biên bao gồm: thất bại trong chuyện tình cảm như bị bạn trai bỏ rơi; các vấn đề ở trường học từ việc bị bắt nạt, trêu chọc, đến việc bị điểm kém; các vấn đề trong gia đình như cha mẹ không đồng tình với con gái về lựa chọn chồng tương lai, tảo hôn dẫn đến phải nghỉ học, nỗi sợ tục lệ “bắt vợ” của người Mông...

Nhận định này cũng phù hợp với nhận định của ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình khi trả lời báo chí rằng, những người tự tử bằng lá ngón chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu nhi. Có trường hợp trẻ em lười học, mải chơi, khi bố mẹ giáo dục, dạy dỗ các em không tiếp thu mà lại tự ái nên vào rừng ăn lá ngón để tìm đến cái chết.

Có trường hợp hai chị em mâu thuẫn nhỏ, sau đó một trong hai người cũng tìm đến cái chết bằng lá ngón. Có trường hợp hai người yêu nhau nhưng gia đình hai bên hoặc chính quyền không đồng ý, do chưa đến tuổi kết hôn, hoặc một trong hai người đã có vợ hoặc chồng, nhưng họ không tiếp thu và cùng nhau tự tử, hoặc vợ chồng mâu thuẫn cãi nhau cũng tự tử...

Làm gì để chấm dứt tình trạng tự tử ở lứa tuổi trẻ em, thanh thiếu niên bằng lá ngón? Theo Nghiên cứu, đại diện Sở LĐ,TB&XH Điện Biên cho biết, huyện Điện Biên Đông đã vài lần ra chiến dịch nhổ trừ cây lá ngón nhưng không hết. Hầu hết đồng bào Mông ở huyện Điện Biên Đông từ nhỏ đến lớn đều biết cây lá ngón và họ đều biết ăn bao nhiêu lá sẽ chết ngay tại chỗ. Nhưng để phá nhổ cây lá ngón không đơn giản, bởi loại cây này mọc rất nhiều ở rừng và phát triển rất nhanh.

Trả lời báo chí, ông Tráng A Lầu, Công an xã Tìa Dình cho biết, trước thực trạng tự tử bằng lá ngón trên địa bàn đã diễn ra nhiều năm, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể của địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân phải biết quý trọng cuộc sống. Các bản xây dựng hương ước, quy ước không tự tử bằng lá ngón.

Chính quyền xã nhiều đợt tổ chức lao động phá nhổ cây lá ngón ở các khu rừng gần các bản, quanh khu vực trụ sở UBND xã; thành lập các tổ hòa giải ở cơ sở kịp thời phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống hàng ngày như mâu thuẫn vợ chồng, con với cha mẹ, tình yêu đôi lứa... để động viên xử lý, giải quyết có tình có lý kịp thời, ngăn chặn giảm thiểu tối đa tình trạng tự tử bằng lá ngón có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của người dân chưa triệt để nên tình trạng tự tử bằng lá ngón vẫn diễn ra và nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất cao.

Thượng tá Cà Văn Ánh, Công an huyện Điện Biên Đông cho biết, vấn nạn tự tử bằng lá ngón nhức  nhối đến nỗi UBND huyện đã giao cho các tổ chức, ban  ngành trong huyện, trung tâm là cơ quan công an phải lập “chương trình phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón” trên địa bàn. Tuy nhiên, Công an vào cuộc cũng chỉ có thể khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong vì lá ngón chứ không phải là đưa ra được cách phòng chống nó.

Từ thực tế này, có thể thấy, tình trạng tự tử bằng lá ngón đang là vấn đề nan giải. Do đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, hành động với hủ tục này cần sự quyết liệt và thường xuyên.

Đọc thêm