Vất vả mưu sinh nhưng thu nhập thấp
Đầu năm 2022, tại buổi công chiếu cuốn phim tài liệu "Câu chuyện của những nữ công nhân Việt Nam" của Viện Nghiên cứu Châu Âu nhiều người xem đã lặng đi trước các cảnh quay. Bộ phim được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân” (ECOW) do Liên minh Châu Âu đồng tài trợ. Bộ phim là những câu chuyện, những mảnh ghép cuộc đời của nhiều nữ công nhân di cư từ các địa phương đang làm việc trong một khu công nghiệp lớn của Việt Nam.
Theo đạo diễn Parsifal Reparato (ông cũng là đạo diễn của bộ phim “Nimble Fingers - Những ngón tay khéo léo”, cũng về chủ đề công nhân ở Việt Nam), những nhân vật trong bộ phim "Câu chuyện của những nữ công nhân Việt Nam" là công nhân ngành điện tử, một ngành công nghiệp có đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu và đang ngày càng phát triển nhờ các nhà đầu tư nước ngoài, nơi công nhân nữ chiếm đa số.
Những câu chuyện đời trong phim do công nhân kể phản ánh mong ước cũng như những thách thức trong cuộc sống và việc làm của họ, những khó khăn trong cuộc sống và điều kiện làm việc mà nữ công nhân di cư phải trải qua. Họ chấp nhận cuộc sống xa chồng, xa con, xa gia đình; sống eo hẹp, tiết kiệm và vẫn phải chịu những định kiến xã hội về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Nhưng dù phải chịu đựng công việc mệt nhọc nhưng vượt lên tất cả, họ đang cố gắng làm việc để mưu sinh với ước muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai của bản thân và gia đình.
Thu nhập trung bình của phụ nữ di cư chỉ khoảng 3,1 triệu đồng/tháng và 81,8% thu nhập của họ bị giảm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó là một trong những con số vừa được công bố tại hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư” kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 2/3, tại TP HCM. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của nghiên cứu khoa học "Cơ sở lý luận thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù" do Hội LHPN Việt Nam thực hiện tại các tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Trà Vinh và TP HCM.
Theo báo cáo, phụ nữ di cư chủ yếu tham gia vào các công việc làm thuê (36,1%); buôn bán (24,6%); lao động giản đơn (21%); nội trợ (9,1%); công nhân viên chức (9,1%). Về trình độ chuyên môn của phụ nữ di cư chưa qua đào tạo chiếm 83,7%, đào tạo ngắn hạn chiếm 5,7%, phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Nhìn nhận những vấn đề mà phụ nữ di cư thường gặp ở địa phương, ông Thái Hoàng Nhạc - Phó Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT TP HCM nhận định, hiện nay, người công nhân lao động đang chịu nhiều khó khăn nhất là sau đại dịch COVID-19. Đa số nữ công nhân ở các khu công nghiệp xuất thân từ khu vực nông thôn và nhập cư về TP HCM. Do đó họ phần lớn đều chọn phương án thuê nhà trọ giá rẻ với diện tích nhỏ hęp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu còn hạn chế; các gia đình phải cân đối các khoản chi phí cho phù hợp, đảm bảo một phần tích lũy nhỏ để có thể gửi về quê nuôi con hoặc phụ giúp gia đình; thời gian chăm sóc gia đình bị hạn chế; họ chưa có nhiều sự lựa chọn trong các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới cho biết, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới. Họ ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới, chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử. Họ không có nghề nghiệp gì trong tay. Tại TP.HCM họ đến làm thuê, buôn bán nhỏ, buôn bán hàng rong, giúp việc… “Phụ nữ di cư mang theo rất nhiều trách nhiệm và nhiều rủi ro. Họ luôn ở tâm thế là người lao động tự do yếu thế, chính vì vậy họ luôn ngại tiếp xúc với những gì chính thống. Chính vì vậy những chính sách dịch vụ phúc lợi công không đến được với họ”- PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống xã hội lý giải.
Phụ nữ di cư mong muốn gì?
Về mong muốn của phụ nữ di cư, báo cáo tại hội thảo cho thấy điều mong muốn lớn nhất của họ là phát triển kinh tế, tăng thu nhập (47,3%), hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ khó khăn về tài chính (38,3%), được dạy nghề, tạo việc làm (35,1%). Trong bối cảnh đại dịch, để chăm sóc sức khỏe có tới 40,7% phụ nữ di cư mong muốn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế ở nơi đăng ký tạm trú; cải thiện môi trường sống ở nơi di cư; hoàn thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe.
Để hỗ trợ phần nào những mong muốn chính đáng của phụ nữ di cư, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi chỉ ra rằng, cần đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng nhưng quan trọng đào tạo nghề phải gắn với việc làm, nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, hứng thú vì không hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh một cách thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ. Cuối cùng là mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của thành phố, với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia.
Với vai trò là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, TS Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Có thể nói nhóm phụ nữ đặc thù (phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ cao tuổi) đang gặp một khoảng trống về chính sách hoặc chính sách chưa tới được với họ. Đề tài vừa triển khai vừa đưa những phát hiện của mình và quá trình đề xuất chính sách của Hội về nhà ở, giáo dục cho con em, đào tạo nguồn nhân lực nữ và chính sách thai sản. Từ những căn cứ thực tiễn, căn cứ khoa học của đề tài này, chúng tôi tiếp tục đề xuất lồng ghép giới trong xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có những chính sách pháp luật liên quan đến an sinh xã hội, các đối tượng phụ nữ đặc thù. Chúng tôi cũng đưa các mô hình hay để nhân rộng trong hệ thống Hội địa phương để hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù".
Vấn đề lao động nữ di cư cần phải đặt lên bàn nghị sự
Thực tế cho thấy, rất cần thiết có các chính sách bảo vệ, hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù, góp phần phát triển toàn diện phụ nữ ở Việt Nam, do đó PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội kiến nghị: “Vấn đề về phụ nữ lao động di cư cần phải đặt lên bàn nghị sự; cần hiểu hơn nhu cầu thiết thực của phụ nữ di cư để xây dựng chính sách; xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của phụ nữ, đảm bảo sinh kế bền vững, phục hồi sinh kế thông qua mô hình tiết kiệm vi mô, nhóm tương trợ cộng đồng”.