Làm gì để du lịch biển hết đơn điệu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là đặc sản nổi bật của du lịch Việt Nam nhưng những năm qua, tiềm năng du lịch biển, đảo vẫn chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Nhiều vùng biển địa phương còn đơn điệu các hoạt động phụ trợ, du lịch thiếu đặc trưng. 
 Du lịch biển Việt Nam cần thêm điểm nhấn hút du khách. (Ảnh minh họa)
Du lịch biển Việt Nam cần thêm điểm nhấn hút du khách. (Ảnh minh họa)

Thiếu những “thiên đường”

Lợi thế từ đường bờ biển dài, Việt Nam không thiếu những bãi biển đẹp, những “đảo ngọc” cho du lịch phát triển. Thế nhưng, biển Việt Nam đến nay vẫn chưa định hình được thương hiệu “thiên đường biển, đảo” như những thành công từ Hawaii, Maldives hay gần hơn là Thái Lan với Pattaya. 

Một điều dễ nhận thấy nhất là biển Việt Nam thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực. Ngoài những trung tâm như Đà Nẵng, Cát Bà, Côn Đảo, Nha Trang… hầu hết hoạt động du lịch biển ở các địa phương khác nổi trội vẫn là tắm biển và ăn uống thông thường. Các hoạt động lễ hội, tour khám phá, trải nghiệm hầu như vắng bóng khi đến những bãi biển địa phương. 

Trong khi đó, vào thời điểm này, nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, nhiều trung tâm du lịch biển đều bắt đầu quá tải, yêu cầu mở rộng thêm các loại hình dịch vụ cho du lịch biển là điều cần thiết. 

Chẳng hạn với Pattaya, những hoạt động giải trí, vũ hội về đêm đã làm nên đặc sản trứ danh cho thành phố ven biển này. Chú trọng về lễ hội biểu diễn, sử dụng dàn vũ công chuyên nghiệp và sự đa dạng dịch vụ phụ trợ đã khiến “thành phố không ngủ” này trở thành “điểm nóng” mới trong những thiên đường du lịch biển nhiều năm gần đây. 

Ở một khía cạnh khác, du lịch Việt Nam đang lãng phí trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch biển. Sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được mảng màu chủ đạo cho không gian ven biển đã làm vùng biển Việt Nam thiếu điểm nhấn, sản phẩm du lịch vì thế mà cũng chưa tạo ra nhiều dấn ấn mới. 

Việc khai thác tiềm năng du lịch biển ở một số địa phương khác lại rơi vào tình trạng chưa hợp lý. Minh chứng là hệ thống di sản được thế giới công nhận nằm ven biển chỉ có Hội An, Hạ Long, Huế được khai thác tốt, còn Phong Nha - Kẻ Bàng thì chưa. Cùng với đó, quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Điển hình là bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển.

Cơ sở hạ tầng cho việc đón khách cũng là điểm yếu khiến du lịch biển Việt Nam vốn tiềm năng nhưng chưa phải là “thiên đường”. Một số vùng biển rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Một trong những lý do là bởi đường bay chưa thuận lợi. Trên suốt chiều dài 3.260km bờ biển, Việt Nam có nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm cho du khách, nhưng đến nay vẫn không có một cảng chuyên biệt nào dành cho du khách.

Về bức tranh chung cho du lịch biển, theo bà Trương Thị Như Ngọc - Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Trà Vinh, các bãi biển Việt Nam cho đến nay phát triển theo lối tự phát, phần nào tùy tiện, mang tính riêng lẻ và không có đặc trưng.

Cần thêm “đòn bẩy”

Nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch biển Việt Nam cần tăng cường nhiều hơn các dịch vụ, hệ thống cơ sở hạ tầng và quy hoạch tổng thể không gian biển hợp lý, bền vững. Những yếu tố bản sắc riêng của địa phương được thể hiện một cách chuyên nghiệp, có sự đầu tư hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch biển đảo. 

Đơn cử như tại Quảng Ninh, du lịch biển được phát triển với nhiều chương trình mới lạ. Du khách sẽ được trải nghiệm các không gian: Du lịch văn hoá tâm linh, du lịch văn hoá cộng đồng làng chài; các sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm Thương cảng cổ Vân Đồn; du lịch sinh thái nghiên cứu đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Ngoài ra, chương trình đang được nghiên cứu phát triển như du lịch thuỷ cung, du lịch tàu ngầm bên cạnh du lịch văn hoá gắn với di tích lịch sử, lễ hội truyền thống (tại khu di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo, khu di tích Đồn Cao, chùa Cô Tô, nhà thờ họ đạo Cô Tô, Thanh Lân). Các mô hình du lịch trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân”, “Một ngày làm chiến sĩ”, “Hành trình biển đảo quê hương” được duy trì.

Với Quảng Trị, mùa du lịch biển, đảo năm 2021 với chủ đề “Biển gọi” dự kiến sẽ được khai trương tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt từ ngày 30/4 – 5/5 với hàng loạt hoạt động như: Chương trình nghệ thuật khai trương mùa du lịch; Hội nghị hợp tác phát triển du lịch; famtrip giới thiệu các khu điểm du lịch biển, đảo Cồn Cỏ và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử của địa phương; cuộc thi tuyển chọn Đại sứ Du lịch Quảng Trị; các hoạt động thể thao, trình diễn nghệ thuật và văn hóa ẩm thực như lễ hội bia; hội thi đầu bếp giỏi tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất. v.v...

Trước đó, các dự án của Hội Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững như: “Sản phẩm du lịch từ cát, muối, rác” với mục đích xây dựng góc nhìn mới, phương thức khai thác mới từ những nguồn tài nguyên cũ của biển; hay tạo không gian thư giãn, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe bằng “Vườn Thiền cát”… cũng tạo ra những điểm nhấn mới cho du lịch biển. 

Đọc thêm