Cảnh giác người nhập cảnh trái phép
Trước đó, rạng sáng 24/12, nhóm 6 người từ Myanmar đã nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở để về Việt Nam. 4 người trong nhóm này đã được ghi nhận dương tính với với SARS-CoV-2. Đó là bệnh nhân (BN) 1440 (Vĩnh Long), 1451, 1453 (TP HCM) và 1452 (Đồng Tháp). Hai người còn lại có kết quả âm tính lần một với SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết: BN 1451 được phát hiện khi tự ra khai báo y tế sau khi biết người đi nhập cảnh trái phép chung với mình nhiễm COVID-19 là BN 1440. Vấn đề được đặt ra là nếu người nhà không ra khai báo y tế thì sẽ không phát hiện BN 1440. Nếu không phát hiện BN 1440 thì BN 1451 cũng sẽ không tự ra khai báo y tế.
Như vậy, hai trường hợp này không được phát hiện và tiếp tục lẩn trốn trong cộng động tạo ra nguồn lây bệnh, tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây. Và khi đó công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều do TP HCM có dân số lớn và là đầu mối giao lưu của cả nước. Với các trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát lây lan.
HCDC đưa ra cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Đường xâm nhập khó kiểm soát, nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở. Do đó, đề nghị toàn thể xã hội, cộng đồng và các ngành chức năng cần có biện pháp đấu tranh triệt để nhằm giải quyết vấn đề này vì nếu bỏ lọt các trường hợp này sẽ để lại hậu quả nặng nề.
Theo HCDC, để có một cái Tết an lành, trọn vẹn, người dân thành phố cần tiếp tục chung sức trong cuộc chiến chống COVID-19. Chúng ta không chủ quan, lơ là những cũng không hoảng loạn trước tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, chúng ta cần cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, hãy thông tin ngay đến chính quyền địa phương để được xử lý đúng quy định. Người nhập cảnh cần tuân thủ đúng quy định cách ly để không mang nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính gia đình mình và cộng đồng.
Để chủ động trong công tác phòng chống, phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị: Những người có tiếp xúc gần và đi cùng với trường hợp BN 1440 và BN 1451 (nêu trên) liên lạc ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế quận, huyện, xã, phường, thị trấn), hoặc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn hỗ trợ và thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
BN 1440 là nam, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. BN 1440 là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở vào 2h sáng 24/12 và về nhà tại Vĩnh Long. Ngay sau khi về đến gia đình, người nhà bệnh nhân đã thông báo ngay với Công an địa phương để tiến hành cách ly và lấy mẫu kịp thời tại Vĩnh Long. Ngày 24/12/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP HCM Hồ Chí Minh xét nghiệm ngày 25/12. Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Chế tài do che dấu người nhập cảnh trái phép
Nói về trường hợp này, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nhờ sự đề cao cảnh giác của người mẹ nên mới kịp thời phát hiện ca mắc COVID-19. “BN 1440 được phát hiện nhờ người mẹ chủ động đi báo chính quyền và cơ quan chức năng khi con trai ở Myanmar trốn về, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, chưa được sàng lọc và cách ly để phòng, chống COVID-19 theo quy định”, Thủ tướng nói.
Từ thực tế này, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương không được mất cảnh giác, duy trì cảnh giác nghiêm ngặt biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam và phía bắc. Người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi toàn dân tố giác tội phạm, những người trốn về nước dẫn đến lây nhiễm và cần cảnh giác trong từng gia đình, từng khu phố, từng thôn bản.
Các chuyên gia thì trao đổi với báo chí từ góc độ pháp lý về vụ việc này. Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết những người có hành vi che giấu người xuất nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rõ về vi phạm trong xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại. Theo đó, hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam trái phép thì bị phạt tiền 15-25 triệu đồng.
Còn đối với hành vi giúp đỡ, tiếp tay và tổ chức đưa bệnh nhân mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép, theo Luật sư Hà Kim Tâm (Công ty Luật Onekey & Partners), việc này có dấu hiệu vi phạm Điều 348 Bộ luật Hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Luật sư phân tích ở tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tù 1-5 năm. Nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn; có tính chất chuyên nghiệp hay phạm tội từ 2 lần trở lên thì có thể đối diện mức án 5-10 năm tù.
Còn trường hợp kết quả điều tra xác định đường dây này thu lợi bất chính trên 500 triệu, dẫn 11 người trở lên nhập cảnh trái phép hay làm chết người thì khung hình phạt là 7-15 năm tù.
Ngày 30/12/2020, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép xảy ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Theo Công an An Giang, đây là vụ án phức tạp, gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chống dịch COVID-19.
Ngày 1/1/2021, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố 5 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Đây là các đối tượng trong đường dây tổ chức nhóm BN 1440 nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Kết quả điều tra bước đầu xác định Phan Phi Hùng (SN 1979) là người móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đưa nhóm BN 1440 vượt biên trái phép vào Việt Nam. Sau khi hay tin BN 1440 dương tính với SARS-CoV-2, Hùng đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị bắt giữ ngày 31/12/2020 khi đang lẩn trốn tại Bình Dương.