Làm gì khi bị chồng cũ bạo hành?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù đã ly hôn, “đường ai nấy đi” nhưng nhiều người phụ nữ vẫn liên tục bị chồng cũ quấy rối, đe dọa, thậm chí bạo hành. Cách nào để giải quyết những vụ việc như vậy?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đủ kiểu bạo hành sau ly hôn

Mới đây, một người phụ nữ ở Hạ Long, Quảng Ninh đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để tìm sự giúp đỡ. Chị là giáo viên và đã ly hôn vì chồng ngoại tình khi chị đang mang thai đứa con thứ ba. Khi ly hôn, người chồng nuôi hai con lớn, còn chị nuôi con nhỏ. Nhưng mọi việc không dừng lại ở đó, vì người chồng cũ luôn quấy rối, làm phiền đến cuộc sống của chị như đe dọa, lăng mạ, làm nhục chị với trường học, bạn bè, lối xóm.

Không những thế, người đàn ông này còn ngang nhiên cấm cản việc chị đến thăm con, thậm chí còn chửi bới mỗi khi chị gặp con. Chồng cũ còn liên tục gọi điện đến Ban Giám hiệu nhà trường nơi chị giảng dạy để lăng mạ…

Vụ nữ diễn viên đóng vai cô Xuyến trong phim “Về nhà đi con” bị chồng cũ đấm gãy xương mũi vừa qua tại Hà Nội đã xới xáo lại vấn nạn trước đó nhiều hoa hậu, nghệ sĩ cũng tố bị chồng cũ bạo hành. Năm 2014, Hoa hậu Diễm Hương từng gửi đơn cầu cứu về việc bị chồng đại gia liên tục hăm dọa quấy rối và hành hung vì ghen tuông mù quáng. Ca sĩ Hồ Lệ Thu, người mẫu Minh Trang, MC Quỳnh Chi… cũng từng lên tiếng về việc bị chồng cũ, bạn trai cũ hành hung.

Không bị bạo lực về thể xác, một người phụ nữ từng tìm đến cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương với lá đơn về chuyện chị bị bạo hành tinh thần. Chị cho biết, cuộc hôn nhân của chị là chuỗi ngày sống trong bạo lực, thường xuyên bị chồng đánh đập. Không chịu nổi hành vi bạo lực, chị ly hôn và nghĩ cuộc đời của mình từ nay sẽ an yên. Vậy nhưng anh ta lại làm đủ mọi cách để quấy rối cuộc sống của chị. Chị và chồng cũ mỗi người nuôi một đứa con nhưng anh ta không cho chị gặp con thường xuyên. Chị cũng không được đón con, không được can thiệp vào việc dạy dỗ con của anh ta.

Điều khiến chị suy nghĩ nhất là anh ta liên tục nhắn tin rằng con buồn, con lủi thủi, con nhớ mẹ. Ngày nào anh ta cũng lấy con ra để tác động đến chị. Anh ta đã lấy điểm yếu nhất của người mẹ để khiến chị lung lay. Suốt những ngày sau ly hôn, chị đã không có giấc ngủ ngon. Cuộc sống bây giờ của chị dù không bị bạo lực về thể xác nhưng lại bị chồng cũ bạo hành tinh thần.

Cần tìm hiểu cách bảo vệ bản thân

Đó là quan điểm của ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, người có nhiều kinh nghiệm với các dự án bình đẳng giới và quyền phụ nữ, chống bạo hành, khi trao đổi với truyền thông xung quanh vấn đề phụ nữ bị bạo hành.

“Mười ba năm trước đây, khi tham gia dự án về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và phòng chống bao lực gia đình, tôi và các cán bộ nghiên cứu, chuyên gia phụ trách dự án thường đi về các tỉnh xa, đến với các xã, huyện nghèo để tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực gia đình. Khi đó, tôi chứng kiến quá nhiều mảnh đời phụ nữ bất hạnh, quá nhiều vấn nạn bạo lực gia đình theo kiểu đánh đập, chửi bới, lăng mạ, hành hạ, ngược đãi. Không chỉ bị đập phá tài sản, phụ nữ còn bị đuổi ra khỏi nhà.

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ và truyền thông; các vấn đề về bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ và phòng chống bạo lực gia đình đã được tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo nhân dân. Nhận thức của người dân vì thế cũng được nâng lên. Nhưng từ những vụ việc phụ nữ bị chồng/ chồng cũ bạo hành gần đây, tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng, đâu đó trong những góc khuất của cuộc sống, góc tối của gia đình, vấn nạn này vẫn tồn tại, vẫn âm ỉ cháy” - ThS. Lê Thị Lan Anh chia sẻ.

Theo ThS. Lê Thị Lan Anh, phụ nữ cần tìm hiểu cách để bảo vệ bản thân khỏi vấn nạn bị bạo hành. “Chẳng ai muốn bị bạo hành, ai cũng muốn tránh. Tuy nhiên, để phòng tránh triệt để, chị em phụ nữ cần tìm hiểu các thông tin liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó, hiểu được các hành vi bạo lực, các hình phạt đối với các hành vi đó và cơ quan tố giác khi chẳng may rơi vào cảnh bạo lực” - ThS. Lê Thị Lan Anh nêu quan điểm.

Ở một góc độ khác, Luật sư Nguyễn Huy An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Khi bị chồng cũ cản trở quyền thì người mẹ có quyền tố cáo hành vi này tới cơ quan công an hoặc UBND để cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Người mẹ có thể xin xác nhận của UBND hoặc công an về việc chồng cũ có hành vi cản trở quyền chăm con của mình, sau đó yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án, hoặc cũng có thể đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Đọc thêm