Làm gì khi con “nghiện” mạng xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trẻ con “mê”, thậm chí “nghiện” các ứng dụng giải trí mạng xã hội là thực tế trong nhiều gia đình. Để “cai” cho con, phụ huynh cần đến nhiều kĩ năng, trong đó quan trọng là thấu hiểu con.
Nhiều trẻ “nghiện” mạng xã hội, theo dõi những clip không hợp lứa tuổi. (Ảnh minh họa)
Nhiều trẻ “nghiện” mạng xã hội, theo dõi những clip không hợp lứa tuổi. (Ảnh minh họa)

Con “đu trend” Tiktok

Vài tháng nay, chị Nguyễn Minh Hoa, ngụ Linh Tây, Thủ Đức, TP HCM thấy con gái 8 tuổi thường xuyên nhún nhẩy và hát những khúc hát ngắn, sôi động nhưng không đầu, không cuối, nghe mãi không thấy ý nghĩa gì. Hỏi con, chị mới biết hóa ra con nghe và học từ những video trên Tiktok.

Ban đầu, cả nhà cũng thấy hay hay còn bảo cháu hát cho nghe. Nhưng càng ngày con gái càng “lậm” những bài hát Tiktok, hát suốt ngày đêm, trong đó có những bài hát với ngôn từ “chỉ dành cho người lớn”, thậm chí trả lời cha mẹ cũng bằng những câu “trend” trên Tiktok như “hông bé à”, “đừng nhờn với anh nhé”, “mẹ không đồng ý con biết phải làm sao”...

Lúc ăn uống với cả nhà, bé luôn mở màn bằng những câu “trend” Tiktok như “thơm ngon mời bạn ăn nha, tôi đây không chờ bạn nữa, giờ tôi ăn liền, ăn ngay”... Lúc này, chị mới giật mình vì thấy con dường như suốt ngày chỉ sống trong “cõi mạng” mà đánh mất ngôn ngữ thường ngày. Từ đó, chị Hoa bắt đầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con.

Nhiều phụ huynh khác thì đau đầu vì con suốt ngày... quay Tiktok. Nhiều trẻ 9, 10 tuổi hiện nay đã biết sử dụng mạng xã hội sành sỏi, có thể tự lập ra kênh Tiktok riêng, tự quay clip, chèn nhạc theo ứng dụng từ Tiktok và đăng tải. Có phụ huynh cứ thấy con hí hoáy quay clip không để ý, một ngày ngỡ ngàng phát hiện ra con có cả một trang riêng trên Tiktok và đã đăng lên đó vài chục video, ngày nào cũng đăng.

Đáng ngại, có những bé quay clip theo “trend” của người lớn nên có những hành động, ngôn ngữ không phù hợp lứa tuổi, thậm chí có nhiều bé hát theo những bài hát yêu đương hoặc “nhại” hành động tục bậy, “uốn éo” gợi cảm...

Nhiều phụ huynh lo lắng việc con mất quá nhiều thời gian để theo dõi, chạy theo các “trend” trên mạng xã hội.

Chị Phạm Thị Kim Liên, giáo viên mầm non ngụ Tô Hiến Thành, quận 10 chia sẻ, mặc dù chị đã mua nhiều truyện tranh rất hay và có ý nghĩa giáo dục cao về cho con trai 9 tuổi nhưng con không để mắt đến. Rủ con đi công viên vui chơi hay đi ăn cùng cả nhà, bé đều tìm cớ không đi để ở nhà được chơi Tiktok cho thoải mái. Mùa hè sắp đến, chị hỏi con hè có muốn về ngoại hay đi du lịch, con lại bày tỏ “ước gì cả mùa hè chỉ ở nhà ăn gà rán và xem Tiktok”.

Có trường hợp ở Hà Nội, bé “nghiện” nặng Tiktok, suốt ngày chỉ “dán mắt” vào màn hình, không cho là khóc thét khiến cả nhà phải đưa bé đi bệnh viện khám chữa.

Hiểu để dạy con

Việc theo các “trend” mạng xã hội còn khiến trẻ mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, mất đi sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ, suốt ngày chỉ rập khuôn theo những câu nói trên mạng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.

Con “lậm” mạng xã hội, mê mải đuổi theo các “trend” mới trên các ứng dụng sẽ mang lại những hệ quả không hay và cần sự quản lý, can thiệp của phụ huynh, điều đó là tất nhiên. Nhưng quản lý, can thiệp thế nào cho hợp lý thì cần phải bàn sâu.

Có nhiều phụ huynh đã nhận phản ứng ngược khi ép con từ bỏ mạng xã hội. Có cháu không được chơi Tiktok ở nhà, dành thời gian lên trường để xem Tiktok. Có cháu vì bị cấm sử dụng mạng xã hội nên bất mãn, chống đối cha mẹ, không chịu nỗ lực học hành, có thái độ “nổi loạn”.

Theo các chuyên gia tâm lý, cấm đoán con tuyệt đối không sử dụng mạng xã hội không phải là hành xử hợp lý. Đây là thời đại của công nghệ, trẻ hiểu biết và dùng mạng xã hội là một tất yếu của cuộc sống, không thể so sánh với những thời đại trước để ép trẻ từ bỏ mạng xã hội, lựa chọn chơi các trò chơi dân gian hay đơn thuần đọc sách, xem phim.

Mạng xã hội, cũng có những mặt lý thú, hấp dẫn của nó mới khiến cả người lớn lẫn trẻ em mê mẩn đến thế. Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, phụ huynh nên khéo léo để con đừng “lậm” chứ đừng ép buộc, trấn áp con, dễ khiến con trẻ cảm thấy không được tôn trọng dẫn đến ức chế, thậm chí trầm cảm. Cạnh đó, cha mẹ cũng nên tìm ra niềm vui khác hợp lý để con đeo đuổi.

Chị Trần Nguyễn Khánh Hòa, ngụ Phạm Văn Đồng, Thủ Đức chia sẻ kinh nghiệm cho con “sống chung với mạng xã hội” khá hợp lý. Chị Hòa cho biết, thấy con gái 9 tuổi có dấu hiệu “nghiện” Tiktok, chị đã thử tìm hiểu xem mạng xã hội ấy như thế nào, các clip con xem ra sao và hóa ra thấy nhiều cái thú vị rất dễ “nghiện” thật.

Tìm hiểu rồi, chị bắt đầu trò chuyện cùng con về những clip chị đã xem. Con gái rất hào hứng chia sẻ mọi điều cùng mẹ. Từ đó, chị bắt đầu phân tích cho con những cái “chưa hay”, rồi tiến đến đồng ý với con sẽ cho con xem Tiktok vào những thời điểm nhất định cuối tuần, khi con đã hoàn tất bài tập về nhà, đọc xong một đoạn đã đánh dấu trong sách mẹ mua.

Chị còn lập kênh Tiktok cho con quay clip đăng tải, nhưng phải là những clip có nội dung hồn nhiên, hay, có tính giáo dục chứ không “lảm nhảm” theo trend như nhiều trường hợp khác. Cứ thế, việc chơi Tiktok không chỉ không ảnh hưởng đến việc học hành, tâm trí của con gái mà còn khiến cháu có động lực để cố gắng hơn.

Có thể thấy, trẻ “nghiện” hay không còn phụ thuộc vào thái độ, hành xử của phụ huynh. Mạng xã hội không quá đáng sợ, nếu phụ huynh biết cách dùng nó để khiến con tiến bộ, có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Đọc thêm