Làm gì để di tích không còn bị bỏ quên khi du lịch 'đói' điểm đến?

(PLO) - Thay vì để di tích xuống cấp, hoang phế thì việc xã hội hóa, giao cho tư nhân hợp tác đầu tư nhằm tôn tạo di tích là một biện pháp hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là khai thác thế nào để vừa gìn giữ giá trị cổ, lại vừa phát huy được giá trị di tích trong thời hiện đại.
Khu di tích Công tử Bạc Liêu đang được đưa vào khai thác theo hướng mới.
Khu di tích Công tử Bạc Liêu đang được đưa vào khai thác theo hướng mới.

Di tích bị bỏ quên trong khi ngành du lịch “đói” 

Mới đây, khu di tích Công tử Bạc Liêu ở Bạc Liêu đã được phê duyệt dự án đầu tư với tổng vốn 162 tỉ đồng. Dự án này được UBND tỉnh Bạc Liêu kí kết hợp tác với một đơn vị phát triển dự án tư nhân thực hiện.

Trước kia, UBND tỉnh cũng giao cho một đơn vị tư nhân khác thuê thương hiệu nhà Công tử Bạc Liêu để khai thác du lịch với giá 1 tỉ đồng/ năm. Tuy nhiên, theo nhận xét của du khách lẫn các chuyên gia thì việc khai thác du lịch chưa thực sự hiệu quả, khu di tích còn khá đơn điệu, chưa giữ chân được du khách.

Theo dự án đang triển khai, sẽ kết hợp cả việc giữ gìn, tôn tạo các kiến trúc, di tích cổ trong khu Công tử Bạc Liêu, đồng thời khai thác thêm các khu vực khác của di tích nhằm vừa đảm bảo không phá vỡ nét cổ kính, vừa có thêm nhiều hạng mục hay nhằm hấp dẫn du khách như khu biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thư viện cộng đồng và đặc biệt là khu trưng bày tượng sáp, tái hiện cuộc đời, nếp sống sinh hoạt của gia đình công tử Bạc Liêu… Theo dự án này, sẽ phân biệt rõ hai khu, khu dành riêng để khai thác du lịch và khu giữ nguyên kiến trúc, màu sắc, trang trí… để bảo tồn di tích.

Nhìn chung trên kế hoạch, đây có lẽ là một dự án bảo tồn, khai thác di tích khá khả thi và hợp lý. Nếu được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, sẽ giúp cho di tích trở nên đẹp, sinh động và thu hút du khách hơn. Đây cũng là hướng đi mà nhiều địa phương khác cần tham khảo trong việc bảo tồn khai thác di tích.

Đơn cử, cũng là di tích nhà cổ của tầng lớp quý tộc trong xã hội cũ, nhưng di tích nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, Đồng Tháp, ngôi nhà gắn với sự nổi tiếng của bộ phim Pháp “Người tình”, được đánh giá là chưa thực sự khai thác hết thế mạnh của một di tích có tiếng ở cả trong và ngoài nước. 

Ngôi nhà cổ được xây dựng bằng gỗ năm 1895, gồm 3 gian, ngoài việc gắn với mối tình trong bộ phim kinh điển quốc tế, còn được đánh giá là một tác phẩm kiến trúc đặc trưng của gia đình quý tộc Nam bộ cổ, kết hợp giữa vẻ đẹp kiến trúc phương Đông và kiến trúc Pháp, cũng nhiều chi tiết trang trí tinh tế. Tuy nhiên, nhiều du khách đến cũng chưa ấn tượng mạnh, thậm chí khá thất vọng khi nhà cổ chỉ có thể khai thác đơn điệu như đến xem, ngắm ảnh và nghe kể chuyện tình của nữ văn sĩ Marguerite Duras và người tình Việt gốc Hoa của mình. Thậm chí, nhiều chi tiết trang trí trong nhà đã được thay bằng đồ giả cổ, không hợp khung cảnh. 

Một khu nhà cổ khác đã lụi tàn một cách đáng tiếc là khu nhà cổ ở quận 9, TP HCM tồn tại rải rác khá nhiều nhà cổ ở khắp các quận, huyện. Nhưng hiếm có khu nào quần tụ nhiều nhà cổ với kiến trúc đặc trưng và đẹp như khu quận 9. Tại khu vực này, ngày xưa là nơi sinh sống của một số gia đình quý tộc Sài Gòn có gốc gác từ tỉnh khác đến. Các khu nhà cổ này đã được những tiền nhân thuê các tốp thợ giỏi từ Huế vào, làm ròng rã các gian nhà suốt nhiều năm liền để cho ra đời những nhà mái ngói nguy nga, nơi sinh sống của nhiều thế hệ.

Đáng tiếc là, dù việc cảnh báo sự xuống cấp, hư hại của nhà cổ đã có từ hơn chục năm trước, nhưng không ai có sự quan tâm đến. đến ngày nay, nhiều căn nhà cổ chỉ còn là một công trình đổ nát, hoang tàn. Trong khi đó, TP HCM, thành phố sôi động nhưng đồng thời khá “đói” di tích lẫn các điểm tham quan, lại bỏ qua một công trình có tiềm năng du lịch như thế, chưa kể đến sự đáng tiếc khi một di tích có giá trị lịch sử đã dần biến mất.

Dám làm và biết quản lý

Một bài học về tôn tạo và khai thác hiệu quả di tích có thể kể đến chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Từ một ngôi chùa cổ có giá trị về lịch sử, tâm linh, địa phương đã giao cho một đơn vị tư nhân tôn tạo và khai thác. Giờ đây, công trình chúa Bái Đính là một công trình được đánh giá cao về mặt kiến trúc, tâm linh, nổi tiếng cả khu vực Đông Nam Á.

Những bài học về quản lý di tích này, chúng ta cũng có thể tham khảo cách làm của Campuchia, các khu đền Ăng co của đất nước này cũng được giao cho tư nhân gìn giữ và khai thác du lịch, kết quả là công trình sau thời  gian lâu dài vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp của mình, thu hút lượng du khách khổng lồ đổ về từ khắp thế giới, chỉ bằng những “chiêu” khai thác tưởng đơn giản mà hết sức hiệu quả của nhà quản lý.

Giữ gìn, tôn tạo và khai thác, đó là hai khía cạnh song song của các di tích lịch sử. Làm sao để hài hòa hai khía cạnh này, làm sao để giữ hồn di tích, nhưng thu hút được du khách, khiến du khách phải “mãn nhãn” khi thưởng ngoạn, điều này cần ở các địa phương sự linh động, dám nghĩ, dám làm, đồng thời cũng có sự quản lý chặt chẽ, sát sao…

Đọc thêm