Nhưng ít ai biết rằng, để có những gốc cây sần sùi, thô kệch ấy Hà phải vượt hàng nghìn cây số, trèo đèo, lội suối, thậm chí cơm đùm, cơm nắm ra nước ngoài tìm những thứ tưởng chừng đã bỏ đi.
“Nghề dọn rác của rừng”
Đầu năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, thay vì xin vào các công ty thiết kế hay tìm cho mình công việc liên quan đến chuyên môn đã học, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hà (SN 1991, ngụ xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại có hướng đi riêng. Hà quyết định ngược lên một số huyện miền núi Nghệ An tìm những gốc cây sần sùi, xù xì đem về đục đẽo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Thấy chàng trai trẻ đeo kính thư sinh, quần áo sơ vin quần quật bên những gốc cây thô kệch, sẫm màu, nhiều người lời ra, tiếng vào. Thậm chí, có người còn hỏi Hà “đem những khúc gỗ này về để nấu bánh chưng à?”.“Lúc ấy, mình cũng tếu táo đáp lại là đang “làm nghề dọn rác của rừng”. Bởi, theo quan điểm của nhiều người, những gốc gỗ, gỗ lũa ấy là thứ bỏ đi... Dù có chút chạnh lòng nhưng mình càng quyết tâm theo đuổi đam mê có phần khác người đó”, Hà tâm sự.
Hà trải lòng, thực ra “máu” nghệ thuật có trong người từ những năm cấp 3. Thời điểm đó, ngoài giờ học, Hà đi khắp nơi mày mò, sáng tạo, chế tác những bức tượng. Quá trình tìm hiểu, chàng trai trẻ nhận thấy nhiều gốc cây bị bỏ lại rừng rất lãng phí. Những trăn trở đó cộng với quá trình tiếp thu kiến thức ở trường đại học giúp Hà càng quyết tâm hơn trên con đường đã chọn.
Từ những gốc cây gỗ lũa, gỗ mục qua quá trình 15 ngày, đến một tháng lao động, sáng tạo, cẩn thận từng mũi khoan, Hà cùng những người thợ đã cho ra tác phẩm độc, lạ. Nhưng cũng có tác phẩm, chàng trai trẻ mất cả năm trời mới hoàn thiện.
Bước đầu, Hà gặp khá nhiều khó khăn khi men theo những con đường dốc với một bên là đồi, một bên là vực thẳm để vào rừng sâu tìm gốc cây gỗ lũa. Nhờ con mắt nghệ thuật được di truyền từ bố, Hà đã tìm, quan sát và cảm nhận được thế dáng mà thiên nhiên tạo hình sống động ở từng khúc gỗ, khúc gỗ mục, rồi vận chuyển về chế tác.
Đồng thời, thông qua mạng internet, công việc hàng ngày, bằng trí tưởng tượng Hà đã hình thành nên nhiều ý tưởng mới, lạ phù hợp với kích cỡ từng gốc cây để cho ra sản phẩm kỳ dị, đẹp nhưng không kém phần tinh tế.
Để có được những gốc cây độc, lạ, với thế dáng hiếm có, chàng trai trẻ phải lần mò đến các khu vực miền núi, hẻo lánh. Đến bây giờ, nam thanh niên 9X vẫn chưa thể quên hành trình gần 1 tháng trời sang Campuchia để mua khúc gỗ quý.
Hà nhớ lại, đó là một ngày giữa tháng 7/2018, anh vô tình nhận được nguồn tin có khối gỗ lũa đẹp đang được người dân ở Camphuchia sở hữu. Dù chỉ mới nhìn qua hình ảnh nhưng anh quyết định đặt cọc 400 triệu đồng để được sở hữu khúc gỗ ấy. Khi hai bên đã thương lượng xong, anh cùng hai người bạn quyết định khăn gói sang nước bạn để “mục sở thị”.
Sau gần 1 tháng di chuyển, trải qua nhiều khó khăn, chàng trai 27 tuổi đã chính thức sở hữu “đứa con tinh thần” mà anh tâm đắc. Cậu tâm sự: “Lúc quyết định chuyển khoản số tiền lớn, tôi có chút lo sợ vì chưa gặp mặt người bán. Nhưng vì đam mê, tôi quyết định đánh liều, chơi lớn một lần”.
|
Chàng trai trẻ bên tác phẩm “Con Rồng, cháu Tiên” mà anh tâm đắc. |
Theo kinh nghiệm của Hà, để cho ra sản phẩm đẹp đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải chọn được phôi gỗ đẹp, qua bàn tay người thợ giỏi để thực hiện ý tưởng của mình. Tất nhiên người thợ phải đam mê, giàu kiến thức thực tiễn.
Bởi, với cùng một gốc cây nhưng không phải ai cũng nhìn ra thế dáng để tạo nên con vật phù hợp, có hồn, thu hút người xem. Thành phẩm là kết tinh của cả một quá trình, sự đam mê và nỗ lực hết mình.
Mô hình kinh tế mới
Trong các tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây của Hà chủ yếu mang hình dáng các con vật như cóc, rồng, lân, rùa… Chàng trai chia sẻ muốn hướng những tác phẩm nghệ thuật vào tâm linh. “Trong cuộc sống, khi buồn đau, hay gặp những trắc trở, con người thường tìm điểm tựa vào tâm linh. Điều đó giúp họ thanh thản, thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Đó là lý do vì sao tôi thường tập trung tạo ra sản phẩm hình con vật là các con giáp ngộ nghĩnh”, Hà chia sẻ.
Khi đã tạo hình thành những con vật, chàng trai trẻ dày công tìm hiểu sử tích, ý nghĩa tác phẩm mình muốn hướng đến. Như tác phẩm hình con rùa ngậm kiếm, được anh đặt tên là “Thần kim quy”. Hà có lời giới thiệu ngắn gọn: “Sau thời Lê Lợi chiến chinh/Gươm thần nổi tiếng giặc Minh kinh hoàng/Thần kêu mượn kiếm khải hoàn/Nghìn năm điển tích sử vàng con ghi”.
Hay khi phát hiện được khúc gỗ có hình thù kỳ dị, nhiều nhánh cây, anh nảy sinh ý tưởng tạo thành con rồng. Tác phẩm hoàn thiện được anh đặt tên: “Con Rồng, cháu Tiên”. Với gốc cây xù xì, Hà lên ý tưởng tạo thành con cóc, bởi theo quan niệm dân gian: con cóc là cậu ông trời.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Hà còn tạo ra những tác phẩm liên quan đến Phật giáo như tượng Phật, sư tổ Đạt Ma… Theo quan niệm của chàng trai trẻ, đích cuối cùng của mỗi con người là hướng tới cái thiện, tìm một chốn bình yên trong tâm hồn liên quan đến yếu tố tâm linh. Do vậy, anh tập trung đi sâu vào khía cạnh đó để tạo nên tác phẩm độc, có giá trị sử dụng cho số đông khách hàng.
Với mỗi gốc cây có được, Hà cho rằng đều có cơ duyên nên luôn trân trọng. Trước khi bắt tay vào chế tác, chàng trai luôn bỏ công tìm hiểu để không hối hận sau mỗi mũi khoan, đục đẽo.
Trên con đường theo đuổi đam mê, động lực lớn nhất của Hà đó là sự ủng hộ của bố mẹ, vợ. Bố Hà, ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1964) là người nhiều năm trời theo đuổi những bộ môn liên quan đến nghệ thuật. Dù vậy, các ý tưởng của con ông ít can thiệp mà để Hà tự định hướng theo suy nghĩ riêng.
Mới đây, Hà đã đưa 6 tác phẩm là những bức tượng đặc sắc, tinh tế với những tên gọi gắn với những sự tích khác nhau để đi triển lãm tại Sơn Tây, Hà Nội nhân Kỷ niệm Ngày đại đoàn kết toàn dân tộc. Điển hình như bức tượng cụ rùa với tên gọi “Việt Nam trường tồn” có dáng hình đất nước sắc nét cụ gánh trên lưng; tượng “Con Rồng, cháu Tiên”; “nhất tâm hướng Phật”...
Chia sẻ về dự định tương lai, Nguyễn Văn Hà cho biết đang đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, cũng như xây dựng thêm Showroom, tạo không gian rộng rãi trưng bày sản phẩm để khách hàng, nhân dân ở các tỉnh, thành trong cả nước có thể đến tham quan, mua hàng.
Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của chàng trai 9X, anh Hồ Văn Thiết – Bí thư Đoàn xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu cho biết, nghề chế tác gỗ lũa của Hà là mô hình mới, thành công đầu tiên ở xã. Sắp tới Đoàn xã sẽ đưa mô hình này vào những mô hình thanh niên phát triển kinh tế của xã, tổ chức cho đoàn viên thanh niên ở chi đoàn khác đến tham quan, học hỏi nhân rộng mô hình nếu có đủ điều kiện.