Một trong những nguyên nhân chính khiến bạo lực gia đình gia tăng chính là sự im lặng, nhẫn nhịn của các nạn nhân. Tuy vậy, trong trường hợp các nạn nhân im lặng, bạo lực gia đình vẫn sẽ bị chặn đứng nếu như mỗi người trong chúng ta đều lên tiếng hộ nạn nhân.
Yêu thương bằng... nắm đấm. Ảnh minh họa |
Những vụ bạo hành nhuốm màu hương khói
Người dân Kim Sơn (Ninh Bình) hẳn vẫn còn đau xót trước cái chết thương tâm của bà Vũ Thị Thê - mẹ đẻ của đối tượng Nguyễn Văn Hoàn. Muốn mở cửa hàng bán điện thoại di động, Hoàn đã hỏi vay tiền mẹ nhưng không được. Hoàn nhờ bà Thê thuyết phục em trai cho vay tiền, bà Thê cũng không đồng ý. Không được đáp ứng, Hoàn bực tức đập vỡ ti vi, nồi cơm điện, đầu đĩa VCD của gia đình để ép mẹ chiều ý mình nhưng vẫn không được.
Khoảng 18h30 ngày 27/2/2009, thấy bà Thê đã lên giường đi ngủ, Hoàn bê chiếc bình rượu ngâm ra sân đổ sạch rồi đi xe máy đến cây xăng của xã, mua hơn 1 lít xăng đựng vào bình đem về nhà. Thấy bà Thê đang đắp chăn, Hoàn vén màn, hất xăng vào nơi mẹ đang nằm rồi bật lửa làm chăn màn nơi bà Thê nằm cháy dữ dội, bà Thê bị bỏng nặng và tử vong. Sau đó, Hoàn bị Tòa tuyên phạt 20 năm tù về tội “Giết người”.
Một vụ án bạo lực gia đình khác cũng gây phẫn nộ không kém là vụ án xảy ra ở Yên Khánh (Ninh Bình). Nguyễn Văn Thế - bị cáo trong vụ án này đã gây thương tích cho vợ và giết con mình. Trong sinh hoạt, Thế thường hay uống rượu và sau mỗi lần uống rượu, hắn lại gây sự, chửi bởi vợ con nên quan hệ vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Một hôm, Thế đi chơi chúc Tết và về nhà trong trạng thái “quắc cần câu” nên bị chị Lê Thị Thủy (vợ Thế) phàn nàn. Nói xong, chị Thủy bế con sang nhà hàng xóm.
Chuyện chỉ có vậy nhưng Thế lại coi đó là điều không thể chấp nhận được. Hắn đã tìm trong nhà một con dao bầu rồi xách dao đuổi theo truy sát chị Thủy. Quá hoảng hốt, chị Thủy ngã ngửa trên sân ngõ, cháu bé ngã theo. Thế lao vào đâm vợ nhưng chị Thủy dùng tay đỡ kịp khiến nhát dao đổi hướng, xuyên thấu lồng ngực bên phải của cháu bé. Đứa con của Thế đã chết trên đường đi cấp cứu. Trong vụ án này, Thế bị phạt 17 năm tù.
Số lượng án mạng liên quan đến hành vi bạo lực gia đình ở tỉnh Ninh Bình tuy không nhiều nhưng đã gây nhức nhối trong dư luận. Trên bình diện xã hội, có rất nhiều người đã biến thành những tên tội phạm mất hết nhân tính ngay trong gia đình của mình.
Nguyên nhân gây án của các đối tượng có thể đến từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình, do không được bị hại thỏa mãn những yêu cầu ích kỉ của cá nhân, do lời ăn tiếng nói gây phật lòng... và các bị cáo đã tước đi tính mạng của những người ruột thịt trong gia đình như: Con tẩm xăng đốt mẹ, chồng đốt vợ, chồng giết vợ, bố giết con, con giết bố... Người thực hiện hành vi bạo lực gia đình chết người đa số là những người ở tuổi thanh niên không có việc làm, lười lao động, nghiện chất kích thích như rượu, ma túy...
Thay đổi hành vi cho nam giới
Kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy, nếu như mỗi người trong xã hội, dù không phải là nạn nhân nhưng chịu lên tiếng, chìa tay góp sức mình tuyên chiến với nạn bạo lực gia đình thì tệ nạn này chắc chắn sẽ bị chặn đứng. Khi tiến hành Dự án “Tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em tại tỉnh Ninh Bình” do Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình thực hiện, Cơ quan hợp tác Thụy Sĩ tài trợ giai đoạn 2007-2011 đã được thực hiện nhằm thay đổi hành vi cho nam giới về vấn đề bạo lực gia đình, hẳn những người thực hiện dự án cũng đã nghĩ tới điều này.
Với tôn chỉ “lên tiếng, chìa tay góp sức mình tuyên chiến với bạo lực gia đình”, sau 4 năm hoạt động ở 34 xã của 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn, Dự án án “Tăng cường sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em” đã thành lập 14 Đội can thiệp Phòng, chống bạo lực gia đình; thành lập mạng lưới tuyên truyền thôn bản, mạng lưới “Nam giới không gây bạo lực gia đình” với tổng số thành viên trong mạng lưới là 539 người.
Sau một thời gian các thành viên mạng lưới rỉ ra tuyên truyền “mưa dầm thấm đất”, nhận thức và thái độ của nam giới và trẻ em trai, các bậc cha mẹ và người thân cộng đồng về bình đẳng giới, quyền phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình được cải thiện. Nhiều những người tham gia vào các hoạt động của dự án đều biết rõ để nhận mạnh chỉ tên các hình thức và biểu hiện cụ thể của bạo lực gia đình. Phần đông nam giới và thủ phạm gây bạo lực gia đình đã được thảo luận các kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình và được thực hành, sắm vai trong các tình huống cụ thể để ghi nhớ biện pháp/kỹ năng hợp lý giải quyết xung đột.
Kết quả cho thấy, Dự án đã giải quyết được gần 400 vụ bạo lực gia đình (nhắc nhở, cảnh cáo, phạt hành chính...); thành lập 14 phòng tư vấn tại các trạm y tế xã, cung cấp trang thiết bị và tài liệu; cung cấp thông tin và tư vấn trên 2.000 lượt người dân, cấp thuốc điều trị cho gần 50 trường hợp bị bạo lực gia đình... tại tỉnh Ninh Bình sau 4 năm vận hành.
Đặc biệt, cùng với sự tác động mạnh mẽ của Dự án, các cấp Tòa án tỉnh Ninh Bình cũng từ chỗ nhận thấy hành vi của các bị cáo trong các vụ án bạo lực gia đình ở Ninh Bình là đặc biệt nghiêm trọng nên quyết định đưa 100% vụ án kiểu này ra xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án để tuyên truyền pháp luật đến đông đảo tầng lớp nhân dân, đồng thời tuyên án tại chỗ thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, trừng trị thích đáng hành vi vi phạm pháp luật, qua đó có tác dụng đã được răn đe phòng ngừa chung.
40% vũ phu đã thành tuyên truyền viên chống BLGĐ Theo Bà Nguyễn Thị Hoài Đức- Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình thì khoảng 40% số người từng gây ra bạo lực tại tỉnh Ninh Bình đã có những thay đổi tích cực về các hành vi bạo lực gia đình. Họ đã trở thành những tuyên truyền viên tại nơi họ sống. Những phụ nữ bị bạo lực gia đình đã thành lập các nhóm để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Họ cũng liên lạc thường xuyên với các thành viên trong đội can thiệp xã để yêu cầu được giúp cũng như bày tỏ những nhu cầu về quyền lợi và sự an toàn của mình. |
Thùy Dương